Đợt nắng nóng 39-40 độ lại bắt đầu trên diện rộng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cách bảo vệ làn da trong thời tiết khốc kiệt.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh – Phó trưởng khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong thời tiết nắng nóng, bôi kem chống nắng là việc quan trọng để bảo vệ làn da.
Theo bác sĩ Linh, kem chống nắng có tác dụng chống lại các tia UV. Trong ánh nắng có 2 loại là UV A và UV B. Mùa hè là mùa mà cường độ UV B rất là mạnh, còn UV A thầm lặng hơn, duy trì từ sáng cho đến tối, có ánh sáng là có UV A, mùa đông cũng như mùa hè, trời mưa hay trời nắng đều có UV A, cường độ không có gì thay đổi.
"Do đó, tất cả những người muốn chăm sóc da cần thường xuyên bôi kem chống nắng quanh năm, kể cả ngày mưa.
Còn ngày nắng nóng thì UV B có cường độ cực kỳ cao. UV B gây ra những tác động tức thời trên da. Ví dụ sau khi phơi nắng về chúng ta thấy da bị đỏ, rát, nóng, sau đó vài ngày là bong tróc da hoặc da bị đen sạm đi.
Còn UV A thầm lặng, gây ra lão hóa, nếp nhăn, sự đứt gãy colagen, tổn thương ADN và các tế bào trên da, có thể dẫn đến các việc viêm da sau này nếu như chúng ta không có cách phòng tránh tích cực. Chính vì thế, kem chống nắng cần được bôi thường xuyên, bôi quanh năm", bác sĩ Linh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Linh, trong mùa hè, mọi người cần bôi kem chống nắng nhiều hơn. Nguyên nhân là cường độ ánh sáng khốc liệt hơn, tác động mạnh đến làn da.
Trong khi đó, nhiều người bôi kem chống nắng nhưng chúng ta bôi một lượng không đầy đủ theo khuyến cáo. Ngoài ra, mùa hè mồ hôi ra nhiều, chúng ta lau mặt nhiều nên kem chống nắng gần như sẽ trôi sạch. Do đó, chúng ta cần thường xuyên bổ sung lại kem chống nắng.
Mùa đông có thể 3-4 tiếng bôi kem chống nắng lại một lần nhưng mùa hè nếu làm việc trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều nên 2 tiếng cần bôi lại kem chống nắng.
"Các bạn nên chú ý đến lượng kem bôi đủ lượng cần thiết. Nếu chỉ bôi "cưỡi ngựa xem hoa" thì hiệu quả rất kém. Đã có bệnh nhân nửa năm không dùng hết 1 tuýp kem chống nắng dù sáng chiều đều boi thì đương nhiên là lượng bôi không đủ.
Như vậy thì việc bảo vệ chỉ có "giá trị tinh thần" thôi chứ không hề có tác dụng với làn da", bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Linh, vào mùa hè có rất nhiều bệnh về da bùng phát. Do đó, chúng ta cần tăng cường giữ vệ sinh trên da.
"Mồ hôi, các chất bụi bặm ở môi trường dính trên da nhiều, khiến cho các bệnh lý nhiễm khuẩn, nhiễm nấm tăng lên. Muốn không mắc các bệnh lý về da cần giữ vệ sinh tốt cho da.
Nhất là những người làm ở môi trường ngoài trời, mồ hôi, bụi bặm nhiều lần phải thường xuyên tắm rửa, thay quần áo bẩn, đẫm mồ hôi.
Đã có nhiều bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý nấm ở các vùng khe kẽ như vùng bẹn, mông vì làm lao động ở môi trường nóng ẩm quá lâu mà không giữ vệ sinh. Khi mặc quần áo bẩn, đẫm mồ hôi lâu có thể xảy ra tình trạng nấm ở khe kẽ như bẹn, mông, kẽ chân...", bác sĩ Linh chia sẻ.
Đối với trẻ em, bác sĩ Linh cho rằng cần thường xuyên cho các em nhỏ rửa tay bằng xà phòng. Nguyên nhân là do trẻ em chơi đùa, ra mồ hôi, bị ngứa ngáy sẽ hay cào gãi, mang vi khuẩn lên da, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn da. Một trẻ bị có thể lây ra nhiều bạn chơi đùa, tiếp xúc.
Bác sĩ Linh lưu ý các trường hợp không có bệnh lý da cũng nên quan tâm đến việc giữ ẩm cho da.
"Khi mọi người đi chơi, đi tắm biển, đi bể bơi các hóa chất trong nước bể bơi có thể gây hại cho da. Mọi người có thể nhận thấy, sau 1 thời gian đi bơi, da bị sạm hay bong chóc. Đó là vì da bị kích ứng với nước bể bơi với các hóa chất sát khuẩn trong bể bơi.
Chính vì vậy sau mỗi lần bơi lội, có thể dùng kem dưỡng ẩm cho da, ít nhất mỗi ngày dùng 1 lần sẽ khiến da ẩm và đàn hồi tốt hơn, có lớp bảo vệ bên ngoài, phòng tránh được 1 số bệnh về da", bác sĩ Linh nói.
Còn với người đã có bệnh lý về da sẵn có cần chú ý hơn. Ví dụ như viêm da cơ địa cần duy trì việc bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên như mùa đông.
Với người có bệnh lý tăng nhạy cảm với ánh sáng thì chú ý dùng kem chống nắng và che chắn thật kỹ khi đi lại, làm việc ngoài trời. Hạn chế làm cho da tổn thương nặng trong đợt nắng nóng này.
Ngoài ra, mọi người nên bổ sung dinh dưỡng, tăng cường uống nước, nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, nhiều đường quá.
Bác sĩ về các bệnh viêm da trong thời tiết nắng nóng. Clip: Diệu Linh