Bắc Kạn: Trồng thứ cây thân to như cột nhà, bắc thang lên tuốt quả thơm lừng, mỗi ngày "nhặt" 3 triệu đồng

Thứ bảy, ngày 31/07/2021 06:04 AM (GMT+7)
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã tập trung trồng các loại cây có lợi thế và hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hồi là một trong những cây trồng phù hợp, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Tranh thủ thời tiết nắng đẹp, các hộ dân thôn Bản Quản, xã Hiệp Lực huy động nhân lực để thu hoạch quả hồi. 

Đi tham quan một vòng trên con đường bê tông kiên cố tới tận chân đồi, chúng tôi mãn nhãn với rừng hồi sai trĩu quả vươn mình thẳng tắp, nhiều cây hoa đang đua nở, dưới những gốc hồi phong quang, sạch sẽ. 

Cây hồi cho thu hoạch 2 lần trong năm, hiện đang là chính vụ, sản lượng cao hơn so với đợt thu vào tháng 2, tháng 3 dương lịch.

Bắc Kạn: Trồng thứ cây thân to như cột nhà, bắc thang lên tuốt quả thơm lừng, mỗi ngày "nhặt" 3 triệu đồng - Ảnh 1.

Gia đình bà Hoàng Thị Khiêm, thôn Bản Quản, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch quả hồi.

Thoăn thoắt nhặt những quả hồi vào rổ, bà Hoàng Thị Khiêm, thôn Bản Quản cho biết: "Gia đình tôi có hơn 1ha cây hồi, trồng từ theo Dự án PAM cách đây hơn 20 năm. Giá hồi tuy không ổn định nhưng cao hơn nhiều so với cây trồng khác, có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg, hiện tư thương thu mua với giá 34.000 – 40.000 đồng/kg. 

Vào vụ hồi, mỗi ngày gia đình tôi thu hái được trên 2 tạ quả. Khu vực trồng hồi cạnh đường bê tông mới được đầu tư nên vận chuyển bằng xe máy dễ dàng hơn. Từ trồng hồi, hằng năm gia đình có thêm khoản thu nhập đáng kể".

Sát cạnh đồi hồi của gia đình bà Khiêm, vợ chồng anh Trần Minh Phương cũng đang khẩn trương thu hoạch quả hồi. 

Anh Phương chia sẻ: Cây hồi ít sâu bệnh, mỗi năm bón phân một lần, phát cỏ sạch sẽ xung quanh gốc. Từ năm thứ 6 cây hồi bắt đầu cho thu hoạch. Hai vợ chồng anh hái được hơn 1 tạ quả/ngày, với giá bán hiện nay thu về trên dưới 3 triệu đồng/ngày. 

Cây hồi cao, cành lá xum xuê nên khi thu hoạch phải dùng thang để trèo, dùng tay tuốt cả lá rơi xuống rồi nhặt từng quả chứ không chặt cành vì ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Để thuận lợi vận chuyển, gia đình anh thuê máy xúc mở đường đất rộng 4m, dài hơn 100m.

Xã Hiệp Lực có diện tích trồng hồi lớn nhất huyện Ngân Sơn, có cây cổ thụ hàng trăm năm. Toàn xã có hơn 100ha hồi, trong đó trên 80% diện tích đã cho thu hoạch. 

Nhận thấy cây hồi không chỉ có tác dụng giữ đất, bảo vệ rừng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong năm 2021 xã tuyên truyền, vận động người dân trồng mới 20ha. 

Từ sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), xã định hướng thành lập các tổ hợp tác, từng bước chế biến sâu sản phẩm từ cây hồi để nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hồi là cây lâm nghiệp, cũng là một loại dược liệu giá trị kinh tế cao đang được huyện Ngân Sơn khuyến khích phát triển. 

Đến nay, toàn huyện có khoảng 230ha hồi, tập trung nhiều ở xã Hiệp Lực, Thuần Mang và trồng phân tán. Để từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó phấn đấu trồng mới 200ha cây hồi tại các xã: Thuần Mang; Thượng Quan, Hiệp Lực, Trung Hòaị...

Huyện Ngân Sơn định hướng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến sâu các sản phẩm từ hồi; từng bước hình thành thương hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi và thu hái quả; trồng thay thế các cây già cỗi kém hiệu quả; khuyến khích người dân trồng xen một số loại cây ngắn ngày trên diện tích trồng hồi những năm đầu để nâng cao thu nhập và thuận tiện chăm sóc../.

Hà Nhung (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem