Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để

Xuân Tuấn Thứ sáu, ngày 21/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Cái đói, cái nghèo đã từng ngự trị nhiều năm ở xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Vùng đất thừa tiềm năng, nhưng thiếu người khai phá được ví như “nàng tiên ngủ trong rừng” chưa được được đánh thức.
Bình luận 0
Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 1.

Đầu những năm 2000, mỗi khi nhắc đến chuyện đến các xã vùng cao của huyện Tân Lạc như Quyết Chiến, Lũng Vân, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Đường sá đi lại khó khăn, ở nơi đó, cái đói, cái nghèo còn ngự trị như bóng núi đã phủ xuống đất này bao đời.

Câu chuyện về xứ miệt rừng, chìm nghỉm trong sương đó giờ chỉ còn là hoài niệm, mấy năm gần đây, Quyết Chiến đang trở thành vựa sản xuất rau lớn của tỉnh Hòa Bình. Nhiều HTX được thành lập, đều do những người trẻ tuổi đảm nhiệm. Họ đã mạnh dạn đánh thức tiềm năng của vùng sơn cước nghèo đã "ngủ quên" bao năm nay.

Vựa rau sạch lớn nhất xứ Mường

Vượt qua con dốc đá dài gần chục km từ ngã ba chợ Lồ là lên đến xã Quyết Chiến. Ở dưới thung lũng trời nóng như đổ lửa, khí hậu tại vùng xã cao Quyết Chiến lại mát mẻ. Mấy bản vùng cao giờ còn biết tận dụng tối đa lợi thế mà thiên nhiên mang lại là trồng rau trái vụ. Cạnh những thửa ruộng bậc thang xếp tầng trải dài ngút tầm mắt là những ruộng rau trái vụ tươi tốt.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 2.

Đến thăm khu sản xuất của HTX sản xuất rau an toàn xã Quyết Thắng mới cảm nhận được sự thay đổi đến nhanh chóng ở xã vùng cao này. Mấy thanh niên Mường khỏe khoắn đang dốc sức chuyển củ cải đường Hàn Quốc lên xe tải. Từng túi củ cải trắng ngần, to bằng bắp chân, có nhiều củ to như cột nhà sàn (nặng 7kg) được đóng gói gọn gàng chuyển lên xe. Không khí lao động thật khẩn trương. Hết xe này đến xe khác nối đuôi nhau mà vẫn chưa "ăn" hết số hàng mà bà con vừa thu hoạch. Chị Đinh Quyết, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến trán lã chã mồ hôi vì phải làm việc với cường độ cao. Hết gọi điện cho các mối hàng rồi lại trao đổi với các thành viên, chị Quyết chạy đôn, chạy đáo lo đủ hàng cho đối tác.

Hình ảnh những chuyến xe tải nối đuôi nhau ăn hàng chở rau về thủ đô Hà Nội đã không còn lạ lẫm với bà con người Mường nơi đây nữa. Từ bản trên, xuống bản dưới nơi đâu cũng bàn cách sản xuất hàng hóa. Nương lúa, nương ngô biến thành vùng rau sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. 

Gia đình bà Đinh Thị Nhan, ở bản Biệng năm nay cũng trồng hơn 1ha rau su su. Từ đầu vụ đến giờ, bà không có đủ rau để bán. Giá rau trái vụ tăng cao, lên tới 10.000đ/kg. "Tiếc quá, năm nay rau được giá lại dễ bán, nhưng sản lượng su su hơi thấp do bị hạn hán từ đầu vụ. Trời đã mưa trở lại, tôi tin giờ đến cuối vụ nhà tôi cũng phải bán được vài tấn rau nữa", bà Nhan chia sẻ.

Cả ngày làm quần quật trên vườn rau, bà Nhan cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới sản xuất được những mớ rau sạch xanh mơn mởn. Trong nỗi vất vả của người nông dân, nhưng tôi lại cảm nhận được niềm vui của bà Nhan. Ngày trước cũng đầu tắt mặt tối, nhưng đói nghèo liên miên, ngày nay sản xuất rau sạch bận túi bụi từ sáng đến tối lại có thu nhập cao.

 "Một ha su su có thể thu vài trăm triệu, thậm chí cả nửa tỷ đồng, nếu như giá rau vẫn neo cao như những ngày qua", bà Nhan ngạt mồ hôi trên trán nói với ra chỗ chúng tôi.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 3.

Bà Nhan cũng chỉ tiếp chuyện nhà báo được mấy phút, bà đành cáo lỗi vì phải về nhà tiếp tục hái rau giao cho kịp. Không riêng gì bà Nhan, nhiều hộ nông dân đất Mường khác cũng đang rất vui vì rau trái vụ năm nay được giá. Các thành viên của HTX do chị Quyết làm Giám đốc thì làm tối mày tối mũi. Họ không còn đủng đỉnh như cái câu mà người Mường hay nói "ngày lui tháng tới, lợn thui, nước vác" nữa. 

Bà con đã làm thành viên HTX là tiến lên việc sản xuất hàng hóa. Việc làm ăn phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho đối tác. Chị Quyết sau cả buổi bận rộn với những xe rau, chị mới có thời gian ngồi tiếp chúng tôi. Chị là người con gái xứ Mường, bao đời gắn bó với đồng ruộng. Nay đứng ra làm quản lý cũng trải qua nhiều bỡ ngỡ. Nhưng giờ người con gái đất Mường tay cầm điện thoại, tay cầm sổ, chỉ đạo cả một vựa rau vận hành. Mỗi ngày HTX đưa cả vài tấn rau, thậm chí cả chục tấn về Hà Nội. Chưa bao giờ công cuộc sản xuất ở xã miền núi lại sôi động và phát triển nhanh như những năm gần đây.

Chị Quyết cho biết, HTX mới thành lập được vài năm, nhưng giờ là đầu tầu chủ lực để vực dậy tiềm năng của cả vùng sơn cước. Đất sản xuất ở Quyết Chiến vẫn không đủ rau cung cấp cho thị trường. Chị đã phải lên Lũng Vân, Lam Sơn để vận động bà con cho thuê đất để trồng rau. "Mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường vài chục nghìn tấn rau các loại. Sau mỗi năm, đơn đặt hàng ngày một cao hơn, nên chúng tôi cũng phải lo thêm diện tích sản xuất. Hợp đồng đã ký, mình làm không đáp ứng, họ cắt mất thì nguy", chị Quyết cho biết.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 4.

Chị Đinh Quyết, Giám đốc HTX sản suất rau an toàn Quyết Chiến đã thành công trong việc đưa rau sạch đến với người tiêu dùng. Ảnh: Xuân Tuấn.

Ở đất Mường, mọi người quen với việc sản xuất tự cung tự cấp. Họ chỉ làm đủ ăn, đủ tiêu là nghỉ, chứ ít người nghĩ đến chuyện làm giàu. Nhưng ở đất Quyết Chiến, thế hệ trẻ đã nghĩ khác. Họ biết nắm thời cơ và tận dụng sự ưu ái mà thiên nhiên tặng cho đất này. Hướng sản xuất rau trái vụ đã khơi dậy được tiềm năng của vùng đất đẹp tựa miền cổ tích này. Ngoài HTX của chị Quyết, còn có 2 HTX khác đã được thành lập HTX Nông Sản Tây Bắc và HTX Ogarnic do chị Trang làm Giám đốc. Mỗi HTX đều có mục tiêu của riêng mình, nhưng họ đồng lòng tìm cách thay đổi vùng đất đầy tiềm năng này.

Mặt trời đã trên đỉnh đầu, nắng hè mát lành nhè nhẹ tỏa xuống bình nguyên Quyết Chiến, vậy mà anh Bùi Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông sản Tây Bắc vẫn còn đang cưỡi trên chiếc máy cày hiện đại. Anh lái máy thuần thục, từng bước đứa đám đất bãi thành hàng, thành nối. Ngày trước trai Mường giỏi cày ruộng, nhưng giờ anh cũng thạo việc điều khiển máy móc hiện đại. Chẳng mấy chốc cả một khu vực rộng lớn đã được anh Dũng đưa vào khuôn khổ. Ngạt những giọt mồ hôi lã chã trên trán, anh Dũng chia sẻ: "Nhờ có cái máy cày này mà việc làm đất trở lên nhẹ nhàng. Nó đánh luống, đảo đất đều rất tốt. Chỉ có đưa máy móc và cách làm sáng tạo trên đồng ruộng mới biến Quyết Chiến thành vùng sản xuất hàng hóa được".

HTX mới thành lập được mấy năm, nhưng giờ các thành viên đã biết làm ăn bài bản. Họ còn đầu tư ô tô tải chở rau cho đối tác. "Những ngày đầu làm rau trái vụ, chúng tôi còn gặp nhiều bỡ ngỡ. Nhưng nay việc sản xuất đã đi vào quy củ, vận hành trơn tru. Năm ngoái chúng tôi cũng sản xuất được cả vạn tấn rau sạch gồm su su, bắp cải, su hào và cà chua cung cấp cho Thủ đô", anh Dũng tự hào khoe.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 5.

Mùa nối mùa trôi qua, bằng sự dũng cảm trong thay đổi cách làm, các thanh niên vùng cao đã biến Quyết Chiến thành vựa rau sạch của đất Mường. Nơi đây cũng là nơi sản xuất rau lớn của cả tỉnh Hòa Bình. Những nỗ lực của người nông dân đã làm thay đổi tư duy của cả một vùng. Tiềm năng sản xuất rau của Quyết Chiến còn rất lớn, nó vẫn đang cần những con người dám nghĩ dám làm như anh Dũng, chị Quyết và chị Trang. Đất đai chưa bao giờ phụ công người, nếu như những người nông dân có đủ quyết tâm khai phá.

Mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm

Câu chuyện thay đổi cách làm ở xã Quyết Chiến cũng là cả một quá trình dài.

Gặp ông Đinh Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cũng là một người trẻ tuổi, thuộc thế hệ 8X. Ông Khoa đã từng chứng kiến bao gian khó ở xứ miệt rừng này. Quyết Chiến nằm sát lách của nóc nhà xứ Mường Lũng Vân. Bao đời bà con tra ngô, tỉa bắp, sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Sau mỗi năm diện tích rừng bị thu hẹp, nguồn lâm sản từ rừng cũng ít dần đi, bà con mới quay sang trồng cấy. Cây ngô được coi là chủ đạo ở đất này. Từ bản cao đến bản thấp, đâu đâu cũng trồng ngô. Nó là nguồn lương thực chủ yếu giúp bà con chăn nuôi và chống đói những ngày giáp hạt. Đời nọ nối đời kia chăm bẵm trên nương độc với cây ngô. Chẳng thế mà suốt nhiều năm, người dân ở Quyết Chiến chưa thoát được cảnh làm bữa nay, lo bữa mai.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 6.

Cách đây hơn chục năm, khi con đường được mở lên vùng cao, có một doanh nghiệp đã mạnh dạn thầu lại cả mấy chục ha đất bãi của bà con để trồng hoa xuất khẩu. Họ đầu tư bài bản, nhưng do chưa nhận được sự đồng thuận của bà con có đất, nên kế hoạch đưa Quyết Chiến thoát khỏi độc canh cây ngô bị thất bại. Bẵng đi vài năm, những thanh niên trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây ngô sang trồng rau trái vụ. Bởi lẽ khí hậu ở Quyết Chiến phù hợp với việc thâm canh cây rau trái vụ như bắp cải, cà chua, su su… Ban đầu bà con trồng rau sạch để bán cho khách du lịch đi qua.

Dần dần, các hộ đã mạnh dạn trồng nhiều hơn đưa xuống chợ Lồ (chợ Lồ nằm bên đường quốc lộ 6, cách Quyết Chiến khoảng 10km bán buôn). Rau trồng ở Quyết Chiến phát triển tốt lại có chất lượng thơm ngon như rau ở Mộc Châu, Sa Pa. Từ đây, các mối lái ở các nơi bắt đầu đổ về Quyết Chiến nhiều hơn. "Khi nhu cầu tăng lên, rau lại bán được giá hơn ngô, hơn lúa, nên bà con từ chuyển đổi cách làm. Ruộng ngô, ruộng màu biến thành ruộng trồng rau trái vụ", ông Khoa cho biết thêm.

Từ vài ha ban đầu, đến giờ Quyết Chiến đã trồng được 80ha rau su su, ngoài ra còn cả mấy chục ha trồng củ cải, bắp cải và cà chua. Nhiều HTX được thành lập, bà con đã cùng nhau liên kết lại để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Những nỗ lực miệt mài không biết mỏi mỏi của người nông dân trên đồng đã được đền đáp. Cả vùng sơn cước nằm trên đỉnh mây mù, giờ thành cơ sở sản xuất rau sạch lớn nhất xứ Mường. Bà con đã thay đổi tư duy trong sản xuất là động lực thúc đẩy nền kinh tế vốn èo uột của xã sang trang mới.

Giờ đây đi qua các bản của bà con người Mường, ngoài cái màu xanh ngắt đơn sắc của đại ngàn, ở vùng đất bãi là luống cà chua, bắp cải, su hào chạy dài tới tận chân trời. Vườn su su non mớn, xanh rì phủ lên khắp các chân ruộng chũng đến vạt đồi cao. "Trồng rau trái vụ, cho thu nhập cao gấp 4-7 lần so với chính vụ. Khí hậu ở Quyết Chiến lại phù hợp với việc này, nên bà con đang khai thác tối đa lợi thế mà thiên nhiên mang lại. Từ việc chỉ bán cho khách du lịch, giờ nguồn rau của Quyết Chiến đã có mặt tại khắp các siêu thị lớn của Hà Nội. Theo đó cuộc sống của người dân cũng đang thay đổi từng ngày"- ông Khoa cho biết thêm.

Một vùng rau sạch được ví như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình" giúp nông dân nơi đây có của ăn, của để - Ảnh 7.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem