5 huyện của Hà Nội "chạy đua" lên quận, xã lên phường, huyện nào sẽ về đích trước?

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 28/02/2023 13:29 PM (GMT+7)
TP.Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 5 huyện lên quận. Tuy nhiên để cả 5 huyện lên quận cùng lúc là điều bất khả thi, dự kiến sẽ có 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ về đích trước trong cuộc đua này.
Bình luận 0

Huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ về đích trước trong cuộc đua đưa huyện lên quận?

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có thêm 5 huyện lên quận gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội có thêm 3 huyện lên quận gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định "quận" phải đảm bảo 27 tiêu chí như: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; Diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên; Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định…

Ngoài ra, để có thể được chuyển từ huyện lên quận, các địa phương phải đạt các tiêu chí về kinh tế - xã hội. Cụ thể, cân đối thu chi ngân sách phải dư; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất phải đạt bình quân của TP trực thuộc Trung ương; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%; Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 95% trở lên.

5 huyện của Hà Nội lên quận, xã lên phường cần phải đáp ứng 27 tiêu chuẩn gì? - Ảnh 1.

Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Như vậy, để lên quận, các huyện ngoại thành Hà Nội phải tập trung nguồn lực đáp ứng 27 tiêu chí theo quy định. Tại hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội được tổ chức vào tháng 6/2022, báo cáo của các đơn vị cho thấy, huyện Đông Anh đã đạt 26 tiêu chí, Gia Lâm đạt 25 tiêu chí, Hoài Đức đạt 22 tiêu chí, Thanh Trì đạt 24 tiêu chí, Đan Phượng đạt 21 tiêu chí.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc "dàn hàng ngang" đưa cả 5 huyện lên quận cùng lúc thì khó thành công. Do đó, Hà Nội đang ưu tiên và tập trung nguồn lực để đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm 2023. Các huyện còn lại sẽ được xem xét để lên quận trong năm 2024-2025.

Hiện, Đông Anh chỉ còn thiếu một tiêu chí để lên quận là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật. Để đạt được điều này, huyện phải đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long.

5 huyện của Hà Nội "chạy đua" lên quận, xã lên phường, huyện nào sẽ về đích trước? - Ảnh 2.

Mô hình trồng hoa giấy gắn với bảo vệ môi trường của nông dân xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Thu Hà

Trong khi đó, huyện Gia Lâm còn thiếu 2 tiêu chí để lên quận là cơ sở y tế đô thị và cân đối thu chi ngân sách.

Để đáp ứng các tiêu chí trên, huyện Gia Lâm có chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai trong năm 2023-2025 với quy mô nâng cấp, mở rộng bệnh viện từ 150 giường lên 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Gia Lâm cũng cấp kinh phí đầu tư nhiều dự án khác bao gồm cải tạo, chỉnh trang ao đình, sân chơi, vườn hoa, cây xanh…

5 huyện của Hà Nội "chạy đua" lên quận, xã lên phường, huyện nào sẽ về đích trước? - Ảnh 3.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây vụ đông 2023 triển khai tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Khoai tây sau thu hoạch đạt năng suất hơn 16,6 tấn/ha, mức giá bán trung bình 8.500 đồng/kg, giá trị kinh tế trên 1ha canh tác đạt hơn 140 triệu đồng. Ảnh: Ánh Dương

Với các huyện còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đánh giá khối lượng công việc để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt là rất lớn. Một số tiêu chí còn chưa được thống nhất giữa huyện và sở, ngành gây ra những bất cập.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện. Cụ thể, huyện Đông Anh và Gia Lâm hoàn thành đề án lên quận năm 2022-2025, trong khi 3 huyện còn lại báo cáo để thành phố điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành đề án.

Ngoài ra, giai đoạn 2026-2030, thành phố Hà Nội cũng định hướng 3 huyện lên quận gồm: Mê Linh, Thanh Oai, Thường Tín.

Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội vào năm 2025 và xa hơn là phát triển 8 huyện thành quận đến 2030, đòi hỏi các huyện sẽ phải hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất (cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề - phố nghề, cụm đổi mới…); Ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn.

Đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa cơ sở và diện tích đất cây xanh công cộng theo hướng tiêu chí đô thị.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 toàn bộ số xã của 5 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Huyện Đông Anh có diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, với 23 xã, một thị trấn trực thuộc. Còn huyện Gia Lâm có diện tích trên 116 km2, dân số khoảng 280.000 người, với 20 xã và 2 thị trấn.

Huyện Hoài Đức có diện tích 84 km2, dân số khoảng 276.000 người, với 1 thị trấn và 19 xã. Huyện Thanh Trì có diện tích 63 km2, dân số khoảng 289.000 người, với một thị trấn và 15 xã. Huyện Đan Phượng có diện tích 78 km2, dân số khoảng 167.000 người, với 1 thị trấn và 15 xã.

TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Theo đó, 12 quận của TP Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem