Nắng nóng kéo dài, bệnh da liễu "hoành hành" khiến nhiều người bứt rứt, gãi đến chảy máu

Diệu Linh Thứ ba, ngày 23/05/2023 05:55 AM (GMT+7)
Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều người bị ngứa ngáy, nổi rôm, mụn, viêm mề đay nghiêm trọng, thậm chí gãi chảy máu phải đi bệnh viện da liễu khám.
Bình luận 0

Nhiều bệnh da liễu gia tăng, tăng nặng vì nắng nóng kéo dài

Chị Trịnh Thùy Linh (Văn Lâm, Hưng Yên) liên tục ngồi xoa lưng cho con trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong buổi trưa ngày 22/5. 

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Linh cho biết, vài ngày nắng nóng vừa qua, con trai 3 tuổi của chị bị nổi nốt mẩn đỏ khắp người, uống thuốc không đỡ nên phải đưa con đi khám.

Nắng nóng kéo dài, bệnh da liễu "hoành hành" khiến nhiều người bứt rứt, gãi đến chảy máu - Ảnh 1.

Chị Trịnh Thùy Linh phải liên tục gãi ngứa cho con trai. Ảnh Diệu Linh

Trước đó, chị đã cho con đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, tuy nhiên hôm nay chị lại cho con đến Bệnh viện Da liễu khám thêm cho yên tâm.

"Bác sĩ kết luận con tôi bị mề đay, khi thời tiết nắng nóng, tình trạng nổi mề đay càng nhiều, con da mồ hôi nên càng ngứa ngáy, khó chịu. Tôi cho con tắm nhiều loại lá, uống mấy loại thuốc rồi nhưng không đỡ", chị Linh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh – Phó trưởng khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh về da liễu liên quan đến nắng nóng kéo dài gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 20% so với trước đây.

Theo bác sĩ Linh, trong thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám các bệnh về da liễu gia tăng đáng kể. Clip: Diệu Linh

"Có thể kể đến những bệnh lý viễm khuẩn trên da. Với trẻ em, các bệnh hay gặp nhất là chốc, rôm sảy. Chốc là bệnh lý có nguyên nhân về nhiễm khuẩn, do vệ sinh không được tốt, trẻ ra nhiều mồ hôi, tay chân bẩn mang theo vi khuẩn, khi gãi ngứa trầy xước ra sẽ gây ra bội nhiễm trên da, biểu hiện là các bọng nước trên da.

Với bệnh viêm da, chúng ta có thể điều trị đơn giản bằng các kháng sinh bôi tại chỗ, tuy nhiên 1 số trường hợp viêm da nặng kéo dài và lan rộng thì phải đến bệnh viện điều trị", bác sĩ Linh chia sẻ. 

Theo bác sĩ Linh, trong đợt nắng nóng này, bệnh hay gặp nữa là nhiễm nấm ở trên da. Bệnh nhân nhiễm nấm da mà chúng tôi thăm khám đã tăng lên rất nhiều. Trong đó có những trường hợp đáng tiếc khi chúng ta bị bệnh đã không phát hiện sớm nên không điều trị khiến bệnh tăng nặng.

Bệnh nấm gia tăng ở những người làm việc ngoài trời nhiều mà lại không giữ gìn vệ sinh da, mặc 1 bộ quần áo mồ hôi cả ngày. Nấm có thể xuất hiện ở kẽ chân, tay, bẹn, mông…

Một số trường hợp khác lại tự ra hàng thuốc "miêu tả bệnh để người bán thuốc kê đơn" nên bôi các loại thuốc không đúng thuốc, đúng cách nên tình trạng nấm lan rộng khắp người, trầm trọng hơn.

Lúc này đến bệnh viện để xét nghiệm và điều trị thì vừa tốn kém vừa kéo dài thời gian điều trị.

Ngoài ra, những bệnh nhân vốn đã có bệnh về da, kích ứng với ánh sáng vào mùa nắng nóng thì sẽ có đợt bùng phát tổn thương da. Trong đó điển hình là bệnh ban đỏ trên da tăng lên rất nhiều, kèm theo hiện tượng da khô đỏ, bong chóc vẩy, cảm giác nóng rát, khó chịu cho bệnh nhân.

Một số bệnh về da khác hay gặp đối với những người hay phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, người giao hàng… sẽ có hiện tượng cháy nắng, bỏng rát do cháy nắng… Các bệnh mãn tính kéo dài khác như tăng nám trên da, tăng sắc tố trên da.

Một số bệnh lý khác cũng bị ảnh hưởng bởi mùa hè như sẩn ngứa cả ở trẻ em và người lớn, hay gặp hơn ở thời tiết giao mùa, khi côn trùng, muỗi, dĩn ở trong nhà sinh sôi phát triển.

Sai lầm khi tự mua thuốc, tắm lá điều trị bệnh da liễu

Bác sĩ Linh chỉ ra rằng, một trong số những sai lầm phổ biến của người dân là khi gặp các vấn đề bệnh lý trên da thường tự điều trị trước.

Nắng nóng kéo dài, bệnh da liễu "hoành hành" khiến nhiều người bứt rứt, gãi đến chảy máu - Ảnh 3.

Đến 10h trưa ngày 22/5, lượng bệnh nhân đến khám các bệnh về da tại Bệnh viện Da liễu Trung ương vẫn rất đông, trong đó có khá nhiều trẻ em. Ảnh Diệu Linh

"Nguyên nhân là do chúng ta mua thuốc rất dễ. Người bệnh sẽ ra hiệu thuốc, mô tả cho người bán thuốc các triệu chứng và được bán cho các loại thuốc bôi, thuốc uống theo "ý hiểu" của người bán thuốc. Khi không thấy đỡ lại được tư vấn chuyển sang loại khác.

Tôi từng gặp bệnh nhân đã tự đổi 3-4 loại thuốc bôi theo tư vấn của người bán thuốc trước khi đến bệnh viện thăm khám. Khi bệnh không đỡ, triệu chứng trầm trọng "không chịu nổi" mới đi khám", bác sĩ Linh chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều người còn dùng các bài thuốc dân gian, truyền miệng như loại lá nào mát, loại lá nào tắm sẽ đỡ ngứa, loại lá nào tắm sẽ đỡ rôm sẩy, mụn nhọt.

Bác sĩ Linh cho biết, có 70-80% bệnh nhân đến khám các bệnh về da đã từng dùng qua loại lá gì đó để bôi, tắm. Có bệnh nhân dùng lâu dài, dù bệnh không đỡ nhưng với niềm tin "các loại lá lành, an toàn, không mang lại các tác dụng phụ" nên bệnh nhân vẫn cứ dùng.

Theo bác sĩ Linh, có nhiều loại lá "vô thưởng vô phạt" không gây tổn thương da nhưng cũng không làm khỏi bệnh. Nhưng có nhiều loại lá có dầu, mùi hương, có các chất kích ứng sẽ khiến da đang bị kích ứng lại càng tổn thương, gây đỏ nhiều hơn, phù nề hơn, rỉ dịch nhiều hơn, gây viêm nhiều hơn.

Ngoài ra, các lá có thể mất vệ sinh, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến cho các tổn thương da nặng nề hơn. Đặc biệt là tình trạng bội nhiễm, gây viêm nhiễm trầm trọng, thậm chí nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

"Đây chính là 2 nguyên nhân phổ biến khiến cho bệnh da liễu của nhiều người bị kéo dài dai dẳng, cũng như hay tăng cấp độ nặng hơn khi không đi khám lập tức để được điều trị đúng.

Chúng tôi đã gặp trường hợp nặng phải điều trị nội trú kéo dài do viêm da kích ứng, dị ứng. Mặc dù bệnh này nếu đi khám sớm và điều trị đúng thì rất nhanh khỏi. Đây là "bệnh cố hữu" rất khó thay đổi, dù đã được truyền thông khá nhiều", bác sĩ Linh nói.

Nắng nóng kéo dài, bệnh da liễu "hoành hành" khiến nhiều người bứt rứt, gãi đến chảy máu - Ảnh 4.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về da, người dân nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng, điều trị đúng. Ảnh Diệu Linh

Theo bác sĩ Linh, có nhiều bệnh viêm da phải trải qua các xét nghiệm, bác sĩ khám lâm sàng, hỏi han tiền sử bệnh kỹ mới có thể kết luận chính xác về bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Do đó, người dân không thể chỉ dựa vào "nhân viên bán thuốc" hay lời truyền miệng để tự điều trị bệnh về da cho mình.

"Cũng có 1 số trường hợp tự bôi thuốc thành công nhưng đa phần là bệnh lý nhẹ thành nặng, đơn giản trở nên phức tạp, điều trị tốn kém và kéo dài. Do đó, người dân không nên nghe theo lời truyền miệng, lời mách trên mạng hay tư vấn từ người không có chuyên môn.

Khi gặp các vấn đề về da, người dân nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng, điều trị đúng", bác sĩ Linh khuyến cáo.

Chăm sóc da đúng cách vào mùa hè

Để chăm sóc da vào mùa hè, bác sĩ Linh khuyến cáo, người dân cần:

- Chú ý giữ vệ sinh trên da vào mùa hè, chúng ta cần chăm tắm hơn để loại bỏ mồ hôi, bụi bặm trên da, khiến da thở tốt hơn. Quần áo ướt mồ hôi không nên mặc quá lâu.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là đối với trẻ em. Vì mùa hè trẻ ra mồ hôi nhiều, tay chân có thể chứa vi khuẩn, khi gãi ngứa sẽ mang theo vi khuẩn vào các vết xước khi gãi gây viêm da.

- Dưỡng ẩm cho da: kể cả người không có bệnh lý về da cũng cần tăng cường dưỡng ẩm cho da. Một ngày ít nhất dùng lần để da có thêm lớp bảo vệ bên ngoài, phòng tránh được một số bệnh thường gặp trong mùa hè.

- Người có bệnh lý về da sẵn có cần chú ý nhiều hơn, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo chăm sóc da phù hợp với bệnh về da của mình.

- Dùng kem chống nắng thường xuyên, đặc biệt là những người có bệnh nhạy cảm về ánh sáng.

- Che chắn kỹ khi ra ngoài trời tránh da bị tổn thương trong ánh nắng, bị cháy da, sạm da, bong chóc da…

- Tăng cường dinh dưỡng: Uống nhiều nước, uống nhiều nước hoa quả, tăng cường rau xanh, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ quá hoặc nhiều đường quá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem