Bác sĩ với "bàn tay vàng" và tấm lòng nhân ái

Thứ hai, ngày 17/04/2023 06:14 AM (GMT+7)
Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn (nguyên Trưởng khoa Điều trị và Chăm sóc trẻ tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) là người luôn trăn trở với việc điều trị hội chứng tự kỷ ở trẻ em, bởi hiện nay y học hiện đại chưa có giải pháp đặc hiệu.
Bình luận 0

Không ít gia đình có trẻ tự kỷ đã bỏ nhiều công sức, tiền của, đằng đẵng đưa con đi "vái tứ phương" nhưng rồi "tiền mất tật mang". Đau đáu với trăn trở đó, bác sĩ Nguyễn Quốc Văn đã nghiên cứu dùng y học cổ truyền để giúp đỡ bệnh nhi sớm có được cuộc sống bình thường.

Thắp sáng hy vọng cho những trẻ kém may mắn

Nghe tiếng lành đồn xa về bác sĩ Nguyễn Quốc Văn, người thầy thuốc có đôi bàn tay vàng dùng phương pháp châm cứu chữa thành công cho nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ, bại não, từ nhiều tháng nay, chị Vũ Thị Lương ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng tìm đến bác sĩ Văn với hy vọng giúp điều trị cho con mình. Chị Lương chia sẻ: "Sinh con ra cha mẹ nào cũng mong con được khỏe mạnh, nhưng hơn 1 tuổi cháu vẫn không thể lẫy, hơn 2 tuổi vẫn không thể bò, cũng không cảm nhận được những vật xung quanh. Tuy gia đình khó khăn nhưng vợ chồng tôi đưa con đi khắp nơi để khám bệnh cho cháu". Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy cháu bị rối loạn phát triển vận động. Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn không chỉ thăm khám, châm cứu, xoa bóp cho cháu hằng ngày mà còn hướng dẫn gia đình từng việc nhỏ để chăm sóc tốt cho cháu. "Đến nay, hơn 4 tháng được bác sĩ điều trị, cháu đã biết đi, nói được vài từ, hiểu được lời người khác và biết làm theo. Cả gia đình tôi ai cũng vui mừng và biết ơn bác sĩ đã giúp con tôi dần phát triển bình thường như những trẻ khác", chị Lương cho biết.

Một bé gái bụ bẫm ngồi trên giường được bác sĩ Văn vừa dỗ dành, vừa châm cứu, nhìn cháu nhỏ vui đùa với người thầy thuốc già, người thân của cháu xúc động, rơm rớm nước mắt kể: "Sinh ra không lâu, bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị bại não, gia đình cõng cháu đi "vái tứ phương" nhưng kết quả không khả quan. Lúc được mọi người mách đến gặp bác sĩ Văn, cả gia đình cũng chỉ tâm niệm "còn nước còn tát". Thời điểm đó, cháu chỉ là đứa bé đặt đâu nằm đấy, không biết lẫy, không biết bò, chẳng có phản ứng gì với sự vật xung quanh. Đến nay, cháu đã tự ngồi cho bác sĩ châm cứu, vui cười cùng với các bạn".

Bác sĩ với bàn tay vàng và tấm lòng nhân ái - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn thăm khám cho bệnh nhi.

Căn nhà nhỏ ở góc phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đông hẳn lên khi có thêm nhiều gia đình đưa trẻ đến chữa bệnh. Một người mẹ (xin được giấu tên) tâm sự, nhiều người vẫn kỳ thị hoặc tỏ lòng thương hại đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, bại não, chậm phát triển. Các bậc cha mẹ ngoài gánh nặng về kinh tế, thời gian, công sức chạy chữa cho con còn thêm áp lực về tinh thần. Đến với bác sĩ Văn, nhiều người cha, người mẹ được giải tỏa tâm lý khi đón nhận sự chăm sóc ân cần. Thời gian điều trị của các cháu thường kéo dài, nếu không có sự kiên trì, tận tâm, chăm sóc chu đáo của thầy thuốc, ngay cả người thân của các cháu cũng khó có thể đồng hành. Căn nhà nhỏ của bác sĩ Văn như một vườn trẻ, ngày nào cũng có bốn, năm chục cháu đến chữa trị. Cháu thì bại não, liệt, cháu thì thường xuyên la hét. Không chỉ cảm phục về khả năng chuyên môn, lòng yêu nghề mà nhiều gia đình còn cảm thấy ấm lòng với sự cảm thông, chia sẻ của bác sĩ Văn.

Nhân ái và yêu nghề

Bác sĩ Nguyễn Quốc Văn sinh ra trong một gia đình có nhiều đời theo nghề đông y. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1981, ông thi đỗ và học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1989, ông ra trường, về công tác tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau đó, để nâng cao trình độ chuyên môn, ông tiếp tục theo học chuyên khoa định hướng y học cổ truyền, rồi chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II. Sau nhiều năm công tác về lĩnh vực nhi khoa, chứng kiến các cháu bị tự kỷ, bại não khổ sở vì bệnh tật, gia đình kiệt quệ vì phải chạy khắp nơi chữa trị cho con, đến năm 1997, dưới sự động viên, hướng dẫn trực tiếp của Giáo sư Nguyễn Tài Thu (Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương), bác sĩ Văn bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật châm cứu để chữa bệnh cho các cháu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, phương pháp điều trị này đã giúp chữa thành công cho nhiều cháu để hòa nhập cộng đồng. Mong muốn ngày càng có nhiều hơn những cháu bé khỏe mạnh và gia đình các cháu vơi đi nỗi mặc cảm, tự ti vì có con kém may mắn nên năm 2012, bác sĩ Văn đã tham mưu với Ban giám đốc bệnh viện trình Bộ Y tế đề án thành lập Đơn vị châm cứu chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ và bại não. Là người lãnh đạo trực tiếp và đồng hành với bác sĩ Nguyễn Quốc Văn, PGS, TS Nguyễn Bá Quang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương nhận xét: "Bác sĩ Văn là người rất nhiệt tình, lăn lộn với công việc, mày mò để tìm ra phương pháp điều trị tốt. Bác sĩ cũng sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn đồng nghiệp về chuyên môn, nêu cao tấm gương về y đức".

Hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bác sĩ Văn không chỉ là Bí thư chi bộ, Trưởng khoa, là người dám nghĩ, dám làm mà ông còn xây dựng nên phác đồ điều trị kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại trong chữa chứng tự kỷ, bại não ở trẻ nhỏ. Đây cũng là cơ sở để xây dựng đơn vị điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương trở thành mái nhà nhân ái của nhiều gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ trong cả nước. Đồng thời, ông cũng là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, vùng khó khăn; luôn dành thời gian đi đến các bệnh viện tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật, giúp đỡ đồng nghiệp cùng nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia giảng dạy tại các trường học. Từ 3 năm nay, nghỉ hưu trở về sinh hoạt tại tổ dân phố, ngôi nhà của ông luôn rộng mở đón nhận và cứu chữa cho bệnh nhân nghèo đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Truyền thống theo nghề y của gia đình bác sĩ Nguyễn Quốc Văn được tiếp nối đến thế hệ sau. Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, con trai cả của bác sĩ Nguyễn Quốc Văn, chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã thấy ông, rồi bố tôi bắt mạch chữa bệnh cứu người. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cả tôi và em trai cùng lựa chọn chuyên ngành y học cổ truyền để theo học với mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình".

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Văn, bên cạnh nghiên cứu và chữa bệnh về nhi khoa, với những ca bệnh khó của lĩnh vực khác, ông cũng tham gia hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị và cũng là bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân thông qua các nền tảng trực tuyến. Bác sĩ Văn đã hỗ trợ giải quyết không ít ca bệnh khó bằng phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, như: Liệt do viêm đa rễ dây thần kinh, tai biến mạch máu não, đột quỵ, đau dây thần kinh số 5, giảm thính lực và thị lực, thiểu năng tuần hoàn não... Đặc biệt, còn có những bệnh nhân chịu tổn thương sau điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, bệnh nhân bị tâm thần, động kinh.

Chị Nguyễn Thị Luyện, quê ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, do trải qua nhiều đợt điều trị ung thư vòm họng bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị nên cổ họng chị xơ cứng, không nói, không nhai và khó nuốt. Sống với những di chứng sau điều trị ung thư suốt 4 năm, sau khi được bác sĩ Văn khám trực tiếp, châm cứu, xoa bóp chữa trị bằng nhiều biện pháp, đến nay, chị Luyện đã nói được, có thể tự ăn cơm. Đối với chị, cuộc sống như được tái sinh thêm lần nữa.

Dù đã nghỉ hưu, bác sĩ Văn vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu để thúc đẩy nền y học cổ truyền nước nhà phát triển. Hiện bác sĩ Văn là người thầy của nhiều cán bộ ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ngôi nhà nhỏ của ông là vườn trẻ ấm áp tiếng cười đùa hạnh phúc, địa chỉ nhân ái, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của nhiều bệnh nhân trên cả nước. Với những cống hiến của mình, bác sĩ Nguyễn Quốc Văn được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tặng nhiều Bằng khen và được những gia đình bệnh nhi nghèo gọi với cái tên thân thương: Bác sĩ có đôi bàn tay vàng và giàu lòng nhân ái. Ở lĩnh vực của mình, mỗi ca bệnh thành công là ông đã góp phần xóa đi những tổn thương về thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh; đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, giúp không ít gia đình lại rộn rã tiếng cười đùa của trẻ nhỏ.

Kim Huệ (quân đội nhân dân )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem