Bài dự thi Tết đoàn viên: Cây đào nở muộn

Nguyễn Hội Thứ bảy, ngày 28/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Chiều mùng 3 Tết, đối với nhiều người, không khí mùa Xuân đã vơi dần nhưng trong đại gia đình chúng tôi, ngày Tết mới thực sự bắt đầu. Cũng dường như khi đó, những bông đào quê mới trổ bông hồng thắm đón chào những đứa con, đứa cháu vì công việc mà giờ mới đặt bước chân về đến quê nhà.
Bình luận 0

Một ngày trước đó (chiều muộn mùng 2 Tết), tôi mới được trở về ngôi nhà nhỏ yêu thương của mình sau những ngày trực sẵn sàng chiến đấu và công tác tại đơn vị. 

Là người chỉ huy cao nhất trong một đồn biên phòng nơi tuyến đầu biên giới miền Tây, đó vừa là trách nhiệm vừa là cách để lan tỏa đến tận cùng tình yêu thương, trong thời điểm quan trọng này. Điều đó giúp anh em trong đơn vị "Vui xuân mới không quên nhiệm vụ" và giữ gìn sự bình yên cho người dân vui Xuân, đón Tết. 

Chúng tôi đã trao hàng trăm phần quà đến tận tay người dân nghèo nơi vùng biên giới huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, trong chuỗi chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân biên giới". Và đã có biết bao nhiêu gia đình có thân nhân là Việt kiều, sau bao năm xa nhà vì điều kiện kinh tế và dịch giã, Tết này được đoàn viên nhờ sự hỗ trợ pháp lý của chúng tôi, tại cửa khẩu. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Cây đào nở muộn - Ảnh 1.

Tôi trở về với gia đình nhỏ yêu thương của mình sau những ngày công tác tại đơn vị. (Ảnh: NVCC)

Đêm giao thừa và trong suốt ngày mùng 1, mùng 2 Tết, tôi chỉ huy đơn vị tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự, sự vẹn nguyên từng cột mốc biên cương, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đến từng tổ công tác, từng điểm chốt Biên phòng để động viên những người lính trẻ lần đầu tiên ăn Tết xa gia đình, yên tâm công tác. Và thêm nữa, chúng tôi đến từng hộ gia đình bám chặt đất vùng biên, để họ thấy ấm lòng trong thời khắc thiêng liêng. Nhiệm vụ và hạnh phúc của người lính giữa thời bình chỉ đơn sơ nhường vậy. 

Khi ca trực cao điểm nhất đã hoàn thành, tôi trở về căn nhà riêng cách đồn mấy chục cây số. Nơi bậc cửa, những cánh mai vàng đã nở xòe ra rực rỡ. Tiếng cười nói ríu ran của hai đứa con và người vợ trẻ khiến bao mệt mỏi trong tôi dường như tan biến. Đặt chiếc ba lô xuống hiên nhà, tôi ôm ghì vào trong lòng tất cả. Gia đình mãi mãi là nơi bình yên nhất, tôi tìm về để đong đầy hạnh phúc. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Cây đào nở muộn - Ảnh 2.

Chúng tôi đã trao hàng trăm phần quà đến tận tay người dân nghèo nơi vùng biên giới huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. (Ảnh: NVCC)

Trải qua quãng đường gần hai ngàn km, từ tận cùng biên giới tỉnh Long An, cả gia đình chúng tôi "hành quân" về quê hương Thái Bình vui Xuân, đón Tết. 

Bắt đầu là hành trình từ nhà lên sân bay với gần hai trăm km đường liên xã, liên huyện và cả một đoạn dài quốc lộ. Mặt đường gồ ghề, nhấp nhô, đầy ổ gà, ổ vịt. Dù độ đàn hồi của xe cũng không đến nỗi nào nhưng nhiều lúc, những cú xóc vẫn muốn hất tung người lên trên nóc. Ấy là chưa kể, sự nhộn nhịp, đông đúc trong ngày Tết của tuyến đường huyết mạch vùng Đồng Tháp Mười khiến cậu tài xế phải liên tục điều chỉnh tốc độ và cung đường cho kịp giờ. 

Nhưng chẳng hề gì, sự háo hức, nôn nao khiến các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh bình thường. Bé gái út Nguyễn Xuân Mai cứ luôn miệng líu lo, tập hát đi hát lại những bài về quê nhà tặng nội. 

Là người làm rể miền Tây, mấy năm nay lại dịch giã hoành hành nên đã bốn năm rồi, cả nhà chúng tôi không được về quê bên nội.

Vừa bước xuống sân bay Cát Bi, nền nhiệt hạ thấp bất ngờ khiến chúng tôi khẽ rùng mình thú vị. Vợ và các con tôi thích thú, xúng xính trong chiếc áo ấm mùa Đông đã chuẩn bị từ rất lâu, trước đó. Suốt quãng đường hơn bảy mươi km về nhà, chúng tôi đi trong lớp mưa bụi mỏng tang và làn sương mờ thấp thoáng ngoài khung cửa kính. Quê hương thay da, đổi thịt nhiều quá! Đường trải thảm nhựa phẳng lỳ, rộng rãi thênh thang, nhà cao tầng nhấp nhô như thành phố. Đi giữa cánh đồng làng quê, những kỷ niệm thuở ấu thơ, của những ngày mùa Xuân xa lắc bỗng ùa về, ngập tràn trong tâm trí. Lòng tôi hồi hộp, nôn nao…

Đón chúng tôi từ đầu con ngõ dài hun hút, tất cả thành viên trong đại gia đình cất tiếng cười giòn tan, trong ngập tràn hạnh phúc. Mẹ tôi ôm ghì vào trong lòng cả hai đứa cháu. Rồi nước mắt mẹ mừng vui bỗng chảy dài trên mặt theo những sợi tóc trắng. Tôi chợt nhớ, lần đầu tiên mình trở về sau hai năm vừa ra trường công tác, mẹ cũng đón mừng như vậy. Bố lặng đứng cười hiền, mái tóc đã bạc màu tựa như những vầng mây trắng. 

Bữa cơm của ngày đoàn viên rộn ràng mà ấm cúng. Tôi đứng lặng trước bàn thờ tổ tiên, mượn làn khói hương trầm để dâng lên một tấm lòng thành kính. Mùi hương thơm quyện với mùi cỗ cúng thấm sâu vào từng tế bào thần kinh một cảm giác thiêng liêng mà yên bình đến kỳ lạ. Mâm lễ được hạ xuống cho con cháu thụ lộc. Mẹ tôi chăm chút từng món ăn đều đậm phong vị Tết quê. Màu xôi gấc đỏ tươi bên đĩa thịt gà vàng hươm mà căng bóng. Quả gấc mẹ hái vườn nhà. Còn đôi gà Đông Tảo mẹ chăm bẵm từng ngày trong tấm lòng thành kính tổ tiên và tình yêu thương con cháu. 

Sau bữa cơm, các cháu chắt trong nhà được dịp "trổ tài" những bài hát mùa Xuân mới. Bố mẹ tôi ngồi rung rung tóc trắng, ánh mắt hiền từ đón nhận lòng thành của các con, các cháu. Tiếng cười nói ríu ran, những câu chúc đầu năm, những bao lì xì đỏ tươi, rộn ràng khăn áo mới. 

Tôi dẫn vợ con đi lễ chùa. Ngôi "Sùng Nghiêm Tự" làng tôi vẫn thâm trầm dưới gốc cây đại già và rặng nhãn cổ. Mấy trăm năm rồi, chùa làng tôi không có sư trụ trì. Mọi sinh hoạt thiện tâm đều do người dân đồng lòng mà thực hiện. Người trong làng, tư Rằm, mùng 1, người ở xa về thì lễ Tết, hội hè, tất cả đều hướng lên Phật một tấm lòng thành kính và ngôi chùa là nơi kết tụ tâm linh của cả làng. Ngày đầu năm, chúng tôi đi lễ, cầu một năm bình an và nhắc nhớ về một người con Phật. 

Chúng tôi đi cúng lễ nhà thờ tổ và thăm viếng bà con dòng họ. Lệ ở quê tôi từ bao đời nay vẫn vậy. Chẳng phân biệt sang hèn, cao thấp, ngày Tết con cháu phải đến cúng lễ tổ tiên theo ngôi thứ và mừng tuổi những vị cao niên, những người thân thiết trong dòng tộc, sau nữa mới đến xóm giềng, bè bạn.

Sáng mùng 5 Tết, cả nhà tôi ra thăm và tưới mát cho khu vườn của mẹ. Những hạt mưa bụi nhỏ li ti như hạt phấn rắc đều lên khắp vườn quê yên ả. Hương hoa bưởi, hoa cam thoảng bay thanh khiết; những cánh hoa trắng ngần, nõn nà như nhung tuyết. Luống bắp cải, xu hào, xà lách, súp lơ, rau mùi… xanh non mơn mởn. Một hàng cà chua sai trĩu trịt quả xanh, quả hường, quả đỏ đứng cạnh hàng rào như mời gọi. Vợ con tôi thích thú "selfie" với những loại cây, quả đặc trưng của tiết trời miền Bắc. Bé Thái Thanh đùa giỡn với một chú bướm vàng đang dập dờn trên những cánh hoa mùi trắng xinh, rồi bất ngờ nhảy tót vào giữa luống hoa cải cúc. Con hít hà thỏa thuê mùi hoa trong sắc vàng rực rỡ. Con đâu biết đó là luống hoa giống của bà nội. Mẹ tôi âu yếm ôm cháu vào lòng, những cánh hoa còn dính đầy trên tóc.

Nơi cuối vườn, những cánh hoa đào vừa nhẹ nhàng bung nở. Phần nhiều những nụ hoa còn chúm chím xinh xinh. Trong làn gió Xuân ấm áp, màu bích đào đỏ tươi điểm xuyết trong màu trắng mờ của làn mưa mỏng và màu xanh ngăn ngắt của cả khu vườn tạo nên một bức tranh phong cảnh mùa Xuân dâng tràn sự sống… 

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem