17.000 lính dù Đồng minh đổ bộ nước Đức: Cái giá phải trả là 2.500 thương vong

Duy Sơn (theo Theo War History) Thứ bảy, ngày 08/01/2022 20:31 PM (GMT+7)
Quân Đồng minh huy động 1.600 vận tải cơ chở lực lượng hùng hậu đổ bộ đánh chiếm các cứ điểm Đức dọc sông Rhine để hỗ trợ bộ binh.
Bình luận 0

Tháng 3/1945, quân Đồng minh giành lợi thế lớn ở mặt trận phía tây khi bẻ gãy cuộc tấn công quy mô lớn của Đức trong trận Bulge và bắt đầu tiến công lãnh thổ Đức. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trở ngại ngăn cản họ, trong đó có tuyến phòng ngự kiên cố của phát xít Đức dọc sông Rhine.

Trước tình hình đó, tướng Mỹ Dwight Eisenhower và nguyên soái Anh Bernard Montgomery quyết định đưa lực lượng vượt sông Rhine với sự yểm trợ của chiến dịch đổ bộ đường không quy mô lớn mang mật danh Varsity.

Chiến dịch Varsity dự kiến huy động ba sư đoàn lính dù, trong số này chỉ có Sư đoàn 6 của Anh là có kinh nghiệm chiến đấu. Đến khi triển khai, quân Đồng minh chỉ có đủ máy bay để vận chuyển hai sư đoàn. Do đó, chỉ có Sư đoàn 6 Anh và Sư đoàn 17 Mỹ tham chiến.

Mục tiêu chính của chiến dịch Varsity là chia cắt tuyến phòng thủ phát xít Đức quanh thành phố Wesel, phía bắc bang Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức ngày nay. Các lính dù sau đó sẽ chiếm một số cứ điểm then chốt dọc sông Rhine, hỗ trợ chiến dịch tấn công của Quân đoàn 2 Anh.

Sau khi chiếm được mục tiêu then chốt sau phòng tuyến Đức, lực lượng đổ bộ sẽ phải cố thủ trước các đợt phản công của đối phương cho đến khi quân chủ lực vượt sông.

17.000 lính dù Đồng minh đổ bộ nước Đức: Cái giá phải trả là 2.500 thương vong - Ảnh 1.

Vận tải cơ và tàu lượn chở quân Đông minh trước giờ xuất phát. Ảnh: War History.

Ngày 24/3/1945, 1.600 vận tải cơ chở 17.000 lính dù đồng loạt xuất kích, mở màn chiến dịch Varsity. Lực lượng tham gia đông đến mức đội hình máy bay cần hơn hai tiếng rưỡi mới vượt qua được một khu vực nhất định. Quân Mỹ đổ bộ ở khu vực tách biệt với liên quân Anh - Canada để thực hiện nhiệm vụ riêng.

Lực lượng đổ bộ đối mặt với nhiều khó khăn dù quân Đức lúc này đã suy yếu. Nhóm đầu tiên tiếp đất lúc 10h, ngay lập tức vấp phải hỏa lực từ bộ binh và pháo phòng không đối phương.

Khu vực nhảy dù của quân Mỹ bị sương mù bao phủ, một số binh sĩ tiếp đất lệch vị trí dự kiến, trong đó có trung đoàn dưới quyền chỉ huy của đại tá Edson Raff. Sau khi nhảy dù, họ tập hợp và di chuyển hơn ba km đến địa điểm tập kết theo kế hoạch.

Trên đường đi, Raff và đồng đội phải tiêu diệt các ụ súng máy và cứ điểm phòng ngự của phát xít Đức. Một nhóm lính khác dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Paul Smith cũng phá hủy nhiều trận địa phòng không đối phương.

Tiểu đoàn 2 và 3 thuộc Trung đoàn 507 của Mỹ tìm cách chiếm, bảo vệ khu vực Diersfordter và một lâu đài. Họ diệt hai xe tăng và chiếm lâu đài lúc 15h, bắt sống 300 lính Đức. Quân Mỹ hoàn thành hầu hết các mục tiêu trong kế hoạch, phá hủy một số cứ điểm Đức và bắt 1.000 tù binh.

Lữ đoàn dù số 5 dưới sự chỉ huy của chuẩn tướng Nigel Poett là đơn vị tham gia trận giao tranh ác liệt nhất trong ngày. Họ gặp khó khăn khi hội quân do tầm nhìn kém và hỏa lực đối phương. Tuy nhiên, Lữ đoàn dù số 7 đã kịp thời đến nơi hỗ trợ bảo vệ khu vực tiếp đất.

Hai lữ đoàn sau đó di chuyển về Schnappenberg để hội quân với các đơn vị khác của Anh - Canada, chiếm được ba cây cầu bắc qua sông Issel. Họ cũng phối hợp với Trung đoàn Bộ binh dù số 513 Mỹ để chiếm làng Hamminkeln gần đó.

17.000 lính dù Đồng minh đổ bộ nước Đức: Cái giá phải trả là 2.500 thương vong - Ảnh 2.

Bản đồ các khu vực đổ bộ của quân Đồng minh trong chiến dịch Varsity. Ảnh: Wikipedia.

Lực lượng đổ bộ Đồng minh trụ vững trước một số đợt phản công của Đức cho đến nửa đêm, thời điểm bộ binh chủ lực vượt qua sông Rhine để tới chi viện. Đến ngày 27/3, tổng cộng 12 cây cầu cho lực lượng thiết giáp hạng nặng đã được bắc qua sông Rhine, quân Đồng minh có 14 sư đoàn tiến sâu khoảng 16 km vào lãnh thổ đối phương.

Đây được đánh giá là chiến dịch thành công khi mọi mục tiêu đều nhanh chóng được hoàn tất, quân Đồng minh bắt được 3.500-4000 tù binh Đức. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng rất lớn khi có khoảng 2.500 binh sĩ thương vong, chủ yếu là trong khi nhảy dù và tiếp đất.

Chiến dịch Varsity bẻ gãy sự kháng cự ở hậu phương Đức, cũng là cuộc đổ bộ đường không quy mô lớn cuối cùng của quân Đồng minh ở châu Âu. Đến tháng 4/1945, quân Đồng minh đã áp sát Berlin từ mọi phía, trước khi chính phủ Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện ngày 7/5/1945.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem