Bắc Ninh: Hội Nông dân Gia Bình triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, cùng nông dân thích ứng với đại dịch

Thứ ba, ngày 22/03/2022 13:25 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khiến không ít chuỗi cung ứng nông nghiệp bị đứt gãy. Là địa bàn thuần nông, dân cư sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) sát cánh cùng hội viên triển khai linh hoạt các giải pháp để thích ứng với đại dịch.
Bình luận 0

Thời gian này, anh Trần Văn Trường (xã Giang Sơn) tất bật chuẩn bị các điều kiện đưa sản phẩm chuối tiêu của gia đình lên sàn thương mại điện tử. Sau khi cắt buồng về, anh lựa những nải chuối to, đẹp để chụp ảnh giới thiệu sản phẩm, đồng thời thực hiện những khâu bảo quản chuối sao cho nguyên vẹn, mẫu mã đẹp. 

Anh háo hức chia sẻ: “Nhà tôi có 5ha trồng chuối, sản lượng bình quân 30 tấn/ha/năm. Những năm trước, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng suốt nửa năm qua, giá chuối xuống thấp. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, thương lái không về mua, có lúc phải nhìn chuối rụng đầy gốc mà xót xa".

Bắc Ninh: Hội Nông dân Gia Bình triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, cùng nông dân thích ứng với đại dịch - Ảnh 1.

Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện để đưa sản phẩm chuối lên sàn thương mại điện tử, anh Trần Văn Trường (xã Giang Sơn) còn tận dụng phụ phẩm từ thân chuối, lá chuối làm thức ăn cho đàn vật nuôi trong trang trại nhằm tiết kiệm chi phí trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng.

Vừa qua, được Hội Nông dân huyện giới thiệu, anh Trường càng nhận thức rõ hơn về việc phải chủ động tìm kiếm thị trường mới thay vì trông chờ vào các thương lái truyền thống, nhất là tích cực ứng dụng các hình thức giao dịch điện tử. 

"Tôi cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của các bạn trẻ để chủ động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác, livestream quảng bá và bán sản phẩm trên mạng xã hội...” - anh Trường nói.

Theo ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân Gia Bình: Thời gian qua, sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm, nông sản đến kỳ thu hoạch rộ phải đổ bỏ do một số thị trường quan trọng như thành phố Bắc Ninh, thành phố Hà Nội bị đóng băng. Nhiều hộ chăn nuôi gặp khó do giá thức ăn tăng cao mà không có người đến mua. 

Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cụ thể, thông qua các kênh liên kết, Hội Nông dân các cấp thu gom và tiêu thụ hơn 234 tấn nông sản các loại như dưa hấu, dưa lê, cà rốt, rau màu... 

Ngoài ra, cũng phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ thu hoạch nông sản, hỗ trợ thức ăn gia súc gia cầm cho những hộ đi điều trị, cách ly hoặc trong khu phong tỏa.  

Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang phối hợp với Bưu điện huyện rà soát, cung cấp danh sách hộ sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn - Sàn đặc sản Việt Nam. Thông qua việc hỗ trợ giao thương, kết nối cung cầu giúp cho không ít sản phẩm nông sản được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể, nhà hàng... 

Theo ông Sơn, chuyển đổi hình thức giao dịch, quảng bá là một trong số những hoạt động để thích ứng với dịch bệnh bởi nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao.

Bắc Ninh: Hội Nông dân Gia Bình triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, cùng nông dân thích ứng với đại dịch - Ảnh 2.

Rau an toàn tại mô hình của anh Bùi Xuân Quế (xã Nhân Thắng) ít phụ thuộc thương lái do đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm sạch.

Bên cạnh hoạt động trợ giúp tiêu thụ, Hội Nông dân các cấp còn tư vấn, mở lớp dạy, hỗ trợ cho hội viên vay vốn để chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao tay nghề, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, an toàn, chất lượng theo hướng nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

Riêng trong năm 2021, Hội Nông dân phối hợp với các ngành tổ chức 61 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 2.680 lượt hội viên, nông dân. Trong đó có 21 buổi tập huấn kỹ thuật trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn, chương trình OCOP… và 42 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng hợp chất sinh học ET cho cây lúa, cây rau màu, cây ăn trái và hoa, cây cảnh; phân bón silic,… Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh cung ứng 336,475 tấn phân bón NPK Lâm Thao trả chậm cho hội viên, nông dân. Qua đó, nhiều mô hình được nông dân mạnh dạn ứng dụng, đưa vào sản xuất có giá trị kinh tế.

Để tiếp thêm nguồn lực về vốn cho nông dân phục hồi sản xuất, Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Thành lập được 76 Tổ tiết kiệm, vay vốn với số tiền dư nợ hơn 103,807 tỷ đồng, cho 2.783 hộ nông dân vay. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện đạt 12,881,5 tỷ đồng đang giải ngân cho 171 hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 520 lao động.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình Hoàng Văn Sơn cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn khó lường, trong khi nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên nguy cơ ùn ứ nông sản, bị ép giá khiến nông dân thiệt hại vẫn có thể xảy ra. 

Để cùng nông dân trụ vững và an toàn với dịch bệnh, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục làm tốt công tác định hướng, vận động điều chỉnh sản xuất các loại cây trồng, vận nuôi theo yêu cầu của thị trường, nắm bắt tình hình dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ kịp thời.  Đẩy mạnh việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, gia tăng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể… tiến tới ký các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Thiết lập và duy trì các kênh phân phối, mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử... Đồng thời, khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trong mọi quy trình sản xuất.

Song Giang (baobacninh.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem