Kỳ lạ phiên chợ vùng cao một năm họp một lần, không ai bày bán thứ gì

Thứ tư, ngày 27/04/2022 12:55 PM (GMT+7)
Rất đông người đến chợ nhưng không ai mua bán thứ gì mà chỉ đứng trò chuyện, tâm sự cùng nhau.

img

Chợ phong lưu Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hằng năm.

img

Hai năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phiên chợ không diễn ra. Năm 2022, phiên chợ đã quay trở lại bình thường.

img

Mọi người đến với phiên chợ này không phải để mua bán hay trao đổi hàng hóa. Họ đến đây để được giao lưu và gặp lại người yêu cũ.

img

img

Vào ngày này, những người phụ nữ sẽ chọn cho mình một bộ váy hay quần áo đẹp nhất để diện đi hội.

img

Phiên chợ có sự tham gia của nhiều dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Kinh, Giáy… Trong ảnh, một nhóm phụ nữ người Tày mặc đồ truyền thống đi chợ tình.

img

Mọi người tìm cho mình một góc riêng, trên những mỏm đá tai mèo để chờ gặp lại người yêu cũ sau một năm xa cách.

img

img

Đến với chợ tình Khâu Vai, các cặp vợ chồng được tự do, thoải mái hẹn hò, tâm sự cùng với người yêu cũ mà không có sự bực bội hay ghen tuông.

img

Không chỉ mang tính chất phiên chợ gặp người yêu cũ, chợ tình Khâu Vai ngày nay còn là nơi để nam nữ có thể giao lưu, kết bạn và tìm hiểu lẫn nhau.

img

Nếu vì một lý do nào đó mà các cặp đôi không gặp được nhau tại phiên chợ, người ta có thể gọi điện tâm sự, hỏi thăm lẫn nhau.

img

Hết ngày 27/3 âm lịch, phiên chợ sẽ kết thúc, các cặp đôi ai về nhà nấy. Họ quay trở lại cuộc sống thường ngày với vợ, với chồng của mình. Nếu còn nhung nhớ, họ sẽ hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.

img

Đến với chợ tình Khâu Vai năm 2022, du khách còn được trải nghiệm tham quan mê cung đá, chụp ảnh với hoa tam giác mạch…

img

Mọi người cũng có thể đi dạo, chụp ảnh tại cầu tình yêu, xem triển lãm ảnh ngoài trời…

Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa trên đất Khâu Vai có chàng Ba, dân tộc Nùng có tài thổi sáo, hát hay và tốt bụng nên rất được mọi người yêu mến. Chàng đem lòng yêu nàng Út xinh đẹp, người dân tộc Giáy.

Dù được rất nhiều chàng trai trong vùng theo đuổi nhưng nàng Út đều một mực từ chối để yêu chàng Ba. Hai người si mê nhau

Thế nhưng, do nhà chàng Ba nghèo lại khác dân tộc nên gia đình nàng Út không đồng ý cho mối tình này. Sự cấm đoán gay gắt của gia đình, họ hàng không chia cắt được đôi trẻ, mà càng làm cho mối tình thắm đượm hơn. Tình yêu của đôi trai tài gái sắc bùng cháy mãnh liệt như lửa gặp gió.

Một ngày nọ, hai người rủ nhau bỏ nhà, trốn lên núi Khâu Vai ở. Chàng Ba và nàng Út ở bên nhau hạnh phúc tràn đầy, thì cũng là lúc hai gia đình, dòng tộc mâu thuẫn đến đỉnh điểm, biến thành những cuộc cãi nhau, xung đột, thậm chí đánh nhau đổ máu.

Biết tình yêu của mình là nguyên nhân gây nên nỗi hiềm khích đó, thương cha mẹ, anh em, họ tộc phải đổ máu, hai người đành gạt nước mắt chia tay để quay trở về với gia đình. Họ đã bỏ lại tình riêng kiếp này và thề nguyện kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng.

Họ chia tay nhau vào ngày 27/3 âm lịch. Khi chia tay, chàng Ba và nàng Út đã hẹn nhau nhớ ngày này năm sau cùng nhau trở lại chốn này để thổi sáo và hát cho nhau nghe; để kể cho nhau nỗi nhớ nhung mà mỗi người phải chôn chặt tận đáy lòng trong suốt một năm xa cách. Đúng như đã hẹn, một năm sau đó, chàng Ba và nàng Út đã tìm về chốn xưa như lời ước hẹn. Lần gặp nhau này, họ thấy không thể sống thiếu nhau, hai người đã ôm nhau nhảy xuống núi, để không phải sống trong nỗi mòn mỏi, nhung nhớ, chờ đợi...

Vài ngày sau, gia đình 2 bên tìm thấy xác chàng Ba và nàng Út ôm chặt nhau như không muốn rời xa dưới chân vách đá. Thương xót và ân hận, gia đình họ đã làm lễ mai táng và dựng lên hai miếu thờ, nay chính là miếu Ông và miếu Bà ở Khâu Vai. Và thế là phiên chợ độc nhất vô nhị trên cao nguyên đá có từ đó đến tận bây giờ.

Triệu Quang – Như Hoàn
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem