Lạ đời, 4 đời theo nghề nuôi trâu ăn cỏ hoang ở thành phố, có nhà đàng hoàng vẫn thích lang thang du mục

Bảo Phong (Cổng TTĐT Sở NNPTNT tỉnh An Giang) Thứ tư, ngày 24/11/2021 13:03 PM (GMT+7)
Ngày nay, đô thị càng mở rộng, diện tích đất nông nghiệp dần dần bị thu hẹp, thế nhưng đằng sau những khu đất trống ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn thấy cảnh nhà nông gắn với cuộc sống du mục và việc chăn nuôi trâu kiểu này cũng có nguồn kinh tế ổn định.
Bình luận 0

Gia đình anh Lê Ngọc Thọ có 4 đời nuôi trâu làm kế sinh nhai ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Hễ ở đâu có đồng cỏ là ở đó có đàn trâu và anh Thọ chăn giữ. 

An Giang: 4 đời theo nghề nuôi trâu ăn cỏ hoang ở thành phố, có nhà đàng hoàng vẫn thích lang thang du mục - Ảnh 1.

Đàn trâu thả ăn cỏ hoang nơi thành phố của gia đình anh Lê Ngọc Thọ, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ở khu dân cư Xẻo Trôm, tại những mãnh đất bỏ hoang ai ngang qua cũng dễ dàng bắt gặp đàn trâu lúc ẩn, lúc hiện gặm cỏ hay trầm mình tắm nước. 

Hình ảnh vừa quen, vừa lạ như gợi nhớ bao ký ức về nền nông nghiệp lúa nước đang hiện diện ở một đô thị sầm uất.

Anh Lê Ngọc Thọ cho biết: “Ông nội tôi ổng theo nghề nuôi trâu lâu rồi. Hồi xưa dùng con trâu để kéo cày hằng năm, sống lai rai. Nghề di truyền hay sao nên tới giờ mình ghiền nuôi trâu luôn, không có trâu thì buồn lắm...Mình dẫn đàn trâu ra đồng hằng ngày ăn cỏ thì thấy tinh thần thoải mái. Trâu ngày mạnh khỏe thì mình cảm thấy vui rồi”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, dù có nhà cửa ổn định nhưng anh Thọ vẫn thích sống cuộc đời du mục.

Mỗi sớm hằng ngày anh dẫn trâu đi tìm cỏ, xế chiều thì lùa đàn trâu về chuồng. Năm này qua tháng nọ, công cụ giữ đàn trâu tránh lạc bầy chỉ là những sợi dây vàm nhuốm đất. 

An Giang: 4 đời theo nghề nuôi trâu ăn cỏ hoang ở thành phố, có nhà đàng hoàng vẫn thích lang thang du mục - Ảnh 2.

Anh Lê Ngọc Thọ đưa bầy trâu về chuồng.

Ngày tháng phiêu lưu cùng sương gió, từ ngày kế nghiệp chăn nuôi, nhìn đàn trâu mỗi ngày khỏe mạnh, sinh ra tiền, nên anh Thọ càng hứng thú phát triển thêm bầy đàn. 

Bầy trâu của anh Thọ có cả con cái và con đực, sau một, hai năm nuôi vỗ béo thì trâu cái lại sinh sản. 

“Lớn nhỏ được tổng cộng 11 con. Trâu cái từ chịu đực đến lúc đẻ con là 12 tháng...Trâu mẹ đẻ ra con, 1 tháng sau thì chịu đực lại. Bình thường như vầy thì mình thả tới lui để trâu ăn cỏ. Khi tới ngày trâu mẹ sinh nở thì tôi để vô chuồng cho đẻ. Nghé mới sinh nhỏ nhỏ tầm hai mươi đến ba mươi ký. Nuôi giáp năm thì trâu gã bầy. Nghé con từ 7 đến 8 tháng xuất chuồng thì bán được khoảng mười mấy triệu. Nuôi lớn hơn nữa thì mình bán ra gía cao hơn”, anh Thọ cho biết thêm.

“Ai bảo chăn trâu là khổ” nhưng với anh Lê Ngọc Thọ (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) chăn trâu là thú vui điền viên.

Mô hình nuôi trâu đi ăn cỏ hoang vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, vừa có thu nhập cho cuộc sống gia đình ổn định hơn. Tuy nhiên, nghề nuôi trâu thả lang ăn cỏ hoang rồi đây sẽ bị mai một khi mà thành phố Long Xuyên không còn đất trống. Và khi ấy nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi trâu kiểu này chắc chắn sẽ giảm đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem