Nuôi loài vật này thành đàn dưới ao, bê lên rõ nặng, nông dân Yên Bái bán giống, bán thịt đều đắt hàng

Thứ tư, ngày 15/03/2023 18:50 PM (GMT+7)
Như đã hẹn, anh Sa Kim Cương - Bí thư Đoàn xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) chờ sẵn để đưa chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi ba ba gai của những thành viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh và một số hộ dân ở thôn Văn Hưng, thôn Ngã Ba.
Bình luận 0

Những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, khi những nụ hoa mai, hoa mận, hoa đào, ở vùng thấp, hoa tớ dảy ở vùng cao đang bung nở khoe sắc, chúng tôi về thị tứ Ngã Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn - thủ phủ của ba ba gai để chung vui đón xuân mới với những triệu phú làng...

Từ thành phố Yên Bái theo tỉnh lộ 172 Hợp Minh - Mỵ, đi bằng ô tô hay xe máy cũng chỉ hết khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là tới thị tứ Ngã Ba Khe. Như đã hẹn, anh Sa Kim Cương - Bí thư Đoàn xã Cát Thịnh chờ sẵn để đưa chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi ba ba gai của những thành viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh và một số hộ dân ở thôn Văn Hưng, thôn Ngã Ba.

Không khí tết ở thị tứ Ngã Ba Khe những ngày giáp tết rất nhộn nhịp. Người Mông, người Tày, người Thái ở 16 thôn, bản trong xã đều đổ về đây bán các sản vật của mình làm ra như: hoa đào, cam, quýt, bưởi, chè, gà, vịt, lợn... và mua sắm hàng tết như: hương hoa, trầu cau, rượu, bánh kẹo, mứt tết... Thấy tôi mải ngắm các sản vật của bà con địa phương, anh Cương lên tiếng:

- Mời các anh lên thôn Văn Hưng tham quan nhà các triệu phú ba ba đã, gần trưa về đây thích mua gì cũng được, vì những ngày này bà con bán hàng đến tối mới về.

Rời thị tứ Ngã Ba Khe, chúng tôi đến thôn Văn Hưng để chiêm ngưỡng những thành quả sau nhiều năm lao động vất vả của những triệu phú ba ba gai ở đây xây dựng lên. 

Thôn có hàng trăm hộ nuôi ba ba gai trên dưới hơn 20 năm, thành quả của họ là những ngôi nhà xây mang dáng dấp biệt thự, rộng từ 200 - 270 m2, nhà nào chưa xây thì cũng mua lại được nếp nhà sàn về dựng, lợp tôn xốp, trang trí rất đẹp.

Ngôi nhà xây 2 tầng, rộng khoảng trên 200 m2 của gia đình anh Nguyễn Ngọc Bắc ở thôn Văn Hưng, phía trước là hàng chục cái ao nuôi ba ba liền kề nhau trông rất đẹp. Thấy có đoàn khách đến thăm, anh hồ hởi mời khách vào nhà uống nước, kể những câu chuyện về nghề đã gắn bó hơn 14 năm qua.

Nuôi loài vật này thành đàn dưới ao, bê lên rõ nặng, nông dân Yên Bái bán giống, bán thịt đều đắt hàng - Ảnh 2.

Đặc sản ba ba gai do nông dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nuôi.

Nhấp chén trà nóng, vơi đi cái giá rét của mùa đông, anh Bắc tâm sự: Trước đây, gia đình tôi làm chè, nuôi lợn nhưng cuộc sống rất khó khăn, nhiều lúc chè xuống giá còn không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, làm gì dám mơ đến nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh... 

Năm 2008, tôi thấy nhiều hộ dân trong xã nuôi ba ba gai thành công, tôi quyết định đầu tư nuôi ba ba gai sinh sản. Năm đầu ít tiền, tôi đầu tư làm 1 cái ao kè bê tông xung quanh khoảng 250 m2, mua 2 cặp ba ba gai bố, mẹ về nuôi (mỗi cặp 2 con cái, 1 con đực). Sau một vài năm, ba ba sinh sản khá tốt, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống ao hết khoảng 600 triệu đồng, mua thêm một số cặp ba ba giống bố, mẹ về nuôi.

 

- Nguồn gốc ba ba gai anh và bà con trong xã đang nuôi mua ở đâu về? - tôi hỏi.

 

- Vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, một số gia đình ở Hải Dương lên định cư tại đây đã mang giống ba ba trơn lên nuôi. Thời điểm đó, bà con trong xã đi bắt được một số con ba ba gai tự nhiên ở suối về ăn thấy rất ngon, còn những con bé thả xuống ao, sau một vài năm thấy phát triển, sinh trưởng tốt, một số con bắt đầu sinh sản. 

Thấy giống ba ba gai tại địa phương sinh trưởng tốt, phù hợp với khí hậu, nguồn nước ở khe suối trong xã, các hộ nuôi ba ba trơn đã mua ba ba gai về nuôi với mục đích bảo tồn giống và hướng tới nuôi ba ba gai sinh sản, bán con giống cho các hộ trong xã và ngoài xã cùng nuôi - anh Bắc trả lời.

 

- Thời điểm nào các hộ dân ở đây nhân rộng mô hình nuôi ba ba gai nhiều?

 

- Khoảng từ năm 2001 trở lại đây, là các hộ dân trong xã bắt đầu đầu tư xây, kè ao, mua giống ba ba gai về nuôi nhiều. Có thời điểm ba ba giống rất đắt, năm 2007 - 2008 lên tới 700.000 - 800.000 đồng/con giống mới được vài tuần, sau này nhiều hộ nuôi và thị trường cũng không ổn định nên năm 2022, vụ đầu năm (tháng 3, tháng 4) bán được 150.000 - 160.000 đồng/con, vụ cuối năm bán được 50.000 - 60.000 đồng/con, tính bình quân cả vụ giữa năm cũng chỉ đạt 80.000 - 90.000 đồng/con giống. 

Gia đình tôi có khoảng 2 tấn ba ba gai giống bố mẹ, tương đương khoảng trên 60 cặp, năm 2021, có con đẻ 1 lứa được 40 trứng, có con được 20 - 30 trứng, ấp xuất bán được trên 3.000 con, trừ chi phí đi thu được 500 triệu đồng tiền lãi; năm nay, giá xuống thấp hơn, nhưng gia đình vẫn thu lãi được trên 300 triệu đồng. 

 

- Năm nay, các thành viên trong HTX Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh ăn tết to không? 

 

- Những năm gần đây, tết ít mổ lợn rồi, nhà nào cũng đi mua hoặc mổ chung một con ăn, hết lại mua ăn cho thịt tươi không phải dự trữ nữa. Còn bánh chưng, như nhà tôi vẫn phải gói 5 kg gạo, nhà các cháu trẻ không gói cũng đặt hoặc nhờ gói từ 5 -7 cái bánh chưng bày lên bàn thờ, mua sắm hương hoa, trà, rượu, thuốc thắp hương cúng tổ tiên trong mấy ngày tết, nói chung sắm sửa cho cái tết, mỗi nhà cũng phải hết chục triệu đồng. 

 

Cách nhà anh Bắc chưa đầy 1 km là trang trại của gia đình Nguyễn Văn Nghị - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh. Hệ thống nuôi ba ba của gia đình anh Nghị có hàng chục ao nuôi, tổng diện tích 3.000 m2. 

 

Nuôi loài vật này thành đàn dưới ao, bê lên rõ nặng, nông dân Yên Bái bán giống, bán thịt đều đắt hàng - Ảnh 4.

 

Lãnh đạo xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) thăm mô hình nuôi ba ba gai của gia đình anh Nguyễn Ngọc Nam, thôn Ngã Ba. 

 

Anh Nghị chia sẻ: "Hiện nay, xã Cát thịnh có 16 thôn, bản, số hộ nuôi ba ba gai ở xã Cát Thịnh có trên 300 hộ chủ yếu ở thôn Văn Hưng, Ba Khe và Ngã Ba với diện tích mặt nước 5,7 ha. 

Để tìm đầu ra cho con giống ba ba gai và ba ba gai thương phẩm, tháng 4/2021, HTX chính thức được thành lập. Năm 2022, tuy giá ba ba có giảm so với những năm trước nhưng gia đình tôi vẫn sản xuất được trên 1,5 vạn con giống, bán ra thị trường thu về được khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí đi; còn 8 thành viên khác của HTX cùng đều thu được từ 300 - 500 triệu đồng. 

Nếu cho chọn nghề một lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề này vì mình đã gắn bó hơn 17 năm rồi. Tôi thấy trồng chè, trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà... vất vả hơn mà không thể thu nhập ổn định và cao như nghề nuôi ba ba gai được...

 

Chia tay với những triệu phú ba ba gai ở Cát Thịnh, chúng tôi đứng ở thị tứ Ngã Ba Khe nhìn về phía thôn Văn Hưng. Theo quốc lộ 32 chiều dài khoảng hơn 3 km là những ngôi biệt thự, nằm liền kề với hệ thống ao nuôi ba ba gai xung quanh nhà. 

Cùng chúc cho các sản phẩm của các thành viên HTX Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh sẽ sớm được các ngành chức năng của huyện Văn Chấn và tỉnh quan tâm, hướng dẫn HTX hoàn chỉnh các thủ tục hành chính để con ba ba gai Cát Thịnh có được nguồn gốc rõ ràng, cất cánh bay sang Nhật Bản và các nước trên thế giới trong thời gian gần nhất.

Minh Hằng (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem