Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Lê Hân Thứ hai, ngày 28/09/2020 11:43 AM (GMT+7)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa kết thúc sau 3 ngày làm việc (từ 24 đến 26/9) đã đề ra một nhiệm vụ đầy tham vọng và cũng là lớn nhất trong nhiệm kỳ này, đó là sẽ xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Bình luận 0

Vậy động lực nào, để Bắc Ninh đề ra khát vọng, hay có nhiều người còn ví von đó là "tham vọng" đầy... tham vọng. Nhưng xét trên bình diện thực tế, tham vọng đó hoàn toàn có cơ sở.

Từ tỉnh thuần nông trờ thành tỉnh công nghiệp, quy mô kinh tế đứng thứ 7 cả nước

Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, bà Nguyễn Hương Giang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: "Trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2015-2020), quy mô kinh tế của tỉnh Bắc Ninh liên tục được mở rộng, đến năm 2020, tổng quy mô kinh tế đạt 195.000 tỷ đồng, chiếm 3% GDP cả nước  và đứng thứ 7 toàn quốc, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước".

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Một góc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hôm nay.

Cũng theo báo cáo được bà Giang trình bày: Một điểm sáng của Bắc Ninh là về xuất khẩu, khi dự kiến cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36 tỷ USD, đứng thứ 2 toàn quốc và vượt mục tiêu Đại hội lần thứ XIX (2015-2020) đề ra. Nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. 100% số xã và các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 15% so với kế hoạch đề ra.

Theo bà Nguyễn Hương Giang, Bắc Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), lũy kế đã thu hút được 19,8 tỷ USD. Công tác quy hoạch, tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai đồng bộ, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Diện mạo đô thị thay đổi rõ nét, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I, thị xã Từ Sơn là đô thị loại III...

Đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, trung tâm công nghệ cao

Hiện cả nước mới có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đều có yếu tố đặc thù, đại diện cho một khu vực. Vậy với một tỉnh nằm sát ngay Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh sẽ trở thành một thành phố trực Trung ương sẽ như thế nào. Theo định hướng được nêu trong các báo cáo cũng như Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần này, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố thông minh, là trung tâm công nghệ cao cho toàn vùng.

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Chung- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tich HĐND tỉnh Bắc Ninh chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Đại hội.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả sau Đại hội, ông Nguyễn Quốc Chung- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Với chủ đề "đổi mới, sáng tạo" được đề ra tại Đại hội lần này, thực sự là một bước thay đổi lớn so với trước đây. Bởi, Bắc Ninh hiện là nền kinh tế mở, có sự hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới nên nếu không có đổi mới, không có sáng tạo, việc phát triển liên tục của Bắc Ninh sẽ bị chững lại.

Nhận xét về sự phát triển của Bắc Ninh trong thời gian vừa qua, ông Chung dẫn lại lời của Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại phát biểu chỉ đạo Đại hội, theo đó Đại tướng Tô Lâm đã nhận xét: "Bắc Ninh ở gần Hà Nội hơn Hà Nội". Theo ông Chung, điều đó có nghĩa là trong giai đoạn vừa qua, Bắc Ninh đã có nhiều đổi mới, đột phá trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Chung, Bắc Ninh đang có kế hoạch rất lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Minh chứng mới nhất là Bắc Ninh vừa thực hiện Chương trình ký kết 3 bên giữa tinh Bắc Ninh- Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. "Tới đây, Bắc Ninh sẽ xây dựng một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp theo mô hình R&D, tức nghiên cứu và phát triển. Như vậy để thấy, Bắc Ninh rất coi trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững trên địa bàn"- ông Nguyễn Quốc Chung cho biết khi trao đổi riêng với PV Dân Việt.

Ngay tại Đại hội lần này, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã đề ra những mục tiêu đầy tham vọng. Cụ thể.

GRDP bình quân đầu người đạt 8.200 USD

Đại hội thông qua Nghị quyết Đại hội với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị.

Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP (thu nhập bình quân đầu người) giai đoạn 2021-2025 từ 7-8%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 74,0%, dịch vụ 19,5%, thuế sản phẩm 4,2%, nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 2,3%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.800 - 8.200 USD; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 130 - 136 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 37,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 33,2 tỷ USD.

100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đảm bảo 100% người dân có nước sạch sử dụng...

Giai đoạn 2020 - 2025: Đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đó, trong giai đoạn này, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, cơ hội mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực; tiếp tục thu hút, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng. 

Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.

Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng các yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045: Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 5.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Quy hoạch các vùng đô thị văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường: Bắc Ninh sẽ có 2 thành phố, 4 thị xã

Để tập trung phát triển kinh tế, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và hình thành hàng loạt các khu, cụm công nghiệp, vì thế vấn đề đảm bảo môi trường cũng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về việc, Bắc Ninh sẽ giải quyết vấn đề môi trường như thế nào song song với phát triển kinh tế, ông Vương Quốc Tuấn- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: "Dù phát triển kinh tế, nhưng Bắc Ninh luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác, các nước khác trong quá trình phát triển kinh tế không thể tránh khỏi các vấn đề đặt ra về môi trường. Do đó, để giải quyết được vấn đề này, cần có các giải pháp tổng thể từ cả Nhà nước đến ý thức từng người dân".

Theo ông Tuấn, việc xử lý môi trường ở Bắc Ninh hiện phải thực hiện theo từng cách khác nhau, như xử lý chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, rác thải sinh hoạt của thành phố, nông thôn. Định hướng của Bắc Ninh là sẽ sử dụng công nghệ xử lý rác thải công nghệ cao, đốt phát nhiệt, trong đó sẽ tập trung hoàn thành 3 bãi xử lý rác thải tập trung. "Chúng tôi cũng đã xây dựng và lường trước các kịch bản cho 5-10 năm tới, khi quy mô kinh tế phát triển nên, thì vấn đề xử lý rác thải sẽ được giải quyết như thế nào".

Về việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Ngũ Huyện Khê do việc sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê (TP. Bắc Ninh) gây nên, ông Tuấn cho biết: "Tinh thần là tỉnh sẽ tập trung di dời các cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm ở cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê 1 và sẽ xây dựng địa điểm này thành trung tâm logictics nội địa. Tỉnh đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời tại đây".

Đối với vấn đề Bắc Ninh sẽ có quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch thế nào khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tránh đi vào vết xe đổ của các đô thị trước đây; trả lời câu hỏi này của PV Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Tài- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Về định hướng quy hoạch, Bắc Ninh đã có Đồ án quy hoạch tổng thể đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung quy hoạch đô thị Từ Sơn từ thị xã thành thành phố; các đô thị Yên Phong, Quế Võ , Tiên Du, Thuận Thành được quy hoạch thành thị xã".

Như vậy, với quy hoạch này, Bắc Ninh sẽ có 2 thành phố, là: TP Bắc Ninh, TP Từ Sơn và 4 thị xã: Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Thuận Thành.

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 6.

Tổ hợp Samsung tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh. Tính đến nay, Bắc Ninh đã thu hút được tổng nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI lên đến 19,8 tỷ USD.

 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

5 nhiệm vụ trọng tâm:

1. Tập trung xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Củng cố và tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, chính quyền.

2. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tạo đột phá phát triển thương mại - dịch vụ.

3. Quy hoạch và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô. Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

4. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

5. Giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực và phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sự đồng thuận và môi trường ổn định thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

3 giải pháp đột phá:

1. Tiếp tục thực hiện chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy vai trò, vị thế và mở rộng kết nối cực tăng trưởng Vùng Thủ đô; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng; phát triển các thành phần kinh tế, lĩnh vực có thế mạnh.

2. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thực hiện quy hoạch vùng tỉnh, đẩy nhanh lộ trình nâng cấp các đô thị và quá trình đô thị hóa, tập trung cao khắc phục ô nhiễm môi trường; hỗ trợ hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế số, sản xuất công nghệ cao, thương mại - dịch vụ quy mô lớn; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh…

Đưa ngay Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh vào cuộc sống

Phát biểu diễn văn bế mạc Đại hội, bà Đào Hồng Lan- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh: "Sau 03 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra".

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 6.

Bà Đào Hồng Lan- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh trình bày Diễn văn bế mạc Đại hội.

Bà Đào Hồng Lan nêu: Đại hội đã thể hiện tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận thống nhất thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; Nghị quyết của Đại hội; Đại hội đã thảo luận Chương trình hành động và giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX tiếp thu ý kiến của Đại hội hoàn chỉnh, ban hành và tổ chức thực hiện.

"Với tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan và trách nhiệm, Đại hội đánh giá nghiêm túc những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những nguyên nhân của ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt nhấn mạnh kinh nghiệm: Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy nguồn lực con người; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn phát triển 5 năm tới với mục tiêu“tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại”, các nội dung này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 giải pháp đột phá và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 27 chương trình hành động cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực"- bà Lan cho biết.

Đánh giá về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ vừa được toàn thể Đại hội thông qua, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX mà Đại hội vừa biểu quyết nhất trí thông qua được xây dựng bằng trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh".

Do đó, theo bà Lan: Phát huy kết quả tốt đẹp của Đại hội, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội đi ngay vào cuộc sống; Đại hội yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cần tập trung chỉ đạo xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể toàn khóa, từng năm, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đã được phê duyệt và tình hình thực tế của địa phương. T

rong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả, tránh dàn trải, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện để có giải pháp thúc đẩy kịp thời, năng động, sáng tạo; quyết tâm cao để tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đáp ứng sự mong đợi và tin tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới, nhiều khó khăn, thách thức mới. Ban Chấp hành khoá XX sẽ phát huy cao độ trí tuệ của tập thể, dân chủ lắng nghe những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội.

Bắc Ninh và khát vọng trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp công nghệ cao - Ảnh 8.

Infographic: Tiểu sử tóm tắt tân Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Bà Đào Hồng Lan trở thành Nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh

Chiều 25/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bầu đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 - giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối 100% đồng ý.

Bà Đào Hồng Lan được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - Ảnh 1.

Bà Đào Hồng Lan - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh - được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX bầu giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX đã bầu các đồng chí: Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Chung - Chủ tịch HĐND tỉnh - giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 9 đồng chí và đồng chí Hà Sỹ Tiếp - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - tái cử Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương. Bà có học vị Thạc sĩ kinh tế. Hiện bà là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà từng giữ các chức vụ: Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội; Phó Chánh Văn phòng phụ trách rồi Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem