Thiên nhiên ưu đãi cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đất đai màu mỡ, nước ngọt dồi dào, là những thế mạnh để phát triển nông nghiệp và thủy sản. Nơi đây trở thành khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực và an ninh kinh tế của nước ta. Nhưng trong những năm vừa qua, do nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến môi trường sống, người dân vùng ĐBSCL phải thay đổi tập quán canh tác lúa và hoa màu, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, thậm chí chuyển đổi nghề nghiệp và nơi ở.

Trong bài báo sau đây, chúng tôi phân tích dữ liệu về nông nghiệp, thủy điện, xâm nhập mặn, lượng mưa, thu nhập, tỷ lệ việc làm và tỷ lệ người di cư ở ĐBSCL trong hơn 20 năm qua, nhằm mang lại bức tranh toàn cảnh về những thay đổi trong điều kiện canh tác nông, ngư nghiệp ở vùng ĐBSCL, giải thích vì sao có sự sụt giảm trong diện tích trồng lúa và sản lượng thủy sản, và phải làm gì để thích ứng với sự thay đổi này, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.

1. Nước lũ dần biến mất, kéo theo sự sụt giảm trong sản lượng lúa và cá, đẩy con người di cư sang vùng khác

Đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc năm 2020 chỉ còn khoảng 60% so với đỉnh lũ năm 2002. Từ nay, ĐBSCL phải đợi từ 50 đến 100 năm mới có một mùa lũ lớn. Trong vòng 15 năm, lượng cá đánh bắt ở An Giang giảm 2 phần 3. Diện tích đất trồng lúa ở Cà Mau giảm 30.000 ha, tương đương 42.000 sân bóng đá. Năm 2019-2020, nước mặn không những xâm nhập sâu hơn trước 10 km, mà còn tới sớm hơn và rút đi chậm hơn so với trung bình hàng năm. Từ năm 2006, do nhiều rủi ro và chi phí đắt đỏ trong canh tác nông nghiệp, tỷ lệ di cư ra khỏi châu thổ Cửu Long nhiều hơn ở các vùng miền khác.

2. Mùa nước nổi đã trở thành dĩ vãng

Mùa lũ ở ĐBSCL bắt đầu từ 15/6 và kết thúc vào 30/11 hàng năm (Theo Điều 5, khoản 27d, Quyết định 18/2021/QĐ-Ttg về Truyền tin thiên tai). Năm 2021, chúng ta lại chứng kiến một mùa lũ thấp, nối tiếp hơn 10 năm liền không có lũ lớn chảy về châu thổ Cửu Long.

Nước sông Mê Công chảy vào Việt Nam qua hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Theo số liệu từ các trạm đo ở Tân Châu (đầu nguồn sông Tiền) và Châu Đốc (đầu nguồn sông Hậu), mực nước cao nhất ở các con sông này đã giảm xuống hàng năm trong gần hai thập kỷ. So với mực nước trung bình giai đoạn 2002-2019, mực nước cao nhất năm 2019 giảm khoảng 25% ở Tân Châu và khoảng 20% ở Châu Đốc.

3. Thủy điện tích nước gây mất lũ

Sông Mê Công chảy qua 5 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia trước khi vào Việt Nam. Đây là những nước đang phát triển và có nhu cầu lớn về thủy điện.

PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: “Nước lũ tại ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sử dụng nước và năng lượng của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Khi nhu cầu về nước tưới và năng lượng ở thượng nguồn càng nhiều thì rõ ràng nước về ĐBSCL càng giảm”.

Có tới 95% tổng lượng nước tại ĐBSCL là từ phía thượng nguồn Mê Công chảy về. Nhưng số nước đó đang bị tích trữ trong hàng trăm hồ, đập thủy điện ở phía thượng nguồn.

4. Thủy điện tích nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên

Theo PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, nguyên tắc của thủy điện là tích và sau đó xả nước, dùng chênh lệch cột áp để tạo ra năng lượng. Thủy điện thường tích nước trong mùa mưa, và xả nước khi nhu cầu dùng điện tăng cao, thường là trong mùa khô.

Do đó, nước sông sẽ không lên xuống tự nhiên theo mùa mưa hoặc mùa kiệt như trước, mà lên xuống theo nhu cầu vận hành thủy điện.

Thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy ở hạ nguồn, là vùng ĐBSCL của chúng ta, dẫn đến mức nước sông Tiền, sông Hậu đang hạ dần độ cao. Tình hình sẽ trầm trọng hơn trong tương lai khi các quốc gia ở thượng nguồn xây thêm nhà máy thủy điện và tăng công suất thủy điện.

Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ nay, tại ĐBSCL, tần suất xuất hiện lũ lớn tương tương với chu kỳ lặp lại khoảng từ 50 tới 100 năm.

Lũ lớn là lũ trên báo động 3, tương đương với 4.5m ở Tân Châu và 4m ở Châu Đốc.

5. Tăng thủy điện, tăng mối lo

Tới năm 2021, thượng nguồn sông Mê Công có 141 nhà máy thủy điện đang vận hành. 36 nhà máy thủy điện khác đang được xây dựng, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2023. Trong một thập kỷ nữa, tới năm 2032, sẽ có 468 nhà máy thủy điện hoạt động trên sông Mê Công.

Công suất thủy điện cũng tăng liên tục. Tới năm 2032, công suất thủy điện trên sông Mê Công sẽ tăng gần gấp đôi so với hiện nay.

Đa số các thủy điện không nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đang tác động xấu tới điều kiện sinh sống của hơn 17 triệu người dân vùng ĐBSCL.

Sạt lở đất cũng là mối đe dọa thường trực tại ĐBSCL và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do nước sông không còn nhiều phù sa như trước đây. Một nghiên cứu về thay đổi môi trường và di cư tại vùng ĐBSCL, do TS Nguyễn Minh Quang, giảng viên Đại học Cần Thơ hướng dẫn thực hiện, cho thấy, trong năm 2016, tổng cộng có 980 km ven biển và ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, khiến 121 gia đình mất nhà ở. Nghiên cứu này còn ước tính, tới năm 2016, mỗi năm nước biến cuốn trôi 800 ha đất ven biển và rừng ngập mặn ở vùng ĐBSCL.

6. Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa tăng hơn trong mùa mưa, và giảm hơn trong mùa khô

5% lượng nước trong ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào lượng mưa. Tổng lượng mưa xuống Việt Nam không thay đổi đáng kể từ năm 1960 trở lại đây, nhưng một số khu vực tại ĐBSCL có tổng lượng mưa tăng trong mùa mưa và giảm trong mùa khô.

Ví dụ, tại tỉnh Kiên Giang, trong năm 2020, lượng mưa trong mùa mưa tăng gần 30%, lượng mưa trong mùa khô giảm trên 30% so với trung bình giai đoạn 2017-2019.

Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, trong năm 2020, lượng mưa trong mùa mưa tăng trên 10%, lượng mưa trong mùa khô giảm trên 25% so với trung bình trong hai thập kỷ vừa qua, giai đoạn 2000-2019.

Lượng nước mưa giảm nhiều trong mùa khô khiến cho điều kiện canh tác nông nghiệp trong mùa khô càng trở nên khó khăn hơn.

7. Ngư dân chịu hậu quả trước tiên khi nước lũ giảm

Lồng nuôi cá tại xã Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang, tháng 10/2021 (ảnh: Mười Điệp)

Anh Phan Chí Hiếu, tên gọi thường ngày là Mười Điệp, 41 tuổi, đã nhiều năm nuôi cá lồng tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trước đây, gia đình anh Mười Điệp có 20 lồng cá, mỗi năm cho thu hoạch 400 tấn, chủ yếu xuất khẩu do nơi đây gần biên giới với Campuchia. Tháng 10/2021, anh cho biết chỉ còn 6 lồng cá, lượng cá thu hoạch giảm 70%.

Anh Mười Điệp nói trước đây mỗi vụ nuôi cá chỉ hơn 4 tháng có thể thu hoạch, nhưng giờ đây thời gian mỗi vụ nuôi cá dài tới 6 tháng. Chi phí thức ăn và thuốc cho cá tăng lên. Anh thường xuyên phải di rời lồng cá và thu hoạch non khi cá chưa đủ lớn, để nhường lại mặt bằng cho các hoạt động nạo vét, cải tạo dòng sông, khơi dòng chảy. Theo anh Mười Điệp, các hoạt động này chủ yếu để khai thác cát.

8. Thủy sản nước ngọt đang cạn kiệt

Tỉnh An Giang, nơi anh Mười Điệp sinh sống, cũng có lượng thủy sản khai thác (đánh bắt) giảm sút nhiều nhất ở ĐBSCL. Lượng thủy sản khai thác năm 2019 chỉ bằng 28.13% so với con số đó năm 2004, đồng nghĩa với việc số thủy sản khai thác được trên sông và tại đồng chỉ còn 1 phần 3 so với 15 năm trước đây.

An Giang không phải là tỉnh duy nhất bị sụt giảm lượng thủy sản khai thác đánh bắt. Trong số 5 tỉnh, thành không giáp biển trong vùng ĐBSCL, chỉ có Đồng Tháp tăng được số lượng thủy sản khai thác. 4 tỉnh, thành còn lại là Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang và An Giang đều khai thác được ít thủy sản nước ngọt hơn trước.

9. Thu hẹp vựa lúa của đất nước

ĐBSCL vẫn là vựa lúa của cả nước khi luôn đóng góp trên một nửa tổng sản lượng toàn quốc. Trong năm 2020, 13 tỉnh ĐBSCL sản xuất ra 55,7% lượng lúa của cả nước. Tuy nhiên, sản lượng lúa ở ĐBSCL đang trên đà giảm từ năm 2016 trở lại đây.

Thu mua lúa tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tháng 10/2021 (ảnh: Thanh Vân)

10. Giảm diện tích và sản lượng lúa mùa nổi

Nhìn chung, diện tích đất quy hoạch trồng lúa tại ĐBSCL đang có xu hướng giảm, nhất là diện tích đất trồng vụ mùa. Lúa vụ mùa, hay còn gọi là lúa mùa nổi, là vụ thứ 3 trong năm, đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Cây lúa mùa nổi lấy dinh dưỡng từ phù sa trong nước lũ để lớn, thường ít đòi hỏi công chăm bón. Lúa mùa nổi là món quà thiên nhiên ưu đãi cho ĐBSCL, nhưng đang có xu hướng giảm dần diện tích canh tác khi lũ về ít hơn.

11. Chủ trương giảm diện tích và sản lượng lúa

Diện tích và sản lượng lúa có xu hướng giảm dần từ 2016 đến nay, trùng với thời điểm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Nghị quyết 120, ban hành năm 2017, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi mục đích, chủ yếu sang trồng các loại cây ăn trái và hoa màu chịu được hạn, mặn.

12. Nước ngọt không về, nước biển xâm nhập sâu

Tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng cũng là một lý do cho việc thu hẹp diện tích đất quy hoạch trồng lúa. Theo nghiên cứu về nhiễm mặn tại ĐBSCL của nhóm tác giả Edward Park và các cộng sự, đăng trên tạp chí Ambio của Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển số tháng 6 năm 2021, trong mùa khô 2019-2020, nước biển đã xâm nhập sâu 110 km vào đất liền, sâu nhất từ trước tới nay. Không những thế, nước biển còn vào sớm hơn khoảng 2.5 đến 3.5 tháng, và rút đi muộn hơn 1 tháng so với trung bình.

13. Nước biển xâm nhập sâu gây thiếu nước ngọt trên diện rộng

Mùa khô 2019-2020, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hơn 40.000 hộ gia đình sống ven biển trong vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt.

14. Đất nhiễm mặn gây thiệt hại cho trồng trọt

Xâm nhập mặn tăng cao đã làm 30.000 ha đất trồng lúa ở Cà Mau, 20.000 ha đất trồng cây ăn trái, và 6.500 ha đất trồng rau màu ở Bến Tre bị nhiễm mặn, đến mức không thể tiếp tục canh tác được.

Cây lúa chịu được độ mặn 3-4 gram muối trên 1 lít (g/l). Trong khi đó, có những khu vực có độ mặn cao nhất đo được trên 7g/l (vùng màu cam trên bản đồ), 15-20g/l (màu đỏ), 20-27g/l (màu tím), hoặc lên trên 27g/l (màu xanh), gấp gần 9 lần so với ngưỡng chịu mặn của cây lúa thông thường.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL qua các năm 1998, 2010, 2016, 2020 (Nguồn dữ liệu: Wikimedia/Uwe Dedering; Park và cộng sự, 2021; Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam)

15. Nhiều người rời ĐBSCL đi làm công nhân, nhưng phải quay về khi đại dịch bùng phát

Đan thảm từ sợi lục bình khô, tháng 11/2021 (ảnh do chị Thanh cung cấp)

Tháng 10/2021, chị Danh Thị Mỹ Thanh, 26 tuổi, cùng chồng 36 tuổi, và 3 con trai (8 tuổi, 4 tuổi và 2 tuổi) về tránh dịch COVID-19 ở quê chồng, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, sau 7 năm làm việc tại các nhà máy ở Bình Dương.

Tại Vĩnh Long, phụ nữ như chị Thanh thường đi hái trái cây thuê cho các chủ vườn. Chồng chị Thanh thường đi phụ hồ cho các công trình xây dựng. Thu nhập mỗi người khoảng 200-250.000 đồng một ngày công.

Những ngày không có việc làm thuê, chị Thanh ở nhà phụ má chồng đan thảm từ sợi lục bình phơi khô. Mỗi ngày chị đan nhiều nhất được 4 chiếc thảm. Giá mỗi chiếc thảm khi tới tay người mua là 70.000 đồng.

Chị Thanh cho biết, chị sẽ chờ đại dịch COVID-19 qua đi, nhà máy mở cửa trở lại để quay lại làm việc ở Bình Dương. Chị nói rằng, những người như chị rời quê hương để đi làm công nhân trong khu công nghiệp vì có sức lao động nhưng không có đất trồng lúa, trồng vườn, và không có vốn để nuôi thủy sản.

16. Người dân bỏ nông thôn để di cư tới đô thị tìm việc, nhiều người xuất cảnh ra nước ngoài

Nhìn chung, số người đi khỏi ĐBSCL nhiều hơn số người ở nơi khác đến cư trú tại ĐBSCL. Tỷ suất di cư thuần (tỷ lệ nhập cư trừ đi xuất cư) của vùng ĐBSCL luôn âm từ năm 2005 đến 2020.

Trong suốt một thập kỷ, 2010-2020, dân số ĐBSCL duy trì ở mức trên 17 triệu người. Số trẻ em sinh ra nhiều nhưng chỉ đủ bù đắp cho số người mất đi và số người di cư. Trong năm 2020, trung bình cứ 100 người thì có 1 người rời đi. Các tỉnh có tỷ lệ dân số giảm nhiều nhất vào năm 2020 là Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và Cà Mau.

Theo một nghiên cứu năm 2011, cứ 10 người rời khỏi ĐBSCL thì có 7 người đi tới vùng Đông Nam Bộ, chủ yếu là tới Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, nơi tập trung các khu công nghiệp.

17. Thu nhập trung bình vùng ĐBSCL thấp hơn thu nhập trung bình của cả nước

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của cả nước cao hơn 10% so với thu nhập bình quân của người dân vùng ĐBSCL. Thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cao hơn tại ĐBSCL lần lượt là 82%, 69% và 60%.

Ngay trong ĐBSCL cũng có chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh, thành, và các lĩnh vực công việc. Năm 2020, người Cần Thơ có thu nhập cao nhất, trung bình 5.031.090 đồng/tháng, trong khi người Cà Mau có thu nhập thấp nhất 3.034.400 đồng/tháng.

Năm 2020, tại vùng ĐBSCL, đóng góp của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ là 19,73% (chưa tới một phần năm) vào thu nhập bình quân đầu người hàng tháng.

18. Người dân vùng ĐBSCL vất vả tìm việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của ĐBSCL ở mức rất cao. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của ĐBSCL cao hơn cả nước. Mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ thiếu việc làm của ĐBSCL luôn cao nhất trong tất cả các vùng miền. Thiếu việc làm là tình trạng người lao động có việc làm thời vụ, không thường xuyên, hoặc việc làm đòi hỏi ít hơn năng lực vốn có của người lao động.

19. Chủ trương của Chính phủ nhằm ứng phó với dòng nước cạn

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2017, và Quyết định 324 Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL năm 2020, để định hướng cho các giải pháp phát triển châu thổ Cửu Long.

Những văn bản pháp lý này chỉ rõ định hướng lấy tài nguyên nước, trong đó có cả tài nguyên nước ngọt, nước lợ và nước mặn, làm cốt lõi cho sự phát triển của vùng. Châu thổ Cửu Long xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, theo yêu cầu của thị trường, chứ không chỉ tập trung vào lúa và cá như trước đây.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, bình luận: “Chúng ta vẫn nghĩ ĐBSCL là hạ nguồn sông Mê Công mà quên mất rằng, đây còn là vùng mở ra biển với những cơ hội do biển mang lại”.

Nhiều vùng đất trước đây trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng những loại cây chịu mặn, chịu hạn cao hơn như thanh long, dừa, sen, cau, dưa hấu.

Cây dừa chịu được ngưỡng mặn cao (7g/l) - canh tác dừa tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, tháng 10/2021 (ảnh: Hồng Chi)
Cây thanh long chịu hạn tốt - vườn thanh long tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, tháng 10/2021 (ảnh: Hồng Chi)

20. ĐBSCL vẫn chú trọng nông nghiệp nhưng người dân được chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi sinh kế.

TS Dương Văn Ni nhận xét:

“Sự thay đổi trong quan điểm về an ninh lương thực là chìa khóa khai phá tiềm năng của vùng ĐBSCL. Trong suốt 40 năm, chúng ta coi ĐBSCL là vựa lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Ngày nay, khái niệm an ninh lương thực đã mở rộng hơn, lương thực không chỉ có lúa, mà còn nhiều sản phẩm khác. An ninh kinh tế cũng được chú trọng. Những chỉ đạo từ trên xuống, như Nghị quyết 120, thực sự đã cho người dân chìa khóa để mở ra cánh cửa vào một không gian mới. Nhưng làm gì trong không gian mới hoàn toàn do người dân tự quyết định. Họ được chủ động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, và mô hình sinh kế.”

Chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực quan tâm chỉ đạo quá trình chuyển đổi cây trồng. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đang thực hiện một số nhóm giải pháp chính để phát triển bền vững.

21. ĐBSCL cần tăng cường ngay hệ thống công trình trữ nước ngọt

Tại địa bàn tỉnh An Giang, chính quyền địa phương đang tăng cường sử dụng hệ thống trữ ngọt quy mô nhỏ và trung bình để thích nghi với sự thay đổi, gồm biến đổi khí hậu và suy giảm nước ngọt vào mùa khô do đập thủy điện chặn dòng nước.

22. Khuyến khích người dân chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang hướng dẫn người dân thay đổi sinh kế từ đánh bắt tự nhiên sang các mô hình nuôi trồng thủy sản, như cá lóc, cá rô, tôm. An Giang cũng tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do Chính phủ phát động để kết nối nhà nông với thị trường, tạo việc làm cho người dân nông thôn.

23. Mở thêm khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng ĐBSCL, tuyển dụng nông dân làm công nhân

Tỉnh An Giang thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như giày, may mặc, chế biến thủy sản, để sử dụng lao động tại địa phương, giảm dần việc di cư về TP. HCM và Bình Dương. Ông Trần Anh Thư cho rằng, cần có sự điều tiết của Chính phủ để xây dựng thêm hạ tầng giao thông, cảng biển, và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL.

24. Giáo dục và hợp tác quốc tế là giải pháp then chốt để thích ứng với sự thay đổi

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết 120, tháng 1/2021, nhóm giải pháp về giáo dục, đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế cũng được An Giang chú trọng. An Giang đang tham gia các thỏa thuận liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị nguồn nước, phát triển cơ sở hạ tầng với các đối tác quốc tế.

Đồng chí Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (bìa trái) khảo sát điểm sạt lở tại Chợ Mới, An Giang, tháng 2/2020 (nguồn: Tuyên giáo An Giang)

Nhóm giải pháp phi công trình, cần giúp người dân né tránh, giảm thiểu tác hại và hậu quả của việc thay đổi môi trường sống. Việc này được thực hiện bằng cách liên tục đưa thông báo ra cộng đồng về nguồn nước, hạn mặn, ô nhiễm, sạt lở, và nhiều vấn đề khác. Cũng cần có chia sẻ tri thức giữa mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở khuyến nông, khuyến ngư và các cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế.

25. Liệu có thể ngừng thủy điện?

Bàn về giải pháp tổng thể để quản trị nguồn nước cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL, PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, cần đánh giá toàn diện tác động môi trường trước khi quyết định có dự án thủy điện.

PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng nhận định với xu thế hướng tới nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho thủy điện, như năng lượng gió hay điện mặt trời, thì nhu cầu sử dụng đập nước để làm thủy điện có thể sẽ giảm.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các nhà quản lý cần điều chỉnh quy trình vận hành của các công trình thủy điện hiện có, đưa ra các quy định mới và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, để đảm bảo các dự án thủy điện thân thiện với môi trường, tạo ra hệ sinh thái có nhiều điều kiện thuận lợi và được quy hoạch hợp lý, với sự tham gia và ủng hộ sâu rộng của người dân.

Các tác giả sử dụng cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) để lấy dữ liệu về sản lượng và diện tích lúa, đánh bắt cá, mực nước, thu nhập, việc làm và di cư. TCTK là cơ quan có chức năng tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý nhà nước về thống kê. Dữ liệu về số lượng và công suất của các đập thủy điện trên sông Mekong được cung cấp trên trang thông tin của Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn về hòa bình và an ninh quốc tế có trụ sở tại Washington D.C. Dữ liệu về lượng mưa được lấy tại các trạm khí tượng phát báo quốc tế của Việt Nam thuộc khu vực ĐBSCL.

Quá trình phân tích dữ liệu được thực hiện trong Excel. Bạn đọc có thể truy cập vào các bảng dữ liệu trong đường liên kết sau: Google Spreadsheets.