20 năm, chiều cao trung bình của nữ giới Việt chỉ tăng 3,3cm

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/07/2022 19:11 PM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, trong vòng 20 năm, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam mới tăng được 5,8 cm và nữ giới chỉ được 3,3 cm.
Bình luận 0

Thông tin về tăng chiều cao trung bình của người Việt trong 20 năm qua được ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cung cấp tại hội nghị chia sẻ về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, giới thiệu sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cùng phần mềm dinh dưỡng ngày 28/7. 

Ông Khoa cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em những năm qua đạt nhiều thành tích. 

Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số này cần được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

20 năm, chiều cao trung bình của nữ giới Việt chỉ đạt 3,3 cm - Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế phát biểu tại sự kiện ngày 28/7. Ảnh CTV

Theo TS Khoa, nhờ có sự cải thiện về dinh dưỡng. bà mẹ trẻ em nên chiều cao của người Việt cũng có sự gia tăng. Sau 20 năm, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng từ 162,3cm (năm 2000) lên 168,1cm (2020), tăng được 5,8cm. Chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6cm (năm 2020), tăng được 3,3cm. 

Hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

TS Khoa nhận định, tỷ lệ tăng chiều cao trung bình của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gen…

Ngoài ra, nhiều chỉ số trong công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em cũng đạt thành tích tốt. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%.

Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100 nghìn trẻ đẻ ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, con số này năm 2019 chỉ còn 46 ca).

Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có sự chênh lệch giữa các vùng miền và dân tộc, dẫn đến nhiều chỉ số chênh lệch khá nhiều. Cụ thể, tử vong mẹ ở vùng 3 (đồng bào dân tộc thiểu số) cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ lệ này ở dân tộc H’mong cao gấp 7, 8 lần ở dân tộc Kinh, Tày. 

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.

Để cải thiện các chỉ số này, cần phải làm nhiều việc khác nhau, trong đó có việc xây dựng công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Một trong những giải pháp được Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em thực hiện là xây dựng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. 

Công cụ này được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1998 (tại Bến Tre) nhưng đến năm 2015 mới được hiện thực hóa tại 4 tỉnh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - Nhật Bản). 

Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trên toàn quốc và đã phủ sóng hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 140 ngày 20/1/2020 về ban hành mẫu sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cuốn sổ này được thiết kế khoa học theo diễn tiến quá trình mang thai và chăm sóc trẻ đến 6 tuổi. 

Hiện đã có trên 40 nước sử dụng loại sổ này, nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ, tai biến có thể gặp phải trong quá trình mang thai cũng như các dấu hiệu bất thường về bệnh tật của trẻ. Đây là công cụ góp phần giảm tử vong mẹ và trẻ em.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem