TT-Huế: Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại năm 2023

18/04/2023 11:47 GMT+7
Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 nhằm phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn.

TT-Huế: Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại trong năm 2023  - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: M.H.

Theo đó, trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu có thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP của các địa phương được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển từ 2-3 điểm du lịch/dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. 

Thừa Thiên Huế cũng đặt mục tiêu hình thành 1 đến 2 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản cấp tỉnh; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...  Tỉnh sẽ tham gia 2 hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay địa phương đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được chứng nhận là các sản phẩm đặc sản, lợi thế từ cộng đồng làng xã địa phương, có chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín đã bắt đầu vươn ra tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài...


An Sơn
Cùng chuyên mục