Bắc Giang ban hành quy định mới về thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Thứ hai, ngày 10/04/2023 18:56 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND quy định thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

Bắc Giang ban hành quy định mới về thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa - Ảnh 1.

Cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa. Ảnh minh họa

Đối tượng, mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được thực hiện theo Điều 1, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 05/7/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp được thực hiện theo khoản 3 Điều 1, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Về tổ chức thu, nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, Quyết định nêu rõ, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê đất theo quy định.

UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm định, xác nhận bằng văn bản diện tích đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh.

Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm định, xác nhận bằng văn bản diện tích đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện, thành phố.

Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố căn cứ vào văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, xác định số tiền phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện có trách nhiệm thu và hoạch toán khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào tài khoản 7111; Mã cơ quan quản lý thu 1062753; Chương 418; Mục 4914 và thực hiện điều tiết 100% ngân sách tỉnh.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa dùng để hỗ trợ cho người trồng lúa theo quy định; phần còn lại để thực hiện các việc như: Phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm; cải tạo, nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã …

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa báo cáo UBND tỉnh.

Xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp được UBND các huyện, thành phố xác nhận và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện công tác phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp. 

Thực hiện xây dựng các mô hình trình diễn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo, nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại, cải tạo các vùng đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác thành đất chuyên trồng lúa nước theo giai đoạn và từng năm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2023 và thay thế Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 27/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

T.S (baobacgiang.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem