Bài 2: Những người nông dân tay cầm cày, tay cầm cọ

Gia Tưởng - Thúy Phương Thứ bảy, ngày 08/08/2020 15:00 PM (GMT+7)
Ngôi làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) là một làng thuần nông, nằm ngay cạnh sông Hồng. Công việc hàng ngày của bà con ở đây chỉ là làm ruộng, trồng rau màu, với công cụ là cái cày, cái cuốc. Nhưng người nông dân ở đây cứ ngơi tay cày là họ cầm cọ vẽ. Người già, trẻ con đều vẽ.
Bình luận 0

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 1.

Ngôi làng ra đường gặp họa sĩ

Ra đường gặp họa sĩ

Làng Cổ Đô có gần 1.000 nóc nhà quần tụ với nhau trong một không gian xanh mướt, mang đậm nét văn hóa của xứ Đoài. Những ngôi nhà ngói ở trong vườn cây ăn trái, cao vút là những cây cau rất thơ mộng và mang nhiều chất liệu hội họa. 

Ông Đào Xuân Quang, năm nay 62 tuổi, một trong những họa sĩ vườn của làng tâm sự: "Làng tôi kể người vẽ thì nhiều lắm, không thể nhớ hết được! Do làng tôi là cả một bức tranh rồi, mình thể hiện góc nào vào tranh thôi, tôi vẽ con trâu, vẽ luống cà ven bờ đê. Nó có sẵn rồi mình chỉ dùng màu sắc để tô lên thành tranh. Với chúng tôi không có gì là cao siêu cả, hội họa như những công việc cày cuốc làm đồng, hay cơm ăn nước uống hàng ngày thôi, chứ không phải là điều xa lạ. Nếu như ở trong xã người ta có cửa hàng bán phân, bán máy nông nghiệp, thì làng tôi có cửa hàng bán giấy, bán màu, bán bút, bán tranh. Rất tự nhiên tranh cũng là một sản phẩm của người nông dân chúng tôi, lúc ngơi tay cày thì cầm cọ".

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 2.

Họa sĩ Hoàng Việt 50 tuổi - hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, hiện tại là Chủ nhiệm CLB hội họa Cổ Đô - cho chúng tôi biết: "Cổ Đô được mệnh danh làng họa sĩ với những hoạt động mỹ thuật sôi nổi. Người đầu tiên khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho dân làng là cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt - người cùng lứa với danh họa Tô Ngọc Vân. Ông là người làng Cổ Đô, sau khi phục vụ cách mạng, ông về nghỉ tại quê nhà và mở lớp dạy hội họa miễn phí. Những tác phẩm của họa sĩ Sỹ Tốt đã đoạt Giải thưởng Nhà nước. 

Ông là tác giả của những tác phẩm: "Ơ Bố", "Tiếng đàn bầu", "Lúa non buổi sớm", "Em nào cũng được đi học"…  Tranh của ông được nhiều bảo tàng danh tiếng ở Mỹ, Châu Âu trưng bày. Mấy chục năm qua, ông cùng con trai là họa sĩ La Vuông trực tiếp tục dạy vẽ cho nhiều thế hệ họa sĩ và người yêu hội họa.

Cổ Đô hiện có 12 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật; có Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Cổ Đô và đặc biệt là hai bảo tàng hội họa: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2016 cùng Bảo tàng Sỹ Tốt và gia đình đặt tại nhà riêng cố họa sĩ Sỹ Tốt. Ngoài ra, còn có hàng chục phòng tranh cá nhân của các họa sĩ "chân đất", chủ yếu tự trưng bày tác phẩm của người làng.

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 3.

Lớp học vẽ miễn phí cho thiếu nhi hàng chục năm qua luôn được duy trì ở Cổ Đô.

Các họa sĩ Cổ Đô chủ yếu sáng tác về chủ đề quê hương, nơi họ sinh ra và lớn lên, theo phong cách hiện thực bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước. Người xem bắt gặp ở đó những hình ảnh về cuộc sống con người, thiên nhiên vùng quê Cổ Đô và xứ Đoài thân thương. Vẻ đơn sơ mộc mạc ngàn đời của làng xóm hiển hiện qua "Góc quê", "Nét xưa" (Trường Yên), "Ngõ quê" (Tuấn Minh), "Cổng quê" (Đào Xuân Quang), "Nét thôn Đoài" (Chu Duy Lê)…; khung cảnh sông nước bình yên và cuộc sống lao động đời thường được khắc họa trong "Thuyền trên song" (Sỹ Tuấn), "Góc xóm chài" (Đào Xuân Quang), "Xưởng cơ khí" (Hoàng Việt), "Kè song" (Phùng Nam) "Sửa chữa sau bão" (Trần Hòa); tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình chân chất đời thường trong "Đón mẹ" (Thế Tước), "Tự tình" (Ngọc Nho), "Nỗi nhớ của mẹ" (Đỗ Sự).

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 4.

Khoảng 70 em nhỏ trong làng được học vẽ miễn phí mỗi mùa hè.

Nuôi dưỡng mầm non hội họa

Họa sĩ Trường Yên sinh năm 1980, hiện là Phó chủ nhiệm phụ trách giáo dục của CLB hội họa Cổ Đô chia sẻ: "Kể từ lớp học của "ông tổ" họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt mở ra từ những ngày đầu, trải qua hàng chục năm, tới nay lớp học hội họa của  làng Cổ Đô cứ đến hè lại được khai mạc cho toàn bộ con em trong làng và những bạn nhỏ yêu thích nghệ thuật trong vùng". 

Theo họa sĩ Trường Yên, các em nhỏ được khuyến khích đến lớp học, chỉ cần đi tay không, mọi thứ giấy, màu, bút vẽ đã có các thầy ở lớp chuẩn bị. Một mùa hè chi phí học vẽ ước lượng đến 2 triệu đồng mỗi em, nhưng không em nào phải đóng tiền. Vì truyền thống của làng Cổ Đô có nguồn quỹ khuyến họa rất tốt. Những người con của làng đi xa, hay doanh nghiệp trong vùng thường xuyên tự nguyện quyên góp cho quỹ dạy hội họa. Nên cứ mỗi khi hè tới là có khoảng 70 em nhỏ trong làng được học vẽ miễn phí. 

Từ đây nhiều em nhỏ đã trở thành họa sĩ sau này. Chính họa sĩ Trường Yên đã theo học những lớp hội họa này từ những năm 2000. Sau đó anh ôn thi vào Trường Cao đẳng Nhạc Họa Trung ương, và giờ anh lại gắn bó với những lớp dạy vẽ cho trẻ em quê mình để khơi mạch hội họa cho những em nhỏ.

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 5.

Bé Hoàng Thanh Xuân, 15 tuổi, phải ngồi xe lăn, cũng đang theo học vẽ với ước mơ trở thành họa sĩ. Nói về những ý nghĩa của hội họa đem lại, chị Nguyễn Thị Sềnh - mẹ bé Xuân nghẹn ngào: "Mong ước mơ của con gái sẽ thành hiện thực. Cháu thiệt thòi, không đi lại được, nếu học vẽ thành tài, thì coi như cháu có một cái nghề để kiếm sống, để có một tương lai đỡ vất vả hơn và cuộc đời cũng tươi sáng hơn như màu sắc của những bức tranh".

Tay cầm cày, tay cầm cọ - Ảnh 6.

Hiện nay, tour du lịch thăm quan làng Cổ Đô đã là một địa chỉ quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Đến làng Cổ Đô, du khách sẽ rất bất ngờ với chất nông dân nghệ sĩ không lẫn vào đâu được so với những làng quê khác. Người nông dân Cổ Đô đã tạo dựng phong cách hội họa, tạo nét văn hóa riêng biệt cho mình, đưa nét văn hóa đó trở thành nguồn thu kinh tế, thúc đẩy đời sống của người dân trong làng và nâng đỡ các thế hệ cùng nhau phát triển vững chắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem