Bệnh chết héo nguy hiểm gây chết 100ha cây keo, chuyên gia lâm nghiệp nói gì?

Khương Lực Thứ tư, ngày 22/07/2020 09:20 AM (GMT+7)
Mặc dù đánh giá bệnh chết héo trên cây keo rất nguy hiểm, nhưng GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định bệnh này khó bùng phát thành dịch trên quy mô lớn ở Việt Nam. Đến tháng 7/2020, phát hiện bệnh ở 21 tỉnh, diện tích rừng trồng keo bị chết hơn 90ha (bằng 0,0056% tổng diện tích rừng trồng keo).
Bình luận 0

Phóng viên DÂN VIỆT phỏng vấn GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) về nguy cơ bệnh chết héo trên cây keo cũng như tình trạng rừng trồng keo bị chết vì thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài đang xảy ra tại nhiều địa phương.

GS.TS. Phạm Văn Điển: Bệnh chết héo cây keo rất nguy hiểm, nhưng khó bùng phát thành dịch ở Việt Nam - Ảnh 1.

GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: "Bệnh chết héo trên cây keo rất nguy hiểm, nhưng khó bùng phát thành dịch trên quy mô lớn ở Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của bệnh chết héo cây keo trong thời gian vừa qua?

Trên thế giới và ở Việt Nam, bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocystis spp gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ phát dịch cao. Nếu bệnh bùng phát thành dịch sẽ gây thiệt hại lớn đối với sản xuất. Tuy nhiên, bệnh này chưa và khó bùng phát thành dịch trên quy mô lớn ở Việt Nam.

Loại bệnh này đã gây chết khoảng 1 triệu hecta rừng keo ở Indonesia và vài trăm nghìn hecta rừng keo ở Malaysia trong giai đoạn 2010 - 2017. Ở những nước này, bệnh chết héo cây keo rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. Người dân phải chuyển hướng sang trồng bạch đàn, nhưng bạch đàn cũng đã bị bệnh.

GS.TS. Phạm Văn Điển: Bệnh chết héo cây keo rất nguy hiểm, nhưng khó bùng phát thành dịch ở Việt Nam - Ảnh 2.

Diện tích keo chết phải chặt bỏ ở đội sản xuất Ðông Hữu, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: ÐOÀN THƯ

Ở nước ta, bệnh này được phát hiện vào năm 2008. Năm 2015, bệnh xuất hiện ở 17 tỉnh, có 2000 ha rừng trồng keo (keo tai tượng, keo lá tràm, keo lưỡi liềm, keo lai) bị nhiễm bệnh với tỷ lệ phần trăm số cây nhiễm trong lô dưới 15%, trong đó diện tích rừng trồng keo bị chết xấp xỉ 100 ha, phân bố rải rác ở nhiều nơi. 

Đến 7/2020, phát hiện bệnh ở 21 tỉnh, diện tích rừng trồng bị nhiễm bệnh không nhiều, phân bố rải rác, tỷ lệ phần trăm số cây bị nhiễm bệnh trong lô rừng có bệnh phổ biến ở mức dưới 15%. Diện tích rừng trồng keo bị chết hơn 90 ha (bằng 0,0056% tổng diện tích rừng trồng keo).

Nhiều nhà khoa học nhận định, ở Việt Nam khó xảy ra dịch bệnh trên quy mô lớn như tại Indonesia hay Malaysia do bệnh này xuất hiện và gây thiệt hại chủ yếu ở những địa phương có tổ hợp lượng mưa bình quân năm từ 2500mm trở lên, rừng trồng 1 - 3 tuổi mà thân, cành hay rễ cây bị tổn thương cơ giới, được trồng ở chu kỳ 3, 4 trở đi. 

Thực tiễn cho thấy, từ năm 2015 đến nay mức độ bị bệnh chết héo cây keo không có chiều hướng gia tăng, chỉ tăng ở số địa điểm bị bệnh.

Hiện nay, diện tích trồng keo ở Việt Nam rất lớn và nhiều địa phương có xu hướng trồng độc canh cây keo. Với sự xuất hiện của bệnh chết héo trên cây keo như hiện nay, liệu chúng ta có nên phá thế độc canh khi trồng rừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại không đáng có?

Hiện nay, rừng trồng keo là rừng sản xuất có diện tích khoảng 1,6 triệu hecta, chiếm 45% diện tích rừng trồng của cả nước. Keo là cây trồng lâm nghiệp chính (trong số 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính), là nguồn nguyên liệu quan trọng cho chế biến, xuất khẩu gỗ. 

GS.TS. Phạm Văn Điển: Bệnh chết héo cây keo rất nguy hiểm, nhưng khó bùng phát thành dịch ở Việt Nam - Ảnh 3.

Cây keo lai ở huyện Đắk Pơ, Gia Lai... chết khô vì nắng hạn. Ảnh: Đình Văn

Hàng năm, cả nước trồng mới và trồng rừng keo trên đất sau khai thác khoảng 200.000ha. Xu thế chung là các tiến bộ kỹ thuật lâm nghiệp, các tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến phát triển rừng trồng keo ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất.

Không chỉ có phương thức trồng rừng hỗn giao, mà còn nhiều giải pháp khác như sử dụng giống tốt, kháng bệnh, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, thâm canh, quản lý tốt thực bì và lập địa trồng keo là lựa chọn "khôn ngoan" của người trồng rừng nhằm đạt được mục tiêu "kép", vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa ổn định, bền vững, lâu dài và phòng ngừa, ngăn chặn được rủi ro như dịch bệnh hay suy thoái đất. 

Cần nhấn mạnh là, hiện nay có 4 loài keo khác nhau, mỗi loài có nhiều giống (65 giống được tuyển chọn, công nhận và đang được trồng phổ biến). Về phương thức trồng rừng, phá thế "độc canh" là việc nên làm, trước mắt bằng việc phối trí các giống, loài khác nhau của chính các loài keo ở nơi trồng rừng, về lâu dài là mở rộng "đa canh" keo với loài cây trồng khác.    

Những giải pháp mà Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan đang triển khai để ngăn chặn, hạn chế bớt thiệt hại do bệnh chết héo trên cây keo là gì, thưa ông?

Quản lý, phát triển và kinh doanh rừng bền vững là quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt, nhất quán trong hoạt động lâm nghiệp. Đây là điều luôn được chú trọng từ lâu trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như trong tham mưu.

Riêng về khía cạnh phòng ngừa, ngăn chặn bệnh chết héo cây keo, từ năm 2017, Tổng cục đã tham gia chỉ đạo các Viện, Trường thực hiện nghiên cứu sâu về loại bệnh này. Đến nay đã có nhiều hiểu biết quan trọng được công bố, là cơ sở tốt cho việc đề xuất các biện pháp phòng trừ tổng hợp. Quy trình tạm thời phòng chống tổng hợp bệnh chết héo cây Keo tai tượng, Keo lá tràm và Keo lai sẽ được ban hành trong quý III/2020.

Việc khuyến cáo các địa phương, chủ rừng thực hiện một số biện pháp phòng trừ đối với bệnh chết héo cây keo đang được xúc tiến: lựa chọn giống, xử lý thực bì, xử lý đất, bón phân, chăm sóc, bảo vệ và luân canh cây trồng để hạn chế nguy cơ bị bệnh.

Các nhiệm vụ tổng thể về khoa học công nghệ, khuyến nông, tuyên truyền cũng đang được thiết kế để giải quyết toàn diện, kịp thời, có hiệu quả, bền vững đối với kinh doanh rừng keo, trong đó có ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát bệnh chết héo ở cây keo và các bệnh hại cây rừng nguy hiểm mới phát sinh.

Cùng với bệnh chết héo trên cây keo, thời gian vừa qua, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích rừng trồng ở các tỉnh như Đồng Nai, Quảng Ngãi bị chết khô. Vậy, Tổng cục đã có điều tra, đánh giá và giải pháp để hạn chế tình trạng này?

Nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài trong thời gian qua đã gây ra tình trạng rừng trồng bị chết ở một số địa phương. Chúng tôi thường xuyên theo dõi tiến trình này, đã tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình, phối hợp tốt với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương, trong đó có Đồng Nai, Bình Thuận... để bàn giải pháp giảm thiểu thiệt hại về rừng.

Một là, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết rừng hoặc cháy rừng.

Hai là, thống kê, xác định vùng trọng điểm nắng nóng, khô hạn, cháy rừng, chết rừng nhằm đề xuất các giải pháp lâu dài, căn cơ, như quy hoạch rừng, chọn loại cây trồng chịu nóng, chịu hạn; xây dựng các giải pháp bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH trong lâm nghiệp.

Ba là, chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng cây giống, hiện trường cho kế hoạch trồng rừng năm 2020. Triển khai trồng rừng đúng thời vụ và kỹ thuật trồng rừng theo khuyến cáo của Tổng cục Lâm nghiệp.

Bốn là, các địa phương thực hiện việc thống kê, phân loại chính xác diện tích, mức độ rừng trồng bị thiệt hại để lập phương án thanh lý hoặc đề nghị hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ. 

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đến nay nước ta đã xác định được 14 loài sinh vật gây bệnh hại chính cho cây keo.

Trong đó, có 3 bệnh có khả năng bùng phát thành dịch: bệnh do nấm Ceratocytis manginecans (bệnh chết héo); bệnh phấn hồng hại thân do nấm Corticium salmonicolor gây hại và bệnh vàng lá gốc do các loài nấm thuộc chi Phytophthora (chưa xác định được loài và cơ chế gây bệnh).

Trong 3 loại bệnh trên thì bệnh chết héo là bệnh nguy hiểm, đã phát thành dịch tại In-đô-nê-si-a và Ma-lay-xi-a gây thiệt hại lớn. Ở nước ta đã xuất hiện ở nhiều địa phương, làm cho rừng trồng bị chết tập trung, trên diện rộng đã xảy ra ở một số tỉnh như Tuyên Quang, Yên Bái, Cà Mau...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem