40 năm Báo NTNN: Thúc đẩy chuỗi liên kết qua những bài viết về bất cập trong chuỗi liên kết với nông dân

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 01/04/2024 07:30 AM (GMT+7)
Từ những bài viết trên Báo Nông thôn Ngày nay, sự nỗ lực vươn lên của người dân cùng các chương trình, chính sách của ngành nông nghiệp, chuỗi liên kết trong sản xuất lúa được thúc đẩy hoàn thiện hơn, mang lại nhiều giá trị hơn.
Bình luận 0

Đâu phải người dân nào cũng muốn bỏ ruộng lúa lên TP.HCM làm thuê

Ở ĐBSCL, nhiều năm trước đây, việc làm ăn riêng lẻ như trở thành thói quen. Vì vậy, người nông dân, nhất là nông dân trồng lúa rất khó để có thể thuyết phục vào tổ hợp tác hay hợp tác xã, chứ đừng nói chi là liên kết với doanh nghiệp thành chuỗi sản xuất.

Tôi, với vai trò là người làm báo, phụ trách thông tin về lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với nông dân, nhất là những người trồng lúa (cây trồng chủ lực của vùng). Đa số người dân cho hay, do kiến thức không nhiều, ít đi đây đi đó vậy nên cứ làm nông nghiệp theo kiểu "cha truyền con nối", tức cha trồng lúa thì con trồng lúa, cha làm đơn lẻ mình thì con cũng làm một mình theo kỹ thuật cha truyền đạt lại.

Do diện tích ít, chi phí đầu tư cao nên khi thu hoạch, nhiều nông dân cho hay đều không có lợi nhuận, trừ vụ đông xuân trúng mùa sẽ có lời ít, cao lắm cũng 2 triệu đồng/công (1.000m2).

40 năm Báo NTNN: Thúc đẩy chuỗi liên kết qua những bài viết về bất cập trong chuỗi liên kết với nông dân- Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Trà Vinh phơi lúa đông xuân sau khi thu hoạch xong. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố vào tháng 8 năm 2022 nêu rõ: ĐBSCL là khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa cả nước, cũng như chiếm trên 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu, nhưng có một nghịch lý là, cuộc sống của hơn 1 triệu hộ làm nghề trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ chi phí trồng lúa cao là do người dân "mua thiếu" phân, thuốc từ đại lý thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối vụ lúa mới trả tiền. Mặc dù chủ đại lý cho người dân thiếu tiền nhưng lại kê tiền phân, thuốc lên cao hơn việc trả tiền liền.

Ngoài ra, do làm riêng lẻ nên người dân thuê người làm đất, thuê máy gặt đập liên hợp, thuê người phun thuốc đều cao. Đến cuối vụ, khi thu hoạch còn phải tìm kiếm thương lái mua lúa và thường bị ép giá.

Nhiều con em của nông dân rời quê lên thành phố làm công nhân, để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, rồi cũng nhiều trẻ bỏ học để đi mưu sinh. Đây là lý do khiến cho tại vùng nông thôn trồng lúa ở ĐBSCL, người trẻ tham gia vào lao động chân tay rất ít.

Sau khi tìm hiểu kỹ vấn đề trên, phóng viên đã thực hiện nhiều bài viết đăng trên Báo NTNN/ điện tử Dân Việt. Đa số bài viết ngoài việc thể hiện người dân làm nông nghiệp, làm lúa không có thu nhập, còn thể hiện những hệ lụy khác có liên quan.

Những bài viết của phóng viên được nhiều nông dân tiếp cận cũng như phản hồi. Theo đó, người dân đều gọi điện hoặc gặp trực tiếp đến phóng viên nói rằng, đâu phải việc gì người dân trồng lúa muốn là được. 

Người dân rất muốn liên kết sản xuất, để giảm thấp nhất chi phí đầu tư, rồi tăng lợi nhuận khi thu hoạch, có như vậy mới khá lên. Tuy nhiên, mấu chốt là phải có người dẫn dắt, có chính sách hỗ trợ và có doanh nghiệp tham gia cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa.

Những nông dân đi đầu khi tham gia chuỗi liên kết

Vài năm trở lại đây, người dân ở một số địa phương đã thay đổi tư duy, tham gia hợp tác xã, tham gia chuỗi liên kết và mạnh dạn đầu tư sản xuất khi được ngành chức năng quan tâm cũng như có chính sách hỗ trợ dù không nhiều.

Như ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1969, ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã có chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo rất bền vững. Hiện nay lúa hữu cơ của ông Dũng và hợp tác xã Giống Nông nghiệp Định An do ông làm chủ đều được doanh nghiệp lớn ở Đồng Tháp bao tiêu theo hợp đồng. Trong quá trình sản xuất lúa, ông cho biết, rất tiết kiệm giống, có khi chỉ sử dụng 60kg/1.000m2, các loại phân, thuốc sinh học cũng rất ít và đều sử dụng máy bay không người lái để làm.

40 năm Báo NTNN: Thúc đẩy chuỗi liên kết qua những bài viết về bất cập trong chuỗi liên kết với nông dân- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Dũng ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã có chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo rất bền vững. Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng như ông Dũng, ông Đoàn Văn Tài ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long liên kết với nông dân địa phương thành lập hợp tác trồng lúa hữu cơ lấy tên là hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt và ký kết với doanh nghiệp trong cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa khi thu hoạch.

Hiện nay, hợp tác xã của ông Tài đã có 100 ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trong đó 30ha đạt chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada).

Chưa dừng lại ở diện tích trên, nhiều lần trao đổi với phóng viên, Giám đốc hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đều khẳng định là sẽ tiếp tục cố gắng tăng thêm quy mô sản xuất trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thích (ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cũng vận động người dân địa phương tham gia, thành lập hợp tác xã Tân Long chuyên sản xuất gạo sạch.

Do sử dụng chất hữu cơ nên chi phí đầu tư cho 1ha lúa của hợp tác xã giảm được từ 7 – 8 triệu đồng, lợi nhuận lại cao hơn từ 500 - 1 triệu đồng/công so với canh tác ngoài mô hình.

Hiện nay, gạo của hợp tác xã Tân Long đã trở nên nổi tiếng, được doanh nghiệp bao tiêu cũng như tiêu thụ mạnh ở nhiều địa phương. Mô hình liên tục có các đoàn đến tham quan, học hỏi, ngành chức năng, thậm chí là lãnh đạo tỉnh cũng đến động viên các xã viên phấn đấu thực hiện mô hình.

Được biết, hợp tác xã Tân Long hiện có 51 thành viên, với 59ha chuyên trồng lúa. Gạo của hợp tác xã cũng đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Nhiều hy vọng vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Tuy có những thành công bước đầu nói trên nhưng ở ĐBSCL, vẫn xuất hiện những cách làm, mô hình liên kết chưa thật hiệu quả, không những ảnh hưởng đến thu nhập người dân mà còn mất uy tín cho doanh nghiệp.

Cụ thể là vụ lúa đông xuân gần đây nhất, rất nhiều nông dân ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ bị doanh nghiệp tổ chức mua lúa chậm (doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà giao cho thương lái mua; thương lái tổ chức thu mua không theo hợp đồng rõ ràng, chủ yếu theo lời hứa) dẫn đến thất thoát, chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp còn không trả tiền liền, liên tục hứa đi hứa lại nhiều lần. Vụ việc khiến người dân lo lắng phải đến tận trụ sở doanh nghiệp đòi tiền.

40 năm Báo NTNN: Thúc đẩy chuỗi liên kết qua những bài viết về bất cập trong chuỗi liên kết với nông dân- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Mặc dù doanh nghiệp sau đó đã trả tiền đủ nhưng phần nào đó mất uy tín với người dân và thể hiện rất rõ khâu liên kết sản xuất lúa không chặt chẽ.

Đây không phải là câu chuyện duy nhất, mà rất nhiều trường hợp gần tương tự đã xảy ra giữa doanh nghiệp với nông dân mà phóng viên phản ánh rõ trên Báo Nông thôn ngày nay.

Hy vọng, khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) do Bộ NNPTNT triển khai tới đây sẽ khắc phục được tình trạng trên. Bởi, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, đề án chỉ triển khai thực hiện tại hợp tác xã có diện tích lớn. Trong quá trình thực hiện, các bên tham gia đề án phải ký hợp đồng, cam kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, chứ không phải hợp đồng mua bán như đã diễn ra trước đây.

Đến thời điểm này, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nói trên vẫn ở giai đoạn chuẩn bị, chỉ dự tính sẽ thí điểm ở 5 địa phương vùng ĐBSCL trong năm 2024 này (có nhiều công việc phải chuẩn bị kỹ). Thế nhưng, phóng viên đã có hàng chục bài viết để tuyên truyền, thậm chí có thực hiện loạt bài khi đề án chỉ mới đi lấy ý kiến các địa phương. Mong rằng đề án sớm được triển khai rộng khắp và nhanh có kết quả như mong đợi, trong đó hơn ai hết là người dân trồng lúa có cuộc sống tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem