RƯNG RƯNG TẾT VIỆT NƠI XA XỨ

Tết là dịp để trở về, đoàn tụ, nhưng do dịch bệnh Covid-19, các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, nhiều người Việt ở nước ngoài năm nay không thể về Việt Nam đón Tết Nguyên đán, sum vầy cùng gia đình, người thân và bạn bè. Với những người xa xứ, Tết là khoảng thời gian nỗi nhớ quê trĩu nặng và da diết nhất...

Bạn đọc, CTV Dân Việt ở nhiều nước trên thế giới đã chia sẻ những cảm xúc khó quên khi đón Tết xa quê hương Việt Nam.

Tết Việt ở Canada, lá chuối thay lá dong (Anh Nguyễn Thanh Trà, định cư ở Toronto)

Năm nay lần là lần đầu tiên gia đình tôi ăn tết ở Canada, cảm giác rất nhớ Việt Nam khi nhìn những dòng chia sẻ của anh em bạn bè trên mạng xã hội về không khí Tết ở quê nhà. Hiện nay nhờ sự phát triển của công nghệ nên người Việt xa xứ rất dễ dàng tiếp nhận các thông tin từ quê nhà qua tivi, báo chí và các kênh online khác.

Do dịch Covid không về Việt Nam được vào dịp Tết nhưng ở bên này gia đình tôi vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền như bình thường. Bánh chưng là món không thể thiếu vào dịp Tết. Vài hôm nay gia đình đã triển khai chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, vẫn là nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ chuẩn công thức Việt Nam. Ở bên này có lá dong và lá chuối từ Việt Nam xuất sang, nhưng lá dong ít và khó mua hơn nên gia đình dùng lá chuối từ để gói bánh.

Ngoài bánh chưng vào dịp Tết gia đình tôi vẫn chuẩn bị các món ăn truyền thống Việt Nam khác như giò, hành muối, kiệu muối, nem cuốn,… để ăn vào dịp Tết. Các loại mứt gừng, mứt dừa cũng được sử dụng trong dịp này.

img
img
img
img
img
img
img

Do các quy đình phòng dịch nên việc giao lưu giữa các gia đình ở bên này vào những ngày Tết bị hạn chế. Tuy nhiên nội bộ gia đình kế hoạch đón Tết cổ truyền vẫn như mọi năm, dù có lệch múi giờ nhưng vào ngày cuối cùng của năm cũ cả gia đình sẽ tổ chức ăn bữa cơm tất niên, mở tivi xem chương trình gặp nhau cuối năm.

Bên cạnh đó không thể thiếu các cuộc gọi điện cho người thân ở Việt Nam để chúc tết và cảm nhận không khí rộn ràng ngày tết quê hương.

Nhân dịp này xin chúc toàn thể mọi người thật nhiều sức khỏe, năm mới an khang thịnh vượng. Chúc Việt Nam nhanh chóng chiến thắng đại dịch. 

Đón Tết tại Sydney, Australia (Chị Bảo Khánh- nhà phân tích tội phạm tài chính - Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia)

Tết Nhâm Dần 2022 năm nay đến sớm hơn mọi năm, mùng 1 Tết sẽ rơi vào thứ 3 đầu tuần nên vẫn là một ngày làm việc bình thường tại Úc. Đây là năm thứ 8 mình sống tại Úc, gia đình nhỏ đã cùng đón Tết vào cuối tuần, ăn những món Việt Nam và cũng hạn chế ra ngoài do Sydney đang có đến hơn 60 ngàn ca nhiễm bệnh, số người mất vì covid cũng đang tăng lên. 

Tại Sydney cộng đồng người Việt có khoảng 73,000 người vào năm 2006 theo cục điều tra dân số , chủ yếu tập trung ở các khu vực như Bankstown hay Cabbarmatta. Mình hiện đang sống tại Marrickville là một khu " mix" ( pha trộn) người gốc Việt Nam, Hy Lạp là nhiều nhất và người Úc bản địa. Marrickville cũng là một khu vực sầm uất và đáng sống nhất trên thế giới được tạp chí Time Out bình chọn.

img
img
img

Tết vẫn là ngày làm việc bình thường ở Úc. Vợ chồng chị Bảo Khánh ở phố Tàu. Ảnh NVCC

Tại Sydney không khí Tết tại các khu trung tâm như nhà hát Opera House, khu phố Tàu không sầm uất được như Tết ở Việt Nam tuy nhiên những người gốc Việt tại thành phố vẫn chuẩn bị mâm cúng truyền thống với bánh chưng, giò chả, làm lễ cúng truyền thống và đi chùa theo những phong tục tập quán thân thuộc giống như ở Việt Nam. Món ăn truyền thống của người Việt cũng dễ dàng đặt hàng ở các nhà hàng Việt Nam hay các cá nhân làm homemade tại nhà, vô cùng tiện lợi và hương vị không khác gì như đang ở Việt Nam cả. 

Hai năm covid trở lại đây quả thực đều khó khăn với tất cả mọi người đến từ sắc tộc khác nhau trong những lễ Tết truyền thống để quây quần và trở về với gia đình, mình hi vọng năm tới tình hình dịch bệnh sẽ tiến triển tốt lên và mọi người sẽ dễ dàng được trở về nhà những dịp Tết truyền thống. Chúc tất cả mọi người một năm mới với tinh thần tích cực dù chúng ta đang ở một giai đoạn khó khăn với tất cả mọi người, nhiều điều bình an, sức khoẻ và may mắn trong năm Nhâm Dần 2022.

Ấm lòng Tết Việt ở Mỹ (Chị Phan Dịu Hiền)

Dù cho có nói với con bao nhiêu lần, rằng Tết của người Việt mình cũng như Giáng Sinh ở Mỹ ấy, là dịp sum vầy đoàn tụ, là mùa lễ hội trao tặng yêu thương, mình biết chúng cũng khó lòng cảm nhận cho hết được cái hân hoan, nôn nao như ba mẹ chúng.

Mọi năm trước khi Covid xảy ra, thuở chúng còn nhỏ, mình cho con về Việt Nam đón Tết với gia đình, chúng còn bé quá, khó mà nhớ hết được. Ấn tượng của thằng anh chỉ là một đêm nào đó bỗng được thức khuya thật là khuya, cho tới khi  lả lả đi đành xin mẹ cho đi ngủ, sau khi đã thấy bà ngoại thắp hương cúng trời đất. Thằng em thì nhớ dịp ấy được cho bao nhiêu là tờ tiền. Thế thôi.

img
img
img
img
img
img
img

Gia đình chị Phan Dịu Hiền chuẩn bị cỗ Tết truyền thống và gói bánh chưng ở Mỹ. Ảnh NVCC

Mình mở cho con xem lại video khi chúng còn bé tẹo tèo teo ấy, cả hai đứa đều tỏ ra ngạc nhiên lắm. Vì sao? Vì hồi đó chúng nói tiếng Việt sõi quá! Thằng anh mới bắt đầu đi học ở trường, thằng em thì còn bám đuôi mẹ mỗi sáng mỗi chiều, nào đã nói tiếng Anh mấy...Lúc đó, ở trường thì anh chàng nói tiếng Anh, về nhà vẫn đối đáp với ba mẹ và thằng em bằng tiếng Việt. Nhưng từ khi chuyển qua học online, hình như chúng "thèm" được nói ngôn ngữ chính của chúng nhiều hơn (vì cơ hội được nói với các bạn bè và thầy cô giáo ở trường là quá ít ỏi), nên chúng quay ra nói tiếng Anh với nhau (cho đỡ thèm, đỡ nhớ), rồi nói với cả ba mẹ. Chúng quên dần phản xạ nói tiếng Việt ở nhà, dù nghe vẫn hiểu.

Nên mình bày ra trò vui cho chúng nó tham gia, đó là hai đứa đóng giả mô phỏng lại như video hồi xưa chúng còn bé. Chúng làm được không? Lắp bắp học "kịch bản'' và diễn tới lui cả chục lần cũng chưa nhuần nhuyễn. Phần thưởng sẽ là gì? Là kết thúc video mẹ sẽ cho "nổ pháo" (làm vỡ những túi phồng đầy hơi được dùng để lót đồ khi amazon vận chuyển đồ tới). May chúng vẫn còn là con trẻ, háo hức cái màn kết đó lắm, nên video mới có hơi sượng sùng, vẫn làm ba mẹ và các ông bà phương xa thấy thấy thích và ấm lòng.

Đêm 30 thì chúng ngủ tít từ sớm rồi, tới sáng hôm sau mới vận lại bộ áo dài "diễn kịch" hôm trước để thắp hương, nhận lì xì, đọc sách khai xuân, rồi nhảy tót ra ngoài sau một đêm tuyết phủ đã trắng xóa, để vui đùa. Thế là qua một cái Tết nơi xứ người!

Tết Việt xa và gần với cộng người Việt ở Ai Cập (Khải Nhi-từ Cairo)

Tết cổ truyền là nét đẹp truyền thống mà mỗi người Việt Nam dù ở đâu và làm gì cũng luôn nhớ. Bởi đó là dịp để gia đình sum vầy và cùng chúc phúc, con cháu báo hiếu ông bà, bố mẹ. Tết còn là dịp để mọi người cùng vui ngắm đào mai hay quây quần gói bánh chưng. Nhưng với bà con người Việt Nam tại Ai Cập thật xa và cũng rất gần.

           Xa bởi về địa lý Ai Cập cách Việt Nam hơn 8000km và lệch 5 giờ đồng hộ. Xa bởi văn hóa ở đây cũng có nhiều khác biệt. Người Ai Cập đa số là người Hồi giáo, văn hóa Hồi giáo nên những ngày lễ tết của họ cũng khác so với Việt Nam và các nước phương Tây. Người Ai Cập chỉ đón tết vào dịp sau tháng Ramadan – Eid al Fitr- hay còn gọi là Tết sả chay và Tết Eid Al Adha  hay còn gọi là Tết cừu, Tết hiến sinh.

 Người Hồi giáo thậm chí không chú trọng đón Tết năm mới theo lịch dương vì họ sử dụng Hồi lịch. Chính vì thế người Việt Nam ở Ai Cập đón Tết cổ truyền theo cách riêng của mình trong không khí xã hội nước sở tại khá yên bình và tĩnh lặng. Vì thế, không khí Tết cổ truyền chỉ có được từ mỗi gia đình người Việt ở đây hay các nhóm gia đình trong cộng đồng hoặc quây quần vào một ngày tại đại sứ quán. Tết cổ truyền xa với bà con ở Ai Cập bởi cộng đồng người Việt thưa thớt chỉ có khoảng gần 30 gia đình, chủ yếu là cán bộ ngoại giao, cơ quan đại diện, lại sống dải rác ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ai Cập. Tết còn xa bởi thiếu thốn nhiều thứ như gạo nếp, đỗ xanh hay là dong, thậm chí cả thịt lợn.

           Nhưng Tết cổ truyền lại rất gần bởi trong hoàn cảnh và điều kiện khó khăn ở Ai Cập như vậy, mỗi gia đình và cộng động lại có cách riêng để Tết trở nên ấm áp hơn. Những ngày tết cổ truyền, hầu như nhà nào cũng sẽ làm một mâm cỗ tất niên theo cách riêng để chông con và bản thân nhớ về quê hương, ông bà tổ tiên và ôn lại truyền thống văn hóa dân tộc, gọi điện chúc mừng năm mới ông bà, bố mẹ và người thân. 

img
img
img

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập gói bánh chưng tặng cộng đồng. Chị Thúy- Việt kiều tại Ai Cập vui mừng nhận được bánh chưng do Ảnh Khải Nhi

Một số gia đình sẽ cố gắng gói cho được vài cái bánh chưng bằng là chuối để thấy Tết ở một nơi xa nhưng rất gần và để thấy được hạnh phúc bên người thân sau một năm sóng gió. Trong bổi cảnh dịch covid-19 bùng phát, để đảm bảo an toàn cho bà con, Đại sứ quán sẽ tổ chức gói bánh chưng để sau đó gửi tặng tới bà con kèm theo Thư chúc Tết của Đại sứ. Món quà tuy nhỏ nhưng thực sự rất ysy  nghĩa bởi nó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cơ quan đại diện với bà con cộng đồng mà giúp bà con thêm gắn bó, đoàn kết và không quên quê hương, cội nguồn.

 Điều đặc biệt hơn là bánh chưng do chính anh chị em trong Đại sứ quán gói, lá dong, gạo nếp, đỗ xanh được gửi từ Việt Nam sang, còn nhân bánh làm bằng thịt bò bởi đa phần bà con trong cộng đồng là người Hồi giáo hoặc lấy chồng là người Hồi giáo. Tết cổ truyền thực sự thiêng liêng và ấm áp nhất khi bà con và cả cộng đồng cùng quây quần bên ngôi nhà chung tại Đại sứ quán trong đêm 30. Trong không khí đó, ai nấy như đang ở nhà, một cảm giác thực sự khó tả và một trên khóe mắt ai đó cũng rưng rưng trong nụ cười hạnh phúc. Tết Việt xa lắm nhưng cũng gần lắm. Trong những giây phút đó mới thấy tình người Việt khi xa quê trong những ngày Tết trân qúy biết nhường nào và hạnh phúc biết bao.

Tết ở xứ người mùa Covid (Lam Huệ từ Sydney)

Tết rơi đúng vào thời điểm giữa Hè tại Úc, không có đào, mai tung cánh khoe sắc chỉ có nắng nóng khô khan nhưng cũng không làm khung cảnh chợ Tết của cộng đồng người Việt thiếu sắc màu. Đi đâu cũng thấy rực rỡ sắc hoa, những gói quà Tết đủ màu và những món ăn ngày Tết bày bán la liệt.

Có điều khi dịch Covid vẫn leo thang trên toàn nước Úc thì Tết năm nay có phần khác biệt nhiều. Tết này cộng đồng người Việt ở Úc không còn nỗi lo phong toả, không được sum họp cùng gia đình, người thân hay đi chúc Tết bạn bè. Chính phủ chỉ gửi gắm một thông điệp nhắc mọi người đón Năm Mới an toàn, khuyến khích gặp gỡ ngoài trời, mang khẩu trang hay nhớ để cửa mở thông thoáng khi tụ họp.

Những chuyến bay đưa kiều bào về quê hương đón Tết cũng được mở thường xuyên hơn nhưng đa số vẫn chọn ở Úc đón Năm Mới.

"Mười mấy năm ở Úc thường đến Tết, Quyên về Việt Nam hết, chỉ riêng đợt này vì Covid thì Quyên mới ở lại Úc ăn Tết, " Quyên chia sẻ.

Lấy chồng người Úc và có hai con nhỏ, Tết đối với Quyên hết sức quan trọng. Dù không về đoàn viên với gia đình được, Quyên vẫn cố gắng chuẩn bị Tết ở Úc thật giống với Việt Nam. Cô cùng gia đình tự tay làm mứt Tết, gói bánh chưng và trang hoàng nhà cửa đón Tết. Đặc biệt Quyên luôn cùng các con đi chọn mua hoa Tết.

"Nếu không ra được khu vực người Việt thì cũng cố gắng mua những loại hoa Tết như hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa thược dược mà ở Việt Nam Quyên vẫn hay mua, " Quyên nói.

Không phải gia đình nào cũng tự tay làm các món ăn Tết như Quyên, việc chuẩn bị đơn giản hơn nhiều. Thông thường mọi người hay đặt một số món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mua gà ta, cắm hoa và bày mâm ngũ quả.

Thế nhưng dù đã đón cả chục cái Tết ở đây thì với anh Tuấn, Tết Úc vẫn khác Tết Việt Nam rất xa.

Rưng rưng Tết Việt nơi xa xứ - Ảnh 5.

Quyên cho hai con mặc áo dài truyền thống đi chợ hoa ngày Tết.

"Ở Việt Nam có nhiều họ hàng nội ngoại và có nhiều không khí Tết hơn nên cũng chuẩn bị nhiều hơn để đón tiếp bạn bè người thân qua chúc Tết cũng như đi thăm hỏi và chúc Tết mọi người," anh nói.

Với Hương cũng vậy. Dù muốn tránh mùa cao điểm, ngại về mùa Tết sẽ bận rộn, không được nghỉ ngơi thì Tết ở Úc vẫn không hẳn là Tết: " Rất tiếc là mình chẳng có cảm xúc gì về Tết ở Úc cả. Tết gì mà 40 độ nắng vỡ đầu, cây cối thì không phải mùa xuân mà là mùa hè nên chục năm rồi dịp Tết thấy nó vẫn kỳ khôi."

Đúng giữa lúc đỉnh dịch Omicorn, do nhà có người dễ bị nhiễm Covid nên Hương phải hạn chế đi lại, tụ tập hay gặp gỡ mọi người nên Tết này lại càng ảm đạm. 

"Không khí Tết giống như là một chuỗi ngày lockdown kéo dài 2 năm vậy đó," Hương chia sẻ.

Tuy không khí Tết có khác thì duy trì truyền thống và giữ Tết cho các thế hệ sau lại là một nhiệm vụ hết sức quan trọng với nhiều gia đình.

Anh Tuấn luôn đưa các con và gia đình đi chơi các hội chợ Tết do cộng đồng người Việt tổ chức để các con nhớ được phần nào không khí Tết. Đặc biệt  gia đình anh luôn gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà nội, ngoại và họ hàng để các con nhớ Tết truyền thống cũng là dịp để mọi người trong gia đình dành thời gian thăm hỏi nhau.

Các bạn nhỏ nhà Quyên thì được nghe nhạc Tết và nói chuyện Tết từ những ngày đầu của tháng Chạp, được giải thích ngày Tết phải làm gì để cả năm mới nhiều may mắn.

"Quyên có mua cuốn sách song ngữ để các bạn đọc để hiểu thêm và qua những bài hát. Cứ đến Tết là các bạn sẽ hát những bài hát đó, sẽ đọc những bài thơ đó để hiểu thêm về Tết."

Qua việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị Tết, Quyên dạy cho những cô bé cậu bé có hai dòng máu Việt-Úc về truyền thống ngày Tết của mình. Và dù bà nội là người Úc thì Mùng Một Tết cả nhà cũng luôn qua nhà bà chúc Tết để được nhận lì xì. 

Hồng Anh-Lam Huệ-Khải Nhi


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem