Hơn 3.000 cành lan rừng đã được những người yêu lan trong cả nước ghép lên những cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại.
Đây là hoạt động của Chương trình "Đưa hoa lan về với tự nhiên" do Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam; Viện Công nghệ sinh học và Môi rường – Trường Đại học Tây Nguyên; Hội yêu lan 47; Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Hơn 3.000 nhánh lan rừng đã được những người yêu lan trong cả nước ghép lên những cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại.
Theo đó, bên cạnh những giống lan phổ biến, lan ngoại nhập chương trình còn nhận được sự ủng hộ các giống lan rừng như: kiếm, thủy tiên, giã hạc, nghinh xuân, hạt vĩ, báo hỉ, giáng hương, denro, vanda…
Khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk và Biệt Điện Bảo Đại có diện tích hơn 6ha, được xem là một khu đa dạng sinh học giữa trung tâm phố núi Buôn Ma Thuột với nhiều chủng loại cây quý hiếm, là nơi rất phù hợp để ghép lan từ đó góp phần gìn giữ gìn giữ, bảo tồn những giống hoa lan quý hiếm trong thiên nhiên cũng như giúp du khách có điều kiện được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên nắng, gió, bản sắc khi đến với tỉnh Đắk Lắk.
Bảo tàng Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại là nơi duy nhất trong thành phố bảo tồn được nhiều cây nguyên sinh, cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi
Ông Phan Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, chương trình sẽ còn tổ chức thêm từ 2 đến 3 đợt, với mục tiêu trồng hoa lan lên tất cả các cây xanh tại đây.
Đây là một hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022 "Xây dựng một tương lai chung cho sự sống"; làm đẹp thêm không gian Bảo tàng Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại, một công trình kiến trúc gắn liền những sự kiện lịch sử lớn của tỉnh, là nơi duy nhất trong thành phố bảo tồn được nhiều cây nguyên sinh, cây cổ thụ có tuổi thọ hơn một trăm năm tuổi.