CEO Phan Minh Thông - người buôn tiêu, cà phê “xuyên” quốc gia: Bán hàng tử tế phải chấp nhận hi sinh

Minh Huệ Thứ ba, ngày 27/09/2022 06:30 AM (GMT+7)
“Khách hàng châu Âu, châu Mỹ yêu cầu rất cao về chất lượng, để đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải nỗ lực rất nhiều. Thực sự ai cũng muốn làm hàng tử tế, nhưng làm thế nào để thuyết phục khách hàng trả giá cao khi ta làm tử tế, nếu không sẽ bị lỗ?”.
Bình luận 0

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, người được mệnh danh là "vua tiêu" chia sẻ với PV Dân Việt xung quanh chuyện xây dựng thương hiệu nông sản và giữ chữ tín khi làm ăn với các đối tác nước ngoài.

CEO Phan Minh Thông - người buôn tiêu, cà phê “xuyên” quốc gia: Bán hàng tử tế phải chấp nhận hi sinh - Ảnh 1.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp nằm trong top 1 về xuất khẩu hạt tiêu và là 1 trong 3 nhà rang xay cà phê lớn nhất Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê, hạt tiêu đi 102 quốc gia, thu về hơn 5.000 tỷ đồng

Thời điểm này, Công ty cổ phần Phúc Sinh không phải là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu, cà phê nhiều nhất Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn quen gọi ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh là "vua tiêu". Bởi ông là người đã góp phần đưa thương hiệu hạt tiêu, cà phê Việt Nam lên bản đồ nông sản thế giới.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Thông cho biết, năm 2021, Công ty CP Phúc Sinh đã xuất khẩu hàng nông sản tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sản lượng khoảng 100.000 tấn. Các mặt hàng chủ lực của Phúc Sinh là cà phê, hạt tiêu, quế, hoa hồi, ớt, hạt điều… Tổng giá trị kim ngạch năm 2021 đạt 220 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng.

Đáng nói, năm 2021 là năm cả thế giới gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng – tiêu thụ bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, bị "đóng băng" hàng tháng trời. Ấy vậy mà ông Thông vẫn tìm được những cánh cửa hẹp để xuất khẩu hàng nông sản đi khắp nơi.

Không biết có phải ông Thông nhạy cảm, đi trước thời cuộc hay không mà năm 2017 thành lập Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh, năm 2020 vừa ra mắt app Kphucsinh để phục vụ thị trường nội địa, thì dịch Covid-19 ập đến. Các chợ truyền thống, cửa hàng phải đóng cửa hàng loạt, nhưng chợ online thì vẫn hoạt động trơn tru, người ta vào Kphucsinh đặt hàng nhiều hơn bao giờ hết. 

Vì vậy mà nhân viên Phúc Sinh không phải nghỉ việc ngày nào, thậm chí tiền thưởng cuối năm còn tăng lên.

CEO Phan Minh Thông - người buôn tiêu, cà phê “xuyên” quốc gia: Bán hàng tử tế phải chấp nhận hi sinh - Ảnh 2.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Phúc Sinh là cà phê, hạt tiêu, quế, hoa hồi, ớt, hạt điều… Tổng giá trị kim ngạch năm 2021 đạt 220 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng.

Ông Phan Minh Thông vui mừng cho biết, trong nửa đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu nông sản của Phúc Sinh đạt 150 triệu USD, tăng 40 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh thu của Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh tại thị trường nội địa cũng liên tục tăng trưởng.

Làm thế nào để hàng nông sản của Phúc Sinh có thể xuất khẩu tới 102 thị trường trên thế giới, chinh phục được những khách hàng khó tính nhất? 

Trả lời câu hỏi này của PV Dân Việt, ông Thông cho hay: "Khi làm ăn với nước ngoài, nhất là khách hàng châu Âu, châu Mỹ, uy tín là quan trọng nhất. Phải giữ lời hứa, kể cả làm nhiều hay làm ít cũng luôn phải giữ chữ tín với khách hàng. Chúng tôi không chỉ giữ cam kết về chất lượng, số lượng hàng hoá mà còn ở các khâu thanh toán, giao hàng…".

Trải qua hơn 20 năm chinh chiến ở thị trường quốc tế, CEO Phúc Sinh cho rằng, khó khăn lớn nhất khi làm việc với khách hàng nước ngoài là bất đồng về văn hoá. Người Việt Nam mình hay nói tôi sẽ giao hàng, nhưng người nước ngoài thì phải rõ ràng là ngày nào, tháng nào, năm nào? 

"Sốc nhất là khi chúng tôi làm việc với người Đức, với họ, ngày giao hàng là 30/9, và ngày 1/10 là cách nhau cả 1 con sông lớn. Nhưng với người Việt Nam, nó chỉ là 1 ngày thôi, bởi nhiều người vẫn có suy nghĩ "cao su", kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, họ yêu cầu rất cao về chất lượng. Để đáp ứng, doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều, từ việc thuyết phục người nông dân trồng cà phê, hồ tiêu theo tiêu chuẩn, đến chăm sóc, thu hoạch đều phải đáp ứng các tiêu chí, truy xuất nguồn gốc rõ ràng..." - ông Thông kể.

CEO Phan Minh Thông - người buôn tiêu, cà phê “xuyên” quốc gia: Bán hàng tử tế phải chấp nhận hi sinh - Ảnh 4.

Dây chuyền chế biến cà phê tại Nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La.

Khi phóng viên nêu lại câu chuyện "rau chợ dán nhãn VietGAP vào siêu thị" xảy ra mới đây, ông Thông thẳng thắn nói: "Thực sự ai cũng muốn làm tử tế. Nhưng làm tử tế thường phải hi sinh rất nhiều, đôi khi làm tử tế lại không đủ nuôi sống người ta. Có rất nhiều người làm tử tế, nhưng không bán được giá tương xứng với cách làm tử tế. Vậy thì làm thế nào để chúng ta bán được giá cao khi chúng ta làm ăn tử tế?".

Ông Thông khẳng định: "An toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững là 2 vấn đề sống còn mà Phúc Sinh phải tuân thủ ngay từ khi muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu". 

Theo đó, từ khâu nhập hàng nguyên liệu đã phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe của họ. Hiện nay Phúc Sinh đang có các vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu đạt chuẩn quốc tế ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sơn La… Trong đó, Phúc Sinh liên kết sản xuất cùng nông dân, trả lương cho các leader, tập huấn hỗ trợ bà con từ đất đai, nguồn nước, kỹ thuật, và cam kết mua hàng của bà con với giá cao hơn thị trường.

"Phải thuyết phục khách hàng bỏ tiền ra mua bằng nhiều cách, sự kiên trì, nhưng đồng thời phía doanh nghiệp cũng phải mua nguyên liệu với giá tốt để người nông dân có động lực duy trì, theo đuổi cách làm tử tế" - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh chia sẻ. 

CEO Phan Minh Thông - người buôn tiêu, cà phê “xuyên” quốc gia: Bán hàng tử tế phải chấp nhận hi sinh - Ảnh 5.

Sản phẩm cà phê Blue Sơn La chủ yếu được xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Chia sẻ kinh nghiệm khi buôn bán hàng nông sản "xuyên" quốc gia, ông Phan Minh Thông nhắc đi nhắc lại 2 vấn đề: Chất lượng và phát triển bền vững. Đó cũng là con đường mà Phúc Sinh đã và dang đi. Phát triển bền vững phải được coi là quan trọng số 1 nếu muốn kiếm tiền trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển bền vững còn vì sức khoẻ của người tiêu dùng. Muốn tồn tại, bắt buộc phải theo đuổi con đường đó.

"Phúc Sinh luôn muốn xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam, hạt tiêu Việt Nam, vì vậy 100% lô hàng xuất khẩu của Phúc Sinh đều được dán nhãn Phúc Sinh, với xuất xứ "Made in Vietnam". Chúng tôi vẫn làm hàng thô, nhưng mọi sản phẩm đều được mang tên Phúc Sinh" - ông Thông tự hào nói.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem