ASEAN đoàn kết sẽ thúc đẩy thực hiện Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc

Mỹ Hằng Thứ năm, ngày 18/11/2021 15:08 PM (GMT+7)
Với chủ đề "Xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hợp tác và kết nối", trong phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông sáng nay, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh nước lớn và hình thành các liên minh mới, ASEAN cần tăng cường đoàn kết để có tiếng nói chung.
Bình luận 0

Cạnh tranh nước lớn gây căng thẳng trên Biển Đông

Phát biểu tại Hội thảo, bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh đã thẳng thắn phản đối quan điểm của Trung Quốc vẽ đường 9 đoạn trên Biển Đông trong yêu sách chủ quyền, cho rằng điều này vi phạm Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc UNCLOS 1982.

Bà khẳng định thêm: "Chúng tôi phản đối Trung Quốc có hành vi cưỡng ép, bắt nạt các nước trên Biển Đông, điều đó không thể hiện xứng đáng hành vi của một quốc gia lớn trong khu vực".

Nói về sự cạnh tranh nước lớn ảnh hưởng đến khu vực, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cảnh báo, đây là giai đoạn then chốt giữa hai cường quốc Mỹ - Trung: "Khi Trung Quốc vươn lên cả về chính trị kinh tế, ngày càng nhiều xung đột giữa Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực Biển Đông".

Ông đánh giá, đã có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, khác hẳn các thời chủ tịch Trung Quốc khác trước đây, gây căng thẳng với láng giềng biển Đông và Đông Bắc Á.

ASEAN đoàn kết sẽ thúc đẩy thực hiên Công ước Luật Biển LHQ - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận chủ đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hợp tác và kết nối. Ảnh: BNG.

Mỹ đã có những phản ứng mang tính chiến lược của Mỹ với sự vươn lên của Trung Quốc, điều đó cũng không thay đổi nhiều dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden, thể hiện trong chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Mỹ. 

"Anh phản đối Trung Quốc có hành vi cưỡng ép, bắt nạt các nước trên Biển Đông, điều đó không thể hiện xứng đáng hành vi của một quốc gia lớn trong khu vực".

(Bà Amanda Milling - Quốc vụ khanh BNG Anh)

Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tuần trước, hai bên đã đưa ra những tín hiệu có thể sẽ dừng leo thang những căng thẳng cả về thương mại và đối ngoại giữa hai nước. Hiện cả hai phía đã mô tả về quan hệ song phương làm sao để kiểm soát, quản lý mối quan hệ, tránh có thêm sự cạnh tranh, xung đột, bất đồng. "Nhưng trong thời gian tới vẫn cần nhiều đối thoại hai bên, đặc biệt cấp cao để tránh căng thẳng cũng như chiến tranh có thể xảy ra" – cựu Thủ tướng Úc, hiện là Chủ tịch Hội Châu Á, nói.

ASEAN cần có tiếng nói tập thể

Để duy trì khu vực hoà bình, ổn định, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đánh giá cao vai trò và sự đoàn kết trong ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông. "Mô hình ASEAN là mô hình rất tốt, tạo diễn đàn cho các nước trước đây thù địch, xung đột giờ trở thành đối tác liên kết chặt chẽ với nhau" – ông nói. "Những ảnh hưởng, áp lực từ Trung Quốc khiến các nước ASEAN tiến lại gần nhau hơn, hợp tác chặt hơn trong việc có tiếng nói chung để ứng phó với các siêu cường trên thế giới".

ASEAN đoàn kết sẽ thúc đẩy thực hiên Công ước Luật Biển LHQ - Ảnh 3.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd tham dự và phát biểu Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Ruud, ASEAN với 10 quốc gia tạo ra những ảnh hưởng mang tính chiến lược làm đối trọng với Trung Quốc và các siêu cường khác như Mỹ. "ASEAN đã đạt được những thành công lớn trong bối cảnh này, nhưng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường tính thống nhất đoàn kết của mình".

Cựu Thủ tướng Úc cho rằng, ASEAN và thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống trong khu vực, cho thấy chính trị an ninh khu vực vẫn chưa được đảm bảo.

Nhiều nước đã có động thái liên kết với nhau, tạo nên những liên minh song phương, đa phương nhằm  kìm hãm sự vươn lên của Trung Quốc, trong đó có AUKUS hay Bộ Tứ. "Để có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn, ASEAN rất cần đoàn kết có tiếng nói chung, tập thể," – ông nói.  

"Việc đoàn kết của ASEAN nhằm đảm bảo tuân thủ thực hiện đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm mang lại ổn định, an ninh cho khu vực".

(Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd)

Theo ông Rudd, về dài hạn mong muốn của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông không thay đổi, nhưng hiện nay cách tiếp cận của họ đã thay đổi. Thay vì hành vi độc đoán cưỡng ép thì Trung Quốc chuyển sang cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn, sang hướng có các thoả thuận khai thác thăm dò tài nguyên chung với các nước trong khu vực.

Ứng phó với sự thay đổi cách tiếp cận này, ông Rudd cho rằng sức mạnh đàm phán của ASEAN với tư cách là một khối rất quan trọng. "Mỗi quốc gia trong ASEAN cần đặt ra một bên tuyên bố chủ quyền nước mình, phối hợp tăng cường đoàn kết đưa ra tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn, việc đoàn kết cả 10 nước rất quan trọng" – ông nói.  

"Việc đoàn kết này nhằm đảm bảo tuân thủ thực hiện đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm mang lại ổn định, an ninh cho khu vực".

Có ý kiến tương tự, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling cho biết, Anh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ việc sử dụng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 để giải quyết tranh chấp. "Phía Anh tin rằng UNCLOS là nền tảng pháp lý duy nhất để giải quyết tranh chấp nhiện nay" – bà Milling nói.

Bà cũng bày tỏ hy vọng thời gian tới, các nước và Trung Quốc có thể đi tới đàm phán và ký kết COC phù hợp luật pháp quốc tế.

Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng Biển Đông đang ngày càng trở nên ngày càng nóng bỏng hơn. Theo ông, trong bối cảnh các quốc gia hướng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Dương rộng mở và hợp tác thì cần làm sao có tiến trình hợp tác vượt ra phạm vi khu vực, làm sao có diễn đàn để thảo luận vấn đề này, ASEAN có thể đóng góp và cống hiện vào tiến trình này thế nào.

"Biển Đông là một thách thức thật sự" – ông nói. Cựu Ngoại trưởng Indonesia cũng mong muốn  ASEAN có thể thúc đẩy các bên có thể giải quyết vấn đề thông qua các phương tiện ngoại giao, hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, làm sao quản lý kiểm soát xung đột, tăng cường năng lực giải quyết các vấn đề mới phát sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem