Khuyến lâm phát huy giá trị "rừng vàng", nhiều mô hình thu nhập 300 triệu đồng/ha

Thiên Hương Thứ hai, ngày 30/10/2023 13:09 PM (GMT+7)
30 năm đồng hành cùng người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, hoạt động khuyến lâm đã có nhiều đóng góp quan trọng, giúp người dân hiểu và sống được nhờ rừng, góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân, giữ gìn phên dậu của tổ quốc, phát huy tính đa giá trị “rừng vàng”.
Bình luận 0

Khuyến lâm phát huy giá trị "rừng vàng", nhiều mô hình thu nhập 300 triệu đồng/ha

Việt Nam có tới 3/4 diện tích là rừng và đất lâm nghiệp, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp nước ta là đất dốc, vì vậy canh tác bền vững trên đất dốc dưới hình thức nông lâm kết hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Trên cơ sở đó, nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai hàng nghìn hecta mô hình trình diễn về nông lâm kết hợp, mô hình canh tác trên đất dốc..., giúp xanh hóa nhiều đồi hoang núi trọc, đem lại giá trị lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường.  

Tại các mô hình, những người cán bộ khuyến lâm đã giúp bà con trồng kết hợp các loài cây lâm nghiệp dài ngày như lim xanh, giổi xanh, giổi ăn hạt, lát hoa, keo tai tượng, tếch, mắc ca… kết hợp với các loài cây ăn quả như: Mận, xoài, cam, bưởi, nhãn, dứa…; các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: ngô, đậu tương, lạc, sắn…, thu hút gần 3.000 hộ dân tham gia tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Khuyến lâm phát huy giá trị "rừng vàng", nhiều mô hình thu nhập 300 triệu đồng/ha  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phước trong vườn rừng gỗ lớn vừa xuống giống tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (ảnh chụp năm 2021). Ảnh: Hùng Phiên.

Đồng hành với các mô hình trình diễn, các đơn vị khuyến nông trên cả nước đã lồng ghép các hoạt động thông tin, đào tạo với các hoạt động khuyến lâm, với trên 10.000 ấn phẩm khuyến nông đã được phát hành. 

Các sự kiện khuyến nông như diễn đàn, hội thi, cùng sự phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các chương trình "Nhà nông cần biết" truyền thông trên Đài Tiếng nói Việt Nam bằng 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, phía Tây Nghệ An - Thanh Hoá, Tây Nam bộ đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân miền núi về rừng.  

Từ chỗ trước khi hầu hết bà con chỉ biết khai thác, lợi dụng rừng, qua các mô hình điểm bà con đã chuyển dần sang canh tác "lấy ngắn nuôi dài"; phát triển rừng hỗn loài, tận dụng không gian sinh dưỡng, chống xói mòn, rửa trôi đất, hỗn loài cây gỗ với các loài cây lâm sản ngoài gỗ đa tác dụng để góp phần quản lý rừng bền vững và đa dạng các nguồn thu từ sản xuất, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng được ổn định. Gần đây đã xuất hiện rất nhiều mô hình phát huy các giá trị gia tăng từ rừng như du lịch cảnh quan, du lịch trải nghiệm...

Khuyến lâm phát huy giá trị "rừng vàng", nhiều mô hình thu nhập 300 triệu đồng/ha  - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang thực địa dự án trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên (thời điểm năm 2021). Ảnh: Hùng Phiên

Những tiến bộ kỹ thuật, giống mới đã chuyển giao và phổ biến đến người dân ở vùng miền núi với những giống cây lâm nghiệp mới có nguồn gốc, năng suất và chất lượng tốt phục vụ cho trồng rừng thâm canh nguyên liệu gỗ. Minh chứng là gần 30.000ha mô hình với trên 5.000 hộ tham gia, giá trị của rừng trồng tăng từ 20-25% so với trước đây. 

Những quy trình canh tác tiên tiến, chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm trong một chu kỳ kinh doanh. Phương thức tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ được chú trọng, việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ, thu nhập của người dân trồng rừng được ổn định, các doanh nghiệp chủ động được về nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. 

Mô hình đã tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và luôn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt từ 270 - 300 triệu đồng/ha cho một chu kỳ kinh doanh.

Người sản xuất được tập huấn, đào tạo các kỹ thuật canh tác, kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất... với các chuyên đề rất thiết thực và hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng tham gia và nhu cầu của sản xuất ở từng giai đoạn khác nhau.

Khuyến lâm phát huy giá trị "rừng vàng", nhiều mô hình thu nhập 300 triệu đồng/ha  - Ảnh 3.

Các mô hình, dự án khuyến lâm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai đã góp phần đẩy mạnh chương trình trồng rừng thâm canh và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thông tin tuyên truyền đã phát hàng trăm ấn phẩm/đĩa hình kỹ thuật khuyến nông bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật về trồng rừng thâm canh phù hợp với từng đối tượng tham gia. 

Các sự kiện khuyến nông được tổ chức thường niên tại các vùng nguyên liệu tập trung với hàng chục Diễn đàn, Hội thi, hội chợ đã góp phần đẩy mạnh chương trình trồng rừng thâm canh và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ đạt chuẩn. 

Bên cạnh đó, trên 12.000 tin, bài ảnh, phóng sự đã được hệ thống truyền thông giới thiệu bằng nhiều phương thức như truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí với đa dạng ngôn ngữ (12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số - Thái, Mông, Dao vùng Tây Bắc, Cơtu vùng Bắc Trung Bộ và miền Trung; Ê đê, Jơ-rai, Ba Na, Sê Đăng, Kơ Ho, M’Nông - khu vực Tây Nguyên; Chăm khu vực Đông Nam bộ và Khơme khu vực Tây Nam Bộ), đã góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ gia đình về phát triển thâm canh rừng, đồng thời nâng cao kiến thức về quản lý rừng bền vững, rừng có chứng chỉ FSC đáp ứng nhu cầu xuất khẩu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem