Từ 6h00 sáng 24/7 đến nay, TP.Hà Nội đã 15 ngày giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 17/CT-UBND (Chỉ thị 17) của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 4 điểm ở Hà Nội trong sáng 4/8. (Ảnh: Phú Khánh).

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ngay trong sáng ngày 24/7, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn TP từ 6h ngày 23/7 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân trên địa bàn Thủ đô.

Bởi lẽ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta; tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Điều này cho thấy nguy cơ bùng dịch trên địa bàn Thủ đô rất lớn.

img
img
img

Khung cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Lê Nga).

Bí thư Hà Nội yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp TP phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa "thời gian vàng" 15 ngày giãn cách xã hội để khống chế dịch, đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng đã được Hà Nội chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

Trong Chỉ thị 17 của Chủ tịch Hà Nội, ngoài việc kêu gọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và tuân thủ quy định phòng chống dịch, Hà Nội còn đề nghị mọi người liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…

img
img

Sáng 26/7, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) kết hợp cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tiến hành phun khử khuẩn diện rộng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hải)

Những ngày sau đó, Hà Nội liên tiếp phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 thông qua việc xét nghiệm sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng và người liên quan các chùm ca bệnh mới gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc 95 Láng Hạ, Công ty thực phẩm Thanh Nga; chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã bị phong tỏa vì có ca mắc Covid-19…

Ngày 4/8 vừa qua, trong lần thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống Covid-19 tại nhiều địa điểm ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ ở mức cao nhất. Vì vậy, việc vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, quyết định giãn cách toàn thành phố kể từ ngày 24/7 là động thái kịp thời, đúng thời điểm. Hà Nội đang thực hiện tốt Chỉ thị 16 và có thời gian để bình tĩnh xử lý mọi tình huống...

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng nhận định, việc Hà Nội giãn cách xã hội toàn TP được đánh giá là hành động quyết liệt.

img
img
img

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhiều người dân vẫn vi phạm quy định phòng, chống dịch. Theo Công an Hà Nội trong 14 ngày giãn cách xã hội Hà Nội xử phạt hơn 17  tỷ đồng.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Những ngày đầu Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, có thể nhận thấy cả từ phía chính quyền đến người dân, doanh nghiệp đều có sự lúng túng.

Nhiều sự việc "nước đến chân mới nhảy" như việc dừng hoạt động của một số shipper công nghệ. 

Tuy nhiên, gây nhiều bất cập, lúng túng nhất là việc các chốt kiểm soát khá lỏng lẻo hoặc áp dụng quy định một cách máy móc, dập khuôn, chưa có sự phối hợp đồng đều giữa các cơ quan T.Ư cũng như TP khiến các phương tiện giao thông bị dồn ứ ở các chốt ra-vào ở cửa ngõ Thủ đô, người dân cảm thấy phiền hà;

Hay như việc đường phố vẫn đông, chợ vẫn tấp nập người san sát, mẫu "giấy đi đường" không thống nhất, nhiều nơi chưa có thẻ đi chợ; vẫn còn tình trạng bán hàng chui, tập thể dục "trộm" từ 3-4h sáng… đơn cử như việc trong 3 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng công an TP.Hà Nội đã xử phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch Covid-19, tổng hợp 14 ngày giãn cách xã hội Hà Nội xử phạt hơn 17  tỷ đồng.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Chiều 25/7, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát chốt kiểm soát ở Pháp Vân - Cầu Giẽ và chỉ đạo kịp thời để thông xe "luồng xanh" không để ùn tắc... (Ảnh: Phú Khánh).

Nhận rõ được tình hình, những điều bất cập dần được lãnh đạo Hà Nội điều chỉnh phù hợp hơn. Đơn cử như, chiều 25/7, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát chốt kiểm soát ở Pháp Vân - Cầu Giẽ và chỉ đạo kịp thời để thông xe "luồng xanh" không để ùn tắc...

Đến tối cùng ngày, Công an Hà Nội đã công khai phương án phân luồng một số tuyến đường tránh đi qua TP.Hà Nội để tránh ùn tắc, đảm bảo phòng dịch và không làm mất thời gian của người dân. Cùng với đó, TP đã ban hành văn bản tháo gỡ.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có nhiều chỉ đạo "khẩn" trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội nhận được sự đồng tình của nhân dân. (Ảnh: Hoàng Thành).

Trong tối 30/7,  Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã phải ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TU yêu cầu tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó chỉ rõ nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP còn chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, còn lơ là, chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo... Đồng thời, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Bí thư Hà Nội chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau đó, ngày 1/8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND yêu cầu: "Tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định tại Công điện số 1063 của Thủ tướng Chính phủ".

Đến nay, 28/30 quận, huyện, thị xã đã phát phiếu đi chợ cho người dân để giảm tải việc ra đường, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các doanh nghiệp phối hợp với quận huyện tổ chức bán hàng lưu động. Hình thức thương mại điện tử được quan tâm, nhân viên vận chuyển hàng hoá được thống kê cấp mã để đi lại...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết qua 13 ngày giãn cách xã hội, hàng hoá được đáp ứng đầy đủ, "chưa có người dân nào không mua sắm được hàng hoá thiết yếu".

Hà Nội cũng chủ động rà soát nguồn cung, tổ chức nuôi trồng con, cây phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch để đáp ứng nhu cầu của người dân. TP phối hợp với các tỉnh, nhất là các tỉnh chưa có dịch để bổ sung nguồn thực phẩm.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 8.

Người dân được phát phiếu đi chợ trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Ngọc Hải).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thừa nhận, nhiều việc trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội của Hà Nội là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, tuy nhiên Hà Nội đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp với thực tiễn.

"Tinh thần là chủ động, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch", ông Phong nhấn mạnh.

Nhìn lại 15 ngày Hà Nội giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 - Ảnh 9.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 manh nha xuất hiện trên địa bàn Thủ đô từ ngày 29/4, từ khi nam bệnh nhân sinh năm 1993 trên địa bàn huyện Đông Anh mắc. 

Đến nay 30 quận huyện của Hà Nội đều có ca mắc, có nơi có số ca lớn như Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng… 

Đáng chú ý, dịch bệnh đã vào nơi phức tạp như khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng, chợ truyền thống và các khu dân cư đông. Thậm chí vẫn có các ca bệnh không rõ nguồn lây.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, tính từ 27/4 đến nay, toàn TP.Hà Nội có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24/7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca và trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện Hà Nội đang điều trị 882 ca, luỹ tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.

img
img
img

Người dân trên địa bàn Hà Nội được tiêm vaccine trong thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Ngọc Hải).

Có thể nhận thấy, trong nửa phần đầu của thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 70 ca mắc Covid-19, gần như theo đồ thị "đi ngang" tuy có lúc lên, lúc xuống. 

Tuy nhiên, có những ngày cuối của đợt giãn cách, số ca nhiễm tăng cao hơn như ngày 30/7, TP ghi nhận 119 ca mắc Covid-19; mới nhất, từ 18 giờ ngày 5/8 đến 18 giờ ngày 6/8, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 107 ca mắc Covid-19.

Đánh giá về việc này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, số ca Covid-19 phát hiện được nhiều lên trong những ngày qua cho thấy TP đã "đánh giá đúng nguy cơ, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót lọt, đồng thời các biện pháp chống dịch đã được tăng cường".

Theo ông Tuấn, mục tiêu của TP khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là sau 15 ngày, phải "bóc" được toàn bộ các F0 đang ẩn khuất tại cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là còn có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. 

Do đó, Hà Nội tiếp tục giám sát tất cả những người sốt kèm ho hoặc đau họng, khó thở mà không cần kèm yếu tố dịch tễ như tiếp xúc F0 hoặc đến từ vùng dịch. Bất cứ ai có biểu hiện như trên, nên lập tức báo cho y tế để lấy mẫu xét nghiệm.

img
img

Dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau khi xuất hiện nhiều ca mắc ngoài cộng đồng.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu nhìn nhận, vừa qua, Hà Nội đã có cách làm đúng như xét nghiệm tất cả trường hợp phát hiện ho sốt. Mỗi ngày, Hà Nội xét nghiệm hơn 1.000 trường hợp giúp phát hiện ra các ca dương tính hay ổ dịch trong cộng đồng, sớm khống chế được ổ dịch khi phát hiện được ca đầu tiên F0, thực hiện phong tỏa hiệu quả...

Bên cạnh đó, TP cũng đã hình thành những mô hình như bảo vệ vùng xanh, tự quản cộng đồng, truy vết, xét nghiệm vùng an toàn. "Quan trọng nhất là chúng ta đã khống chế được các ổ dịch. Phát hiện ổ dịch nào thì khống chế được ổ dịch đó, gần nhất là chuỗi liên quan công ty cung ứng thực phẩm cũng đã được kiểm soát", ông Phu nói.

Theo ông Phu, hiện Hà Nội vẫn còn những ổ dịch rải rác trong các quận, huyện không phát hiện qua nguồn lây mà thông qua giám sát trường hợp ho sốt, trong khi những trường hợp ho sốt chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm".

Dịch cũng đã lây vào một số nơi như bệnh viện, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm,… đây là điều phức tạp. Bên cạnh đó, dù vừa qua TP đã triển khai một số biện pháp mạnh nhưng người dân vẫn đi ra đường khi không cần thiết, đi nơi công cộng như chợ, siêu thị… vẫn đông nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

"Vì vậy, Hà Nội cần thực hiện giãn cách tiếp để bảo vệ thành quả vừa qua. Mục đích giãn cách là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới, từ đó, truy vết, phong tỏa, ngăn vùng đỏ không lây lan, bảo vệ vùng xanh để dịch không xâm nhập", ông Phu đưa quan điểm.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8

Chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện các ly toàn xã hộ đến 6 giờ sáng ngày 23/8/2021 trên phạm vi toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 17 của TP.

Các cơ quan chức năng của TP triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người các ly với người, gia đình các ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội...

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem