2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày?

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 07/10/2022 16:18 PM (GMT+7)
Sáng nay, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phối hợp với huyện Hoài Đức tổ chức công bố Quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 2 xã Minh Khai và Lại Yên.
Bình luận 0

2 xã của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Theo UBND huyện Hoài Đức, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2016, 19/19 xã của huyện Hoài Đức đã về đích nông thôn mới. Năm 2017, huyện Hoài Đức đã vinh dự được nhận bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới" của Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Hoài Đức tập trung chỉ đạo các xã rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả năm 2020, xã Yên Sở trở thành địa phương đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, huyện tiếp tục có thêm hai xã về đích nâng cao là Minh Khai và Lại Yên.

2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày? - Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo 2 xã Lại Yên, Minh Khai cùng đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Chính vì vậy, huyện Hoài Đức luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, đồng thời tổ chức đồng bộ tại các cấp chính quyền cơ sở.

2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo xã Lại Yên (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, sau khi được UBND TP.Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Lại Yên luôn xác định phải tiếp tục duy trì, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí xây dựng xã thành phường.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 xã đã huy động được 485 tỷ đồng để đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 65,9 triệu đồng/năm, tăng 36,9 triệu đồng so với năm 2015. Từ 2 năm nay, xã Lại Yên không còn hộ nghèo.

Đối với xã Minh Khai, kinh tế địa phương phát triển theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ - nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 64 triệu đồng; định hướng đến năm 2023, xã Minh Khai hoàn thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Minh Khai đã có 25/68 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP toàn huyện.

2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày? - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ (thứ 3 từ phải sang) cùng đại diện lãnh đạo huyện Hoài Đức và các ban ngành TP thăm các gian hàng OCOP.

2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày? - Ảnh 4.

Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (xã Minh Khai, Hoài Đức). Hiện đơn vị có đến 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Hà Nội và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao bún gạo.

2 xã nào của Hà Nội nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cùng 1 ngày? - Ảnh 5.

Sản phẩm miến dong của Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (xã Minh Khai, Hoài Đức) đã được xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Nga...

Tại buổi lễ, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội công nhận hai xã Minh Khai và Lại Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố cần đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; có quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông sản sau thu hoạch; đa dạng hoá nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hoá; phát triển, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế… 

Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem