Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

09/03/2022 11:23 GMT+7
Giá hàng loạt hàng hóa từ dầu, nickel cho đến lúa mỳ trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine.

Giá hàng hoá toàn cầu liên tục lên những đỉnh mới, thậm chí không ít trường hợp tăng vài chục %. Điều này làm gia tăng áp lực lên thị trường vốn đã gặp không ít sóng gió trong suốt thời gian qua, đồng thời là nguồn cơn cho tâm lý lo ngại về một tương lai đình trệ và lạm phát song hành.

Cơn “địa chấn” gây ra bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Ukraine và Nga lên tầng mới hôm 7/3 khi Mỹ cân nhắc ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga - và đã thông báo chính thức ngày hôm sau. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó cảnh báo về những hệ quả kinh tế "hết sức nghiêm trọng” từ cuộc xung đột này, cụ thể là từ những biện pháp cấm vận có liên quan tới Moscow.

Đà tăng giá mạnh các loại hàng hóa từ dầu thô, lúa mỳ cho tới khí tự nhiên và nickel đang đe dọa tới đà phục hồi kinh tế, vốn đang rất mỏng manh sau đại dịch, làm gia tăng áp lực lạm phát tại các quốc gia thậm dụng nhiên liệu và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống của hàng triệu con người.

Dưới đây là một số những diễn biến đáng chú ý nhất và tác động của chúng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Dầu

Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu qua các giai đoạn.

Giá hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 18% lên mốc gần 140 USD/thùng khi các nhà giao dịch cho rằng khả năng Mỹ sẽ có những biện pháp cứng rắn liên quan tới việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là rất lớn.

Nga là nước xuất khẩu tới 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 5% tổng lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tung ra thị trường tới 3 triệu thùng các sản phẩm từ dầu mỏ - ví dụ như dầu diesel. Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs ước tính với mỗi 20 USD mức tăng giá dầu, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Âu sẽ mất đi 0,6 điểm phần trăm, và 0,3 điểm phần trăm đối với Mỹ và Trung Quốc.

Nickel

Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu - Ảnh 2.

Diễn biến giá nickel qua các giai đoạn.

Giá nickel tăng tới 90% trong bối cảnh nhiều người lo ngại về khả năng cung ứng mặt hàng này từ các nhà cung cấp Nga và đây được coi là mức tăng giá mạnh nhất từng được ghi nhận trên Sàn Giao dịch Kim loại châu Âu.

Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu nickel lớn nhất thế giới, và tâm lý lo ngại về các lệnh trừng phạt hoặc những khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa đã khiến cho thị trường liên tục dậy sóng. Hơn 70% nguồn cung Nickel toàn cầu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Đây là kim loại được sử dụng trong pin của các phương tiện chạy điện - xu hướng giao thông mới trên thị trường trong vài năm trở lại đây.

Khí tự nhiên

Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu - Ảnh 3.

Diễn biến giá khí đốt những tháng gần đây.

Giá khí đốt đáo hạn sớm Hà Lan, chỉ số đo lường giá khí đốt quan trọng tại châu Âu, có thời điểm tăng tới 79%, và đang dao động quanh 139 euro/MWh, biến động cao nhất trong một ngày. Riêng mức chênh lệch này đã tương đương với mức giá của mặt hàng này vài ngày trước đó.

Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu, và bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể tác động xấu tới nền kinh tế của châu lục này và kéo dài cuộc khủng hoảng năng lượng tới mùa đông tiếp theo.

Khí đốt thường được sử dụng để sưởi ấm và sản xuất điện. Việc cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống vẫn được duy trì ổn định, với việc Gazprom liên tục trấn an dư luận rằng dòng luân chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các giao dịch viên lại tỏ ra khó lo lắng về một sự cố tiềm tàng có thể xảy ra.

Lúa mỳ

Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu - Ảnh 4.

Diễn biến giá hợp đồng tương lai lúa mỳ qua các năm.

Giá lúa mỳ cũng không nằm ngoài đà tăng giá hàng hoá nói chung. Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến cho nguồn cung mặt hàng này bị gián đoạn. Nga và Ukraine chiếm tới 25% tổng kim ngạch thương mại lúa mỳ của toàn thế giới. Giá hợp đồng lúa mỳ tương lại tại Chicago tăng trần trong 6 phiên liên tiếp, 7%/phiên, lên 12,94USD/giạ. Điều này nối tiếp đà tăng tới 41% chỉ tính trong tuần trước, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong vòng 6 thập kỷ qua, khiến giá lúa mỳ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hợp đồng mua bán lúa mỳ tại thị trường Paris lên cao nhất trong lịch sử, sau khi tăng tới 11%.

Xăng

Sự tăng giá 'điên cuồng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu - Ảnh 5.

Diễn biến giá xăng tương lai trên sàn Nymex.

Giá xăng tăng cao đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ. Giá xăng không chì trung bình tại Mỹ đang ở ngưỡng 4,065 USD/gallon, theo AAA và thấp hơn mức đỉnh khoảng 0,05 USD.

Với việc giá hợp đồng tương lai Nymex đã tăng cao kỷ lục hôm 7/3, giá bán lẻ xăng dầu được dự báo sẽ luôn duy trì ở mức cao khi các nhà sản xuất xăng dầu đang chạy đua chuẩn bị cho một mùa hè với lưu lượng phương tiện di chuyển lớn sắp tới. Việc Mỹ xả khoảng 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược dường như không thể hạ nhiệt thị trường.

Trọng Đại
Cùng chuyên mục