Bắc Kạn: Nông dân xóm núi nuôi vài trăm con dúi, xách đuôi lên có người nhầm là chuột cống

Thứ hai, ngày 03/08/2020 06:35 AM (GMT+7)
Ban đầu chỉ nuôi vài chục con dúi, sau hơn 2 năm đầu tư xây dựng chuồng trại và chuyên tâm chăn nuôi, hộ bà Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã nhân số lượng lên gần 700 con, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Bước vào khu chăn nuôi dúi rộng hơn 200m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Ngoan, cảm giác thoáng mát, sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi hôi từ loài vật nuôi đang được xem là hàng đặc sản này. 

Hàng trăm ô chuồng nuôi dúi nhỏ với diện tích khoảng 60cm/ô xếp sát nhau, mỗi ô là một cặp dúi hoặc dúi mẹ chuẩn bị sinh sản. 

Bắc Kạn: Nông dân xóm núi nuôi vài trăm con dúi, xách đuôi lên nhiều người nhầm chuột cống - Ảnh 1.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngoan, thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đầu tư xây dựng khu chăn nuôi dúi với quy mô hơn 200m2.

Năm 2018, bà Ngoan bắt đầu gây giống từ một vài cặp dúi rừng. Những con dúi rừng sinh sống trong môi trường tự nhiên rất khỏe mạnh, ăn tạp và sinh sản nhanh. 

Hơn nữa, thịt dúi được coi là đặc sản, được nhiều người tìm mua nên bà có ý tưởng thuần hóa dúi rừng thành dúi nuôi thương phẩm và mở rộng quy mô chăn nuôi loài con đặc sản này.

Để thuần hóa dúi rừng, bà Ngoan mua thêm con dúi giống đã được nuôi thuần dưỡng ở một vài nơi khác nhau rồi sau đó ghép cặp.

Cứ một con dúi rừng giống đực được ghép với một con dúi cái đã thuần hóa và ngược lại. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày, mỗi lứa từ 2 – 5 con.

Tuy nhiên, theo bà Ngoan, nuôi dúi cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp. 

Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Việc lựa chọn ghép đôi dúi cũng cần lưu ý, con dúi đực và con dúi cái khác dòng thì chất lượng và số lượng con giống cao hơn.

Dúi vốn là loài gặm nhấm nên thức ăn khá đơn giản, chủ yếu là thân cây tre, cây chít... Những loại cây này đều mọc tự nhiên, dễ dàng kiếm được, người nuôi có thể tận dụng để giảm chi phí. 

Ngoài ra, để tạo nguồn thức ăn phong phú cho đàn dúi, bà Ngoan còn trồng thêm 3.000m2 cỏ voi và mía xung quanh vườn nhà. 

Thức ăn cho đàn dúi trong chuồng cũng phải đảm bảo liên tục để phù hợp với đặc tính của loài dúi. Bà Ngoan cho biết: "Thức ăn cho dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, tránh mắc bệnh tiêu chảy cho đàn dúi. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại nuôi dúi sạch sẽ".

Với số lượng đàn dúi đông như hiện nay, gia đình bà Ngoan đảm bảo cung cấp dúi thịt thương phẩm và con dúi giống ra thị trường. Mỗi cặp giống có trọng lượng khoảng 0,3kg/con giá 500.000 đồng/cặp; từ 0,8kg/con giá từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/cặp.

Dúi thịt thương phẩm có giá 420.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, chủ nhà hàng ở các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung tìm đến tận nơi thu mua dúi thịt của nhà bà Ngoan. 

Trung bình mỗi đợt xuất bán dúi thịt, bà Ngoan thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng. Riêng tháng 4, 5/2020, bà Ngoan thu được 200 triệu đồng từ chăn nuôi dúi. 

Hiện, gia đình bà Ngoan đang có kế hoạch mở rộng quy mô, xây thêm chuồng trại để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Dương Xuân Trường- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Mô hình chăn nuôi dúi tuy không mới nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế cao thì cần đầu tư, chăm sóc. Dúi là loài vật dễ nuôi, hơn nữa chi phí thức ăn không nhiều, sinh sản nhanh nên rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình...".

Hội Nông dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích bà con nông dân trên địa bàn đến thăm quan, học tập kinh nghiệm nuôi dúi tại hộ bà Nguyễn Thị Ngoan, từ đó nhân rộng mô hình để nâng cao thu nhập.

Thu Hường (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem