Bị vu liên quan đến ma túy, người phụ nữ rút hàng trăm triệu đồng chuyển cho người lạ để khỏi bị bắt

Phạm Hiệp Thứ tư, ngày 17/05/2023 17:09 PM (GMT+7)
Công an xã Phú Cường (Ba Vì, TP.Hà Nội) vừa kịp thời ngăn chặn vụ giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận 0

Ngày 17/5, thông tin từ Công an TP.Hà Nội, Công an xã Phú Cường vừa qua đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền...

Theo đó, ngày 10/5/2023, bà Đ.T.K.S (SN: 1964, xã Phú Cường, huyện Ba Vì) nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là cán bộ Công an điều tra ma tuý, thông báo bà S có liên quan đến đường dây ma túy lớn, yêu cầu bà chuyển số tiền 150 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắt giam.

Do lo sợ, sau đó vài ngày bà S đã một mình đến Bưu điện xã rút tiền tiết kiệm, rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng trên.

Cùng thời điểm đó, một cán bộ Công an xã Phú Cường có đến Bưu điện xã để trích xuất camera an ninh phục vụ công tác thì gặp bà S tại đây.

Bị vu liên quan đến đường dây ma túy, người phụ nữ rút tiền chuyển cho người lạ để khỏi bị bắt - Ảnh 1.

Cán bộ Công an xã Phú Cường đã ngăn chặn kịp thời vụ giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CAHN

Thấy bà S có dấu hiệu hoảng loạn, lo lắng, yêu cầu nhân viên bưu điện rút tiền nhanh, cán bộ Công an xã Phú Cường tiếp cận để nghe bà S kể lại sự việc.

Sau khi nắm thông tin, cán bộ Công an đã giải thích rõ cho bà S về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như hàng loạt các phương thức lừa đảo khác trên không gian mạng và nhắc nhở bà S tuyệt đối không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng. Qua đó đã giúp bà S thoát khỏi bẫy lừa, bảo toàn được số tiền 150 triệu.

Ở một diễn biến khác, Công an quận Đống Đa (TP.Hà Nội) cũng đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 300 triệu đồng.

Theo đó, vào ngày 8/5/2022, anh Đ (SN 1982, Đống Đa) có nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh đã đồng ý làm thủ tục vay.

Sau đó, anh Đ phải đóng 6 triệu đồng để được làm hợp đồng. Tuy nhiên các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại. Sau khi gửi lại, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng.

Chờ mãi không thấy giải ngân, anh Đ lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hằng tháng. Tổng số tiền anh đã chuyển 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem