Xuất khẩu gạo sang EU tăng gần gấp đôi nhờ EVFTA

04/08/2022 06:56 GMT+7
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt Nam. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường EU với kim ngạch thu về gần 37 triệu USD, tăng tới 84% về lượng và 96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt Nam. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường EU với kim ngạch thu về gần 37 triệu USD, tăng tới 84% về lượng và 96% so với cùng kỳ năm ngoái.

EVFTA giúp gạo Việt cạnh tranh sòng phẳng ở Châu Âu

Nhờ tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường EU, kim ngạch thu về gần 37 triệu USD, tăng mạnh 84% về lượng và 96% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chiếm gần một nửa là các loại gạo thơm (ST25, ST24, ST20, Đài Thơm 8, Jasmine...), còn lại là gạo trắng, gạo giống Nhật, gạo lứt, gạo hữu cơ...

Thị hiếu tiêu dùng tại EU chủ yếu là các loại gạo có giá trị và chất lượng cao nên giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam sang thị trường này lên tới 729 USD/tấn, cao hơn mức trung bình 489 USD/tấn của cả nước.

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 10,2% trong 6 tháng đầu năm, thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 6%. 

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gần gấp đôi nhờ EVFTA - Ảnh 1.

Tổng hợp: Hoàng Hiệp

Về thị trường, Italy bất ngờ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại EU với 19.691 tấn, trị giá hơn 14 triệu USD, tăng tới 5,4 lần về lượng và tăng 5,6 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm 39,2% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Italy hiện đang phải trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến cho mùa màng bị thiệt hại.

Những thị trường lớn tiếp theo nhập khẩu gạo của Việt Nam tại EU là Đức đạt 9.326 tấn, tăng 57,6%; Hà Lan đạt 6.361 tấn, tăng 19,2%; đặc biệt Thụy Điển đạt 3.693 tấn, tăng 201%.

Hiệp định EVFTA được cho là nguyên nhân chính cho đà tăng trưởng xuất khẩu gạo sang thị trường EU. Theo các cơ quan quản lý, gạo luôn nằm trong số các ngành hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O EVFTA cao nhất với tỷ lệ 100% trong năm 2021.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, gạo Việt xuất sang EU chịu thuế nhập khẩu khá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan, nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước kém phát triển được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch như Lào, Campuchia, Myanmar.

Do vậy, EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với gạo của các quốc gia khác khi xuất khẩu vào EU, đặc biệt là đối với các dòng gạo đặc sản có giá trị cao.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chinh phục thị trường này bằng cách tạo thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, cho gạo Việt khi bước chân vào thị trường EU.

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gần gấp đôi nhờ EVFTA - Ảnh 2.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tại EU theo khối lượng. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Xuất khẩu gạo sang EU dự kiến tiếp tục tăng mạnh

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU được cho là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay nhờ lực đẩy từ Hiệp định EVFTA và nhu cầu của thị trường đang tăng lên. Các chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu gạo sang thị trường này sẽ đạt 80.000 - 90.000 trong năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay. 

Hiện sản xuất gạo tại EU gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, đặc biệt là hạn hán tại Italy, nước sản xuất gạo chủ chốt của khu vực sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam. 

Theo S&P Global, mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo xay xát của EU trong năm 2022  xuống còn 1,35 triệu tấn, giảm 7,7% so với dự báo trước đó và giảm mạnh 21% so với năm ngoái.

Diện tích thu hoạch lúa tại EU cũng được dự báo giảm 11% so với năm ngoái, xuống 357.000 ha. Trong khi năng suất trung bình được dự báo là 5,9 tấn/ha, giảm 7,4% so với dự báo trước và giảm 9,8% so với năm 2021.

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gần gấp đôi nhờ EVFTA - Ảnh 3.

Sản lượng gạo của EU trong năm 2022 theo dự báo của USDA. (Nguồn: S&P Global/USDA)

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng đang đe doạ sản xuất nông nghiệp ở phần lớn khu vực Tây Âu, đặc biệt là tại Tây Ban Nha và phần nào là Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Theo ước tính mới nhất từ Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Tây Ban Nha, diện tích trồng lúa gạo của nước này trong năm 2022  chỉ vào khoảng 52.600 ha, giảm tới 39% so với năm ngoái và giảm 48% so với năm 2020.

Trong khi đó, tại Italy, quốc gia chiếm 50% tổng sản lượng lúa gạo của EU, hạn hán kết hợp với xu hướng chuyển sang các cây trồng có lợi hơn như đậu nành và ngô có thể làm giảm tổng sản lượng gạo tại EU.

Cơ quan Quốc gia về Lúa gạo Italy ước tính tổng diện tích trồng lúa năm 2022 của Italy là 218.100 ha, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến lo ngại sản lượng sụt giảm sẽ lớn hơn nhiều bởi tác động của đợt hạn hán lịch sử. Một số nhận định cho rằng sản lượng có thể giảm từ 20 - 30% và thậm chí sẽ tồi tệ hơn nếu lượng mưa không đến sớm hơn.

S&P Global cho biết, nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá bán gạo Indica 5% tấm tại Italy lên mức 990 Eur/tấn vào ngày 29/7, tăng mạnh 74% so với 570  Eur/tấn của một năm trước.

Còn theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat), trong 4 tháng đầu năm 2022, EU đã nhập khẩu 2,79 triệu tấn gạo, trị giá 2,08 tỷ Euro, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 26,4% về lượng và tăng 31,4% về trị giá.

Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo vào EU, tăng 4 bậc so với vị trí thứ 10 của năm 2021, đạt 70.655 tấn, tăng mạnh 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị phần gạo của Việt Nam tại EU tăng lên mức 2,5% so với 1,4% của cùng kỳ.

Số liệu thống kê của EU bao gồm một số lô hàng đã rời cảng Việt Nam từ quý IV năm ngoái nhưng do quá trình vận chuyển dài ngày, tắc nghẽn cảng biển nên cập cảng châu Âu trong những tháng đầu năm nay.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Cùng chuyên mục