Ai phải chịu trách nhiệm vụ cây xanh bật gốc đè người đi đường ở Đắk Lắk?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 23/04/2023 14:55 PM (GMT+7)
Sau vụ cây xanh đè người phụ nữ đi đường ở Đắk Lắk, bạn đọc đặt câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm khi khi cây xanh bật gốc, gây thiệt hại cho người dân?
Bình luận 0

Cây xanh bật gốc đè người phụ nữ

Khoảng 15h30 ngày 22/3, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xảy ra gió lớn kèm theo mưa. Nhiều cây xanh trên đường phố bị gãy, đổ. Trong đó, một cây xanh cổ thụ trên đường Y Jút (TP Buôn Ma Thuột) bị bật gốc, đè lên một phụ nữ đi xe máy.

Ai phải chịu trách nhiệm vụ cây xanh bật gốc đè người phụ nữ đi đường ở Đắk Lắk? - Ảnh 1.

Hiện trường cây xanh đè người phụ nữ. Ảnh: Ngọc Oanh

Ngay lập tức, hàng chục người đi đường và người dân xung quanh xúm vào cùng nhau khiêng thân cây lên để giải cứu người phụ nữ bị mắc kẹt. Sau đó, nạn nhân được đưa vào bệnh viện để cấp cứu.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, nạn nhân được tiếp nhận trong tình trạng suy hô hấp, đa chấn thương. Bệnh nhân bị thương rất nặng.

Liên quan tới vụ việc, Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cũng đã cử người vào bệnh viện thăm hỏi và trích kinh phí hỗ trợ nạn nhân.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau vụ việc này, bạn đọc đặt câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm khi cây xanh bật gốc, đè người đi đường?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Như vậy, trong vụ việc này, đơn vị hoặc công ty cây xanh đang quản lý đối với những cây này phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Còn nếu cây do hộ dân xung quanh trồng trên đất của họ mà để cây đổ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác, những người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.

Theo luật sư Đồng, căn cứ phát sinh bồi thường được thực hiện theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại khoản 1, khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…

Trường hợp tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Các khoản bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được sẽ áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra, vị luật sư cũng cho biết thêm, theo quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người hoặc đơn vị được giao quản lý cây xanh không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Vì vậy thiệt hại nếu được xác định là do sự kiến bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của nạn nhân, sẽ không đặt ra trách nhiệm bồi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem