Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua được ranh giới của từng tỉnh

Văn Long Thứ tư, ngày 20/09/2023 13:24 PM (GMT+7)
Đó là một trong những hướng đi mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần làm trong thời gian tới tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên

Sáng ngày 20/9, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên. Tham dự hội nghị còn có các lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian vừa qua, vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua ranh giới của từng tỉnh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.

Ngoài ra, tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp, đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra, rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua ranh giới của từng tỉnh - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đã đề xuất 7 cơ chế, chính sách để các đại biểu tham dự thảo luận về thu hút đầu tư, chính sách phát triển kinh tế rừng, quản lý bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp, du lịch, tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua ranh giới của từng tỉnh - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất một số vấn đề khó khăn tại vùng Tây Nguyên cần sớm được tháo gỡ.

Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào ngày 11/7/2023. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Hội đồng này cũng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội, và đảm bảo quốc phòng, anh ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng đảm bảo thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với các quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Hiện nay công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung còn nhiều tồn tại, bất cập… Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý đất đai của nhiều thời kỳ trước còn hạn chế. 

Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý, sử dụng đất tại các nông lâm trường để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện (cần quy định rõ đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận khoán) và hướng dẫn, xử lý đối với trường hợp diện tích đất của các nông lâm trường đã bàn giao cho địa phương quản lý nhưng hiện trạng các hộ dân đã xây dựng công trình, nhà ở

Hiện nay, tuyến Quốc lộ 27 kết nối các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận (nhất là đoạn từ cầu K’Rông Nô đến ngã ba Liên Khương) hiện xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm ưu tiên đầu tư, nâng cấp đường Quốc lộ 27".

Chú trọng hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa nông sản

Ngoài ra, ông Trần Văn Hiệp cũng đề xuất Trung ương sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực cho vùng Tây Nguyên phát triển, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, chương trình ổn định dân di cư tự do; hệ thống thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp,… để tận dụng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đảm bảo phát triển nhanh, cân bằng, hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và tạo các tiền đề cho ổn định chính trị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua ranh giới của từng tỉnh - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới sẽ xây dựng nhiều tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ xây dựng kế hoạch đến năm 2025 phải hoàn thành 4 tuyến cao tốc dài 295km, đến 2030 phải đầu tư 8 tuyến cao tốc dài 830km để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, kết nối với Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác. Đặc biệt, đến năm 2023 phải hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng với số vốn hơn 150.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu trên, các đơn vị liên quan, các địa phương phải có tư duy mới, nỗ lực cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư rất nhiều cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Vùng Tây Nguyên cũng còn rất nhiều dư địa để thu hút, phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Tây Nguyên phải vượt qua ranh giới của từng tỉnh - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận hội nghị và chỉ ra những vấn đề nóng, những lưu ý mà các tỉnh Tây Nguyên cần sớm giải quyết.

"Trong thời gian tới, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cần phối hợp thu hút đầu tư chung vào các địa phương, tính toàn làm sao để các nhà đầu tư muốn đầu tư gì trên địa bàn của mình và khả năng đáp ứng nhu cầu trước sự đầu tư của họ, nhưng phải trên nguyên tắc vì sự phát triển chung của toàn khu vực.

Các địa phương cũng cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới của từng địa phương, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, các địa phương phải chú trọng đến công tác tôn giáo dân tộc, sinh kế của người dân. Việc cấp đất cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn phải lâu dài, đất phải có khả năng sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, cán bộ phải dạy cho bà con dân tộc thiểu số biết trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định, phát triển sản xuất. Đặc biệt phải coi bà con là người nhà, phải bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán lánh mạnh của người dân", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý các địa phương cần chú trọng đến biến đổi khí hậu, công tác quản lý bảo vệ rừng, tín chỉ carbon, sự cạnh tranh giữa các địa phương, chuyển đổi số trong các lĩnh vực...để phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem