6 bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân Bến Tre trong xây dựng “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”

Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre Chủ nhật, ngày 18/02/2024 06:11 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã nhân rộng mô hình câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở 9 huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 10 CLB nông dân tỷ phú với 415 thành viên. Từ khi tham gia sinh hoạt CLB nông dân tỷ phú, các thành viên luôn nêu cao tinh thần thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bình luận 0

Xây dựng Quy chế hoạt động Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị Hội cấp huyện, thành phố, 154 đơn vị Hội cơ sở, 1.062 Chi hội, 10.145 Tổ hội, 153.455 hội viên, 3.876 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 42.447 thành viên, 113 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 906 thành viên.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bến Tre đã phát động và phát triển sâu rộng trong hội viên, nông dân gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, lợi nhuận trên 1tỷ/năm. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng. Mặt khác, những hộ nông dân giỏi này có mong muốn giúp đỡ những nông dân nghèo, khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm hay cho nhiều nông dân khác học tập và làm theo. Bên cạnh đó, sản phẩm của những nông dân - tỷ phú chưa liên kết được với sản phẩm của những nông dân khác, tạo ra sản lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

6 bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân Bến Tre trong xây dựng “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre tham quan mô hình nuôi tôm của thành viên câu lạc bộ nông dân tỷ phú. Ảnh: Huỳnh Lê

Xuất phát từ tình hình thực tế, cũng như mong muốn của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre thấy cần thiết phải tập hợp những nông dân này vào tổ chức để họ được liên kết, chia sẻ cách làm hay hỗ trợ nhau cùng phát triển.Từ đó Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh quyết định thành lập mô hình mới: Câu lạc bộ "Nông dân tỷ phú" tỉnh Bến Tre.

Được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Câu lạc bộ " Nông dân tỷ phú". Bước đầu, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên tham gia vào mô hình này. Để có sự thống nhất về tên gọi của mô hình, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận, xin ý kiến của các thành viên. 

Để có được tên gọi là "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú", Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đưa ra nhiều phương án cho tên gọi để các thành viên bàn và có sự lựa chọn như: Câu lạc bộ nông dân làm giàu; Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Câu lạc bộ nông dân xuất sắc; Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh...

Qua nhiều lần bàn, thảo luận phần lớn các thành viên thống nhất với tên gọi "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú". Sau thời gian chuẩn bị, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre được thành lập, ra mắt vào ngày 18/7/2018, với 20 thành viên.

Câu lạc bộ đề ra Quy chế hoạt động gồm 7 chương, 18 Điều. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ có 9 thành viên, gồm: 1 Chủ nhiệm; 2 Phó Chủ nhiệm; 1 thủ quỹ và 5 tổ trưởng phụ trách năm nhóm sản phẩm: Cây ăn trái; dừa; tôm biển; gia súc, gia cầm; cây giống, hoa, cây cảnh.

Thực hiện theo quy chế, Câu lạc bộ 2 tháng sinh hoạt 1 lần, hình thức sinh hoạt xoay vòng, mỗi thành viên đăng cai sinh hoạt 1 lần. Thành phần tham gia sinh hoạt câu lạc bộ gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, các sở ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp, thành viên câu lạc bộ...

Nội dung sinh hoạt luôn được chuẩn bị phong phú và đa dạng đáp ứng theo nhu cầu của các thành viên trong Câu lạc bộ. Mỗi lần sinh hoạt đều chọn chủ đề cụ thể cho từng sản phẩm để thảo luận, chia sẻ, liên kết tìm giải pháp cùng phát triển.

Mỗi kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ là một "diễn đàn" tạo điều kiện cho các thành viên tham gia câu lạc bộ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh; phản ánh tình hình, thông tin, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội ghi nhận bổ sung, ban hành mới các chủ trương, chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời trong các kỳ sinh hoạt này các sở, ngành thông tin tới các thành viên về các chính sách, chương trình hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp phát triển; các doanh nghiệp thông tin, định hướng thị trường; các nhà khoa học dự báo, cách phòng tránh dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi.

Nhân rộng 10 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú với 415 thành viên

Câu lạc bộ luôn thực hiện tốt phương châm: "Xem sự thành công của mỗi thành viên là sự thành công chung của Câu lạc bộ". Từ đó, câu lạc bộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ cùng nhau phát triển.

Qua thời gian hoạt động cho thấy mô hình Câu lạc bộ nông dân tỷ phú là mô hình có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh hiện nay.

6 bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân Bến Tre trong xây dựng “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú”- Ảnh 2.

Cùng với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, các câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Bến Tre còn thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội. Trong ảnh: CLB tỷ phú nông dân huyện Thạnh Phú trao quà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đó, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã nhân rộng mô hình, thành lập Câu lạc nông dân tỷ phú ở 9 huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 10 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú với 415 thành viên, Câu lạc bộ tỷ phú huyện, thành phố mỗi quý sinh hoạt 1 lần.

Từ khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân tỷ phú, các thành viên luôn nêu cao tinh thần thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó, nhiều mô hình có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước khi tham gia Câu lạc bộ các thành viên lợi nhuận chỉ đạt 1 tỷ đồng/năm, nhưng từ khi tham gia Câu lạc bộ nông dân tỷ phú với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiện 25 thành viên có lợi nhuận trên 15 tỷ đồng/năm.

Có nhiều hộ lợi nhuận trên 30 tỷ đồng/năm, như mô hình của anh: Đặng Văn Bảy ở Thạnh Phú; anh Nguyễn Minh Nhủ ở Ba Tri , Nguyễn Quốc Khởi, chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở Thạnh Phú... Riêng mô hình của anh Lê Văn Sấm ở Thạnh Phú từ 20 ha nuôi tôm công nghệ cao giờ phát triển lên 45 ha với lợi nhuận 50 tỷ đồng/năm.

Trong sinh hoạt Câu lạc bộ, các thành viên chuyên về trồng trọt được chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ số, từ đó áp dụng vào mô hình trồng trọt của mình mang lại hiệu quả cao. Trước đây lợi nhuận chỉ từ 900 - 1 tỷ đồng/năm, giờ đây lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm, với 37 mô hình. Tiêu biểu như mô hình trồng sầu riêng của anh Huỳnh Văn Quân, anh Nguyễn Thanh Tân, Trần Văn Nam ở Châu Thành, anh Lê Đình Vĩnh Nghi ở Chợ Lách; mô hình trồng bưởi da xanh của anh: Huỳnh Văn Quận, chị Trần Thị Mừng, anh Vương Thành Công ở Châu Thành...

Các thành viên Câu lạc bộ luôn có tinh thần học tập những mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả trong và ngoài nước để vận dụng vào trong sản xuất, kinh doanh của mình. Năm 2018 và năm 2023, được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tạo điều kiện cho 20 thành viên Câu lạc bộ tham gia chuyến tham quan, học tập các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả tại Thái Lan.

Qua chuyến tham quan, các thành viên đã học tập và vận dụng xây dựng được các mô hình như: mô hình trồng bưởi đạt chuẩn VietGap, đạt chuẩn xuất khẩu Hoa Kỳ, mô hình Hợp tác xã nhãn VietGap, mô hình trang trại bò giống chất lượng cao, mô hình trồng xen trong vườn dừa, mô hình trồng chôm chôm sạch, mô hình trồng hoa kiểng trong nhà lưới, mô hình trồng sầu riêng sạch xuất khẩu.

Thành viên các Câu lạc bộ luôn có tinh thần nghiên cứu, áp dụng khoa học vào trong sản xuất từ đó mang lại hiệu quả cao và được Trung ương Hội và Bộ Khoa học và công nghệ tuyên dương là "Nhà khoa học của nhà nông" như: mô hình "Trồng sầu riêng tỉa hình chóp" của anh Nguyễn Văn Hòa, mô hình "Nuôi tôm càng xanh toàn đực bẻ càng"ở Châu Thành của anh Nguyễn Văn Đoàn xã Thạnh Phú. Các mô hình trên hiện nay được nhiều thành viên trong Câu lạc bộ và nhiều nông dân học tập làm theo.

Có thể khẳng định, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú là nơi để các thành viên tích cực thi đua sản xuất, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý. Nhờ đó, các mô hình kinh tế có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều và đạt được nhiều giải thưởng cao quý.

Trong 5 năm qua, tỉnh có 16 thành viên được tuyên dương nông dân Bến Tre xuất sắc, 8 thành viên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc toàn quốc.

Trong những năm qua, kinh tế của các thành viên các Câu lạc bộ phát triển mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Ngoài việc phát triển kinh tế, các thành viên trong các Câu lạc bộ còn tham gia tuyên truyền vận động về lợi ích và hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, 415 thành viên các Câu lạc bộ đã tích cực tiên phong làm nòng cốt tham gia vào Tổ hợp tác, Hợp tác xã tại địa phương. Đến nay, các thành viên đã tham gia thành lập được 17 Hợp tác xã và 63 tổ hợp tác, có 37 thành viên các Câu lạc bộ tham gia Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát của các Hợp tác xã.

Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh giỏi, các thành viên trong các Câu lạc bộ rất tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong những lần sinh hoạt, các Câu lạc bộ đều có tổ chức trao quà, tiền, nhà tình thương, cây con giống, cho mượn vốn sản xuất không lãi với số tiền trên 3 tỷ đồng cho những nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn. Ngoài ra, các thành viên còn tham gia tốt các phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh phí, đất, hoa màu, ngày công xây dựng cầu, đường, giao thông nông thôn với số tiền trên 05 tỷ đồng.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức sơ kết hoạt động Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú toàn tỉnh với sự tham gia của tất cả thành viên. Nội dung gồm phần Hội và lễ nên tạo sinh khí vui tươi phấn khởi cho tất cả hội viên. Thường trực tỉnh ủy dự và chỉ đạo hội nghị này.

Mô hình Câu lạc bộ nông dân tỷ phú bước đầu mang lại nhiều hiệu quả, vị thế của người nông dân được nâng lên. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh nhà. Qua quá trình thành lập và hoạt động của các Câu lạc bộ, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, Câu lạc bộ được thành lập phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân. Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tuân thủ pháp luật và tranh thủ sự định hướng, hỗ trợ của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, huyện.

Thứ hai, Hội nông dân phải thực hiện tốt vai trò định hướng, hỗ trợ nội dung hoạt động cho Câu lạc bộ. Trong hoạt động phải có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của các sở ngành có liên quan; phối hợp, đề xuất kịp thời giải quyết những khó khăn của các thành viên.

Thứ ba, Nội dung sinh hoạt phải thật sự phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu của các thành viên; trong sinh hoạt phải tạo không khí thoải mái, thân thiện như là một"diễn đàn" để các thành viên được phát biểu, chia sẻ và đề xuất. Tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ giao lưu, chia sẻ, học tập lẫn nhau.

Thứ tư, Thường xuyên tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả trong và ngoài tỉnh cho các thành viên Câu lạc bộ học tập.

Thứ năm, Mời các sở, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia làm thành viên Câu lạc bộ. Những thành viên này đóng vai trò " hạt nhân" hỗ trợ cho Câu lạc bộ tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp; Doanh nghiệp liên kết tạo đầu vào đầu ra, các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên.

Thứ sáu, Kịp thời phát hiện, đề xuất biểu dương, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt để khích lệ phong trào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem