Bạn học đố kỵ, hại chết danh sĩ Ngô Thì Nhậm ra sao?

N.N Thứ năm, ngày 25/08/2022 20:30 PM (GMT+7)
Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm cùng là học trò của Ngô Thì Sỹ, nhưng vì kém tài, Đặng Trần Thường tỏ ra đố kỵ, ghen ghét Ngô Thì Nhậm. Sau này, Đặng Trần Thường làm quan nhà Nguyễn, vì thù riêng mà ra tay trả thù, hại chết Ngô Thì Nhậm.
Bình luận 0

Chuyện xưa kể lại rằng, học trò của cụ Ngô Thì Sỹ ngày ấy khá đông, nhưng xuất sắc nhất chỉ có người con trai là Ngô Thì Nhậm và con rể của cụ là Phan Huy Ích. Một lần vui miệng, để khuyến khích cả con rể và con trai, cụ Sỹ bảo hai người hãy cố chiếm lấy cho được vị trí trong cuộc tranh đua khoa giáp. Lúc ông bảo ban như vậy có mặt cả một người học trò khác tên là Đặng Trần Thường. Không thấy thầy nhắc gì đến mình, Đặng Trần Thường cảm thấy mình bị bẽ mặt, từ đó trong thâm tâm nảy sinh ghen ghét, bực bội với hai người kia.

Bạn học đố kỵ, hại chết danh sĩ Ngô Thì Nhậm ra sao? - Ảnh 1.

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Quang Trung hoàng đế.

Nhưng quả thực là lực học của Đặng Trần Thường không bằng hai người họ Ngô và Phan được. Sau kỳ thi hội, hai người này đều đỗ cao, còn Đặng Trần Thường thì bị hỏng. Từ đó, lòng đố kỵ lại tăng lên, Đặng muốn tỏ ra khinh thường bạn để thỏa nỗi bực mình. Vì thế, chọn đúng ngày Ngô Thì Nhậm vinh quy được rước về làng, Thường ra chặn ngay đầu đường kéo quần xuống đái. Các quan và chức dịch sở tại thấy vậy đuổi bắt và đánh Thường mấy chục roi. Thường cho đây là chủ tâm của Ngô Thì Nhậm muốn làm nhục mình, nên từ đó càng căm giận, nhất quyết trả thù cho bằng được.

Thời gian trôi qua, tình hình đất nước ngày càng rối ren. Quân Tây Sơn đã dẹp được Lê - Trịnh, nhưng ở Đàng Trong Nguyễn Ánh vẫn còn ít nhiều thực lực và đang cố sức khôi phục lại cơ đồ. Đặng Trần Thường cho rằng phía Nam là đất để cho mình tạo lập công danh và đã tìm vào quy phục. Ở trong Nam, nhờ có công nên về sau Đặng Trần Thường được giúp việc cho dinh Tổng trấn Bắc Thành. Lệnh của triều đình nhà Nguyễn là phải bắt hết các cựu thần nhà Tây Sơn ra đầu thú. Các ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... đều ở trong số này. Khi ấy, Đặng Trần Thường nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để cho mình trả hận mối thù năm xưa. Vì vậy, Đặng Trần Thường cho đòi Ngô Thì Nhậm vào trình diện và ngay lúc đó Đặng đắc ý đọc một vế đối: Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai dễ biết ai!

Câu đối trịch thượng tỏ ý ngông nghênh và tỏ ý coi khinh Ngô Thì Nhậm và cả Ngô Thì Sỹ không biết ai là nhân tài. Và bây giờ thời thế đổi thay, ai mới là kẻ có địa vị công hầu khanh tướng. Đặng Trần Thường chắc chắn lời lẽ cao ngạo của mình đã chứng minh một sự thật, làm cho Ngô Thì Nhậm chỉ có cúi đầu nhận lấy sự hổ thẹn, không còn chỗ nào mà đáp lại. Không ngờ, Ngô Thì Nhậm vẫn ung dung đứng ứng khẩu đối ngay rằng: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế!

Như vậy, Ngô Thì Nhậm vẫn không chịu khuất, mà trong vế của ông còn tỏ rõ cái tầm nhìn của ông không vì danh lợi công hầu khanh tướng. Đặng Trần Thường vì vậy mà cảm thấy bị bẽ mặt một lần nữa. Sau lần đó, Thường càng căm giận hơn, liền bàn với bọn quan chức nhà Nguyễn ở Bắc Thành đem ông tiến sĩ đã làm việc với quân Tây Sơn ra đánh đòn ở Văn Miếu, lấy lý lẽ là họ đã phản nhà Lê, theo ngụy triều... vì thế, mỗi ông nghè này phải chịu ba chục roi trước mặt các nho sĩ, quan lại để làm gương. Riêng Ngô Thì Nhậm bị đánh đau hơn vì Thường đã dặn bọn lính phải đánh thẳng tay. Sau trận đòn ấy, Ngô Thì Nhậm được khiêng về nhà và chỉ vài ngày sau thì ông mất.

Lời bàn:

Tương truyền, câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế. Và Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại là “thế đành theo thế” nhưng Ngô Thì Nhậm không nói lại. Vì vậy, Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng roi tẩm thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ và khi biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau: “Ai tai Đặng Trần Thường/ Chân như yến xử đường/ Vị Ương cung cố sự/ Diệc nhĩ thị thu trường”. Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường/ Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi/ Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương/ Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó. Quả nhiên là sau này Thường bị vua Gia Long xử tử.

Nhân quả hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “gieo nhân nào thì gặt quả nấy” là quy luật của muôn đời và từ thượng cổ cho tới nay không ai thoát khỏi quy luật này nếu như không biết làm việc thiện. Hậu thế xin ai đó chưa tin vào quy luật này thì xin hãy nhìn tấm gương tày liếp của Đặng Trần Thường ngày xưa mà rút cho mình bài học hữu ích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem