3 cô giáo Nghệ An thiết kế bài giảng điện tử giúp học sinh tự học vẫn đạt điểm Văn cao

Tào Nga Thứ bảy, ngày 08/10/2022 13:04 PM (GMT+7)
"Giáo viên chỉ là người định hướng, còn học sinh dù không trực tiếp tương tác với giáo viên ở lớp vẫn có thể tự học và kiểm tra đánh giá qua bài giảng điện tử", cô Ngà chia sẻ.
Bình luận 0

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Việt Nam 10/10 và hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, sáng ngày 8/10, tại trụ sở Bộ GDĐT diễn ra lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021. Buổi lễ do Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì chỉ đạo, Cục CNTT (Bộ GDĐT) chủ trì tổ chức.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 do Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tiền thân là Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng elearning do Bộ GDĐT chủ trì tổ chức từ năm 2010, đây là lần thứ 5 Cuộc thi được tổ chức. Cuộc thi nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành GDĐT, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Cô giáo Nghệ An thiết kế bài giảng điện tử giúp học sinh tự học vẫn đạt điểm Văn cao - Ảnh 1.

Ba cô giáo Trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh, Nghệ An giành giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, các cô Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hải, Dương Thị Ngà, Trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh, Nghệ An vui mừng khi là 1 trong 12 tác giả/nhóm tác giả giành Giải Nhất cuộc thi với bài giảng Trái đất – cái nôi của sự sống, môn Ngữ văn, lớp 6.

Cô Ngà cho hay: "Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật trình bày giáo án mang tính chất trực quan sinh động. Chúng tôi đưa vào bài giảng những video, bài đọc bằng chính giọng đọc của học sinh. Phần trình bày kiến thức và kỹ năng, chúng tôi không trình bày thông thường mà theo dạng sơ đồ hóa để học sinh nắm bài hệ thống nhất. 

Điều thứ hai, chúng tôi hình thành kỹ năng tự học cho học sinh. Giáo viên không giảng một chiều mà sau khi học sinh hình thành kỹ năng và kiến thức thì sẽ được đánh giá kết quả sau khi học xong bài giảng". 

Theo cô Ngà, nhóm đã thực hiện trong vòng 1 tháng và gặp nhiều khó khăn trong việc tương tác với học sinh và ghi hình vì đúng dịp dịch đang lên cao trào vào tháng 9-10/2021. Tuy nhiên, kinh nghiệm dạy học từ một trường trọng điểm của tỉnh, ý tưởng bài giảng hay, sự phối hợp tốt giữa các thành viên, và động viên, tạo điều kiện của Sở GDĐT Nghệ An, nhà trường đã giúp các cô thực hiện tốt bài giảng dự thi này. Kết quả ngoài mong đợi, nhóm của cô Ngà đã giành giải Nhất duy nhất của tỉnh Nghệ An và cũng là duy nhất cả nước về môn Văn cấp THCS.

Cô Dương Thị Ngà, Trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh, Nghệ An chia sẻ về bài giảng giành giải Nhất. Clip: Tào Nga

"Khi bắt đầu với giáo án, chúng tôi kỳ vọng có một hướng đi mới cho E-learning. Giáo viên chỉ là người định hướng, còn học sinh dù không trực tiếp tương tác với giáo viên ở lớp vẫn có thể tự học và kiểm tra đánh giá", cô Ngà chia sẻ.

Cũng theo cô Ngà, hiện tại chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, do chương trình mới, tài liệu tham khảo chưa có nhiều nên giáo viên đang gặp khó khăn. Mỗi học sinh có năng lực khác nhau nên giáo viên phải làm sao am hiểu, vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp nhất để phát triển năng lực cho từng học sinh. Riêng với bộ môn Văn, áp dụng phương pháp làm sao để không mất đi tính thẩm mỹ của bộ môn đặc thù này.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Không có gì hay hơn là chúng ta học hỏi lẫn nhau. Muốn xây dựng xã hội học tập thì các nhà giáo phải nâng cao khả năng học tập".

Chia sẻ về cuộc thi, Thứ trưởng cho hay: "Đây là năm đầu tiên Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoàn toàn và các bài giảng lớp 1, lớp 2, lớp 6 được soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù vậy số lượng sản phẩm dự thi cao gấp nhiều lần các cuộc thi trước với 42.983 bài giảng (cuộc thi lần thứ 4 chỉ có khoảng 9.000 sản phẩm dự thi); số lượng sản phẩm soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chiếm 25%.

Bộ GDĐT đã thành lập các Hội đồng giám khảo gồm đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm để tổ chức đánh giá, thẩm định chuyên môn và xét giải Cuộc thi. Đây là một công việc rất khó khăn, các Hội đồng giám khảo đã làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc với nhiều vòng chấm độc lập, đánh giá thẩm định tập thể. Tuy nhiên do số lượng bài dự thi quá lớn so với dự kiến, nguồn lực hạn chế và dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên việc đánh giá, công bố kết quả Cuộc thi bị kéo dài so với kế hoạch".

Cô giáo Nghệ An thiết kế bài giảng điện tử giúp học sinh tự học vẫn đạt điểm Văn cao - Ảnh 3.

Buổi lễ do Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì chỉ đạo, Cục CNTT, Bộ GDĐT chủ trì tổ chức. Ảnh: Tào Nga

Trên cơ sở nguồn kinh phí trao giải và thực tế số lượng bài dự thi, Ban Tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng. Trong đó, có 12 Giải Nhất, 25 Giải Nhì, 29 Giải Ba, 40 Giải Khuyến khích, 6 Giải ý tưởng sảng tạo và 100 giải phong trào.

Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước tại địa chỉ igiaoduc.vn. Từ nhiều năm trước, Kho học liệu này đã được giới thiệu đến tất cả các địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn quốc để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong thời gian dịch Covid bùng phát, học sinh không được đến trường. Trong thời gian tới, ngành GDĐT tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu kho học liệu này, đáp ứng nhu cầu học tập không chỉ trong ngành GDĐT mà cho toàn xã hội cùng khai thác, sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem