Bắc Ninh: Đối thoại với doanh nghiệp và hợp tác xã sau dịch Covid-19

Khương Lực Thứ bảy, ngày 17/07/2021 21:42 PM (GMT+7)
Sau khi chống dịch Covid-19 tương đối thành công, số ca mắc mới trong cộng động chỉ còn lẻ tẻ do xâm nhiễm từ ngoài tỉnh, sáng 17/7, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trong nước.
Bình luận 0

Với chủ đề "Đồng hành cùng  doanh nghiệp", ngày 17/7, tỉnh Bắc Ninh tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong nước. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh lắng nghe và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Bắc Ninh: Đối thoại với doanh nghiệp và hợp tác xã sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trong ngày 17/7, tỉnh Bắc Ninh tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong nước. Ảnh: Khương Lực.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhìn từ thông điệp "3 nhất"

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có tổng số 1.674 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,14 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư. 

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly, nhưng vẫn có 1.120 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 1% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tại 2 cuộc đối thoại, hàng trăm ý kiến của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp và HTX trong nước đã gửi ý kiến bằng văn bản và hơn 80 ý kiến trực tiếp phát biểu liên quan đến nhập cảnh chuyên gia, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp (KCN), chủ trương miễn, giảm thuế của Chính phủ; vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm; đơn giản thủ tục giải quyết các vấn đề về bảo hiểm...

Bắc Ninh: Đối thoại với doanh nghiệp và hợp tác xã sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Khương Lực.

Đại diện Công ty TNHH Anyone Vina, KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh phản ánh, công ty đang có nhu cầu lắp đặt thiết bị mới cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, với các chuyên gia đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, doanh nghiệp đề nghị tỉnh linh động giảm bớt thời gian cách ly, từ đó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Funing Precision Component, KCN Quế Võ I thông tin, công ty đã có 5.566 người được tiêm phòng Covid-19, hiện còn 12.500 người cần được tiêm. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho số lượng cán bộ, công nhân viên được ưu tiên tiêm trong thời gian sớm nhất. 

Ngoài ra, công ty đề nghị tỉnh Bắc Ninh sớm có phương án cấp mới và cấp lại giấy phép lao động cho cán bộ Trung Quốc… Liên quan đến vấn đề này, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc NInh cho biết, đang trình cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đối với việc tiêm vaccine phòng Covid-19, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi tiêm mũi 1 đủ 8-12 tuần thì Sở Y tế sẽ triển khai tiêm mũi 2 cho công nhân. Đối với những công nhân chưa được tiêm, khi vaccine được phân bổ về, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho công nhân.

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Thuận Thành phản ánh nhiều vấn đề bức xúc của các doanh nghiệp trên địa bàn gửi đến một loạt các sở ngành của tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, ông Toàn phản ánh ngành điện thu tiền điện 3 lần/tháng, nếu không nộp tiền là cắt điện. 

Ông Toàn cũng phản ánh, chính sách Trung ương hỗ trợ 10 đối tượng về nhà ở, tỉnh Bắc Ninh lại "rút gọn" chỉ hỗ trợ nhà ở cho công nhân, rồi tình trạng ách tắc giao thông ở hai đầu cầu Hồ, do xe quá khổ, quá tải từ hai bãi tập kết cát, sỏi ở ngay đầu cầu gây ra...

Trả lời vấn đề trả tiền điện 3 lần/tháng, đại diện Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết, căn cứ tại khoản 2, Điều 17, Nghị định 137/2013 của Chính phủ quy định, đối với việc mua bán điện cho sản xuất, dưới 50.000 kWh/tháng thì ghi chỉ số 1 lần. Từ 50.000-100.000 kWh/tháng thì ghi 2 lần; trên 100.000 kWh/tháng thì ghi 3 lần. Vì thế, việc trả tiền điện sẽ tương ứng với việc ghi số công tơ trong tháng.

Về xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải, nhất là với những bãi khai thác vật liệu xây dựng, Đại tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay công an tỉnh thực hiện 4 đợt cao điểm với 6 chuyên đề, trong đó có chuyên đề xử lý xe quá khổ, quá tải.

Theo ông Thắng, trong tháng 7/2021, lực lượng công an tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt 826 trường hợp xe quá tải, quá khổ, tập trung chủ yếu ở 87 bãi tập kết cát, sỏi ven sông. "Đây là nơi tập trung những xe, phương tiện vận tải lớn, có thể là quá khổ, quá tải, cơi nơi thành tùng hoặc không phủ bạt. Khi lưu thông, vận chuyển sẽ ảnh hưởng tới môi trường, kết cấu giao thông" - ông Thắng nói.

Trong hội nghị đối thoại, UBND tỉnh Bắc Ninh ra mắt tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, khẳng định quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, HTX cùng tỉnh vượt khó, phục hồi sản xuất.

Bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX. Theo bà Lan, trước khó khăn của đại dịch Covid-19, toàn tỉnh có 400 doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ vay vốn trả lương cho công nhân với lãi suất 0%.

Sai phạm về đất đai, môi trường sẽ bị xử lý nghiêm

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp giấy ở Phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh đã nêu những bất cập, hệ lụy của việc sản xuất giấy không đảm bảo các quy định pháp luật về môi trường, đồng thời kiến nghị các cấp chính quyền chuyển đổi và quy hoạch khu Đồng Ngòi thành cụm công nghiệp theo hiện trạng đang có, hợp thức hóa đất đai theo dạng thuê, phù hợp với định hướng chung của tỉnh.

Bắc Ninh: Đối thoại với doanh nghiệp và hợp tác xã sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Dây chuyền xản xuất giấy của Công ty TNHH Viphaco (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) không có hệ thống xử lý nước thải nên đã bị xử phạt tiền và dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Chương

Đại diện Công ty TNHH giấy Nhất Hảo, Cụm Công nghiệp  Phong Khê II kiến nghị UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại khi đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thanh cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp còn hạn chế. 

"Từ ngày 29/4 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt 61 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền là 14 tỷ đồng, trong đó có 40 doanh nghiệp, tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và 21 doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du" - ông Thanh nói.

  • Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, để hoạt động sản xuất ổn định các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong số 290 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê thì chỉ có 79 cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường và có 6 cơ sở có công tác bảo vệ môi trường.

Liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường ở Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Phú Lâm (Tiên Du), ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ họp bàn với các sở, ngành và địa phương để bàn biện pháp căn cơ để xử lý, đồng thời có kế hoạch chuyển đổi phù hợp.

Đối với sai phạm về đất đai của các doanh nghiệp giấy ở Phong Khê, ông Tuấn nhấn mạnh, UBND tỉnh kiên quyết không hợp thức hóa sai phạm. Theo thống kê, phường Phong Khê có 97 doanh nghiệp đang sử dụng đất không đúng mục đích để sản xuất, kinh doanh giấy.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cùng đồng hành thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu lãnh đạo các sở ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp của một số số công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số cơ quan, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, của tỉnh, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, phản ánh kịp thời các kiến nghị, những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh để lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo, có biện pháp tháo gỡ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem