Ban đầu, tôi không biết nhiều về Việt Nam

Chào anh Harold, anh đã được biết đến rộng rãi hơn sau khi được UBND.TP Hà Nội công nhận là một trong 70 cá nhân "Người tốt, việc tốt" năm 2022 hồi đầu tháng 9 nhờ những đóng góp đáng kể trong việc chăm sóc, bảo vệ và xây dựng không gian sống cho động vật hoang dã. Vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến Việt Nam? Anh có biết gì về Việt Nam trước khi đến đây làm việc không?

- Tôi phải thú nhận là tôi không có nhiều hiểu biết về Việt Nam vào thời điểm tôi được cử đến đây làm việc. Vào năm 2014, tôi làm việc tại Kosovo trong một dự án tái thả gấu nâu. Không may, dự án này không thành công vì nhiều lý do nên chúng tôi phải đưa các cá thể gấu trở về cơ sở bảo tồn gấu nâu của tổ chức FOUR PAWS (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về phúc lợi động vật - PV) tại Kosovo. Vào tháng 12/2014, tôi cùng đồng nghiệp Emily Lloyd trở về Anh. Một vài tuần sau FOUR PAWS ngỏ ý mời chúng tôi thiết kế và xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tại Việt Nam. Chúng tôi đồng ý và 4 tuần sau, tôi đặt chân đến Việt Nam.

img
img

Harold Browning - Chuyên gia cố vấn phúc lợi động vật người Anh trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Dân Việt. Ảnh Cao Oanh.

Không biết nhiều về Việt Nam, vậy điều gì thúc đẩy anh đồng ý đến Việt Nam làm việc? Có phải vì bản tính ưa khám phá và phiêu lưu của anh?

- Tôi không nghĩ mình là người đặc biệt thích phiêu lưu, mạo hiểm. Nhiều người nghe những câu chuyện của tôi thường cho rằng tôi là người ưa phiêu lưu nhưng tôi thì chưa từng nghĩ thế.

Điều đó cho thấy sự khác biệt trong nhận thức của mọi người về tôi và của chính bản thân tôi về mình.

Năm 2015 công việc của tôi xoay quanh việc giải cứu gấu và điểm đến tiếp theo của tôi để thực hiện nhiệm vụ này là Việt Nam. Chỉ đơn giản vậy thôi!

img

Lần đầu đặt chân đến Việt Nam, anh có cảm xúc gì? Cuộc sống ở Việt Nam có gì khác biệt so với cuộc sống ở Anh hay những quốc gia khác mà anh từng sống và làm việc?

- Quãng thời gian đầu tôi ở Việt Nam là những ngày khá phức tạp. Cá nhân tôi rất thích Việt Nam cho dù thời gian chuẩn bị rất gấp và không kịp tìm hiểu đầy đủ về Việt Nam trước khi đặt chân đến đây.

Trong 2 năm đầu, tôi và Emily đã gặp nhiều khó khăn và trở ngại.

Cuộc sống ở Việt Nam rất khác so với nước Anh. Tuy nhiên, Việt Nam đang hướng tới những điều khá giống với Anh.

Nước Anh và các nước phương Tây nhìn chung đã rất thành công trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh cũng như mô hình của họ thông qua phim ảnh, quảng cáo, chương trình truyền hình, v.v…

Những sản phẩm này khiến cho nhiều người nghĩ rằng việc sở hữu những món đồ vật chất như nhà cửa hoành tráng, ô tô sang, quần áo đắt tiền, v.v.. có thể khiến chúng ta hạnh phúc.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những thứ này sẽ không đem lại cho ta hạnh phúc lâu dài, mà tệ hơn, nó khiến những người không có điều kiện sở hữu chúng cảm thấy lạc lõng, thiệt thòi.

Số đông mọi người thường nhầm lẫn giữa sự tiện lợi và hạnh phúc, tôi nghĩ chúng ta cần phải tỉnh táo.

Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước xinh đẹp và có bản sắc độc đáo, các bạn hoàn toàn có thể tìm thấy giải pháp và phương hướng phát triển của riêng mình để khiến mọi người đều cảm thấy thực sự hạnh phúc.

Vậy theo anh, hạnh phúc lâu dài, bền vững đến từ đâu? Anh đã tìm thấy nó chưa? Và anh đang hạnh phúc chứ?

- Hạnh phúc rất khó định nghĩa và mỗi người chúng ta lại định nghĩa hạnh phúc theo một cách khác nhau.

Đối với tôi, hạnh phúc là cảm giác khi kết thúc một ngày dài vất vả hay một hành trình dài nào đó. Đi chơi cùng bạn bè thì cũng vui nhưng nông và ngắn ngủi. Đi xây chuồng cho hổ mệt hơn, hành trình dài hơn nhưng cuối cùng, tôi thấy niềm hạnh phúc đó lớn hơn.

Tôi có những người đồng nghiệp rất tuyệt vời và ấm áp!

Harold Browning-‘Người tốt, việc tốt’ Thủ đô: Tôi không muốn rời xa Việt Nam - Ảnh 3.

Anh Harold đang bế một con chim hồng hoàng trong cuộc kiểm tra y tế cho nó cùng với nữ đồng nghiệp Sylvia -hiện đang làm việc tại Hy Lạp. Ảnh NVCC

Điều gì khiến anh cho tới nay vẫn gắn bó với Việt Nam? Anh thích và không thích điều gì khi sống và làm việc ở đây?

- Tôi đã sống ở Việt Nam được 8 năm và đã 5 năm rồi tôi chưa về Anh vì lý do công việc. Có duy nhất một điều mà tôi không thích ở Hà Nội đó là ô nhiễm khói bụi. Tình trạng này gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tuổi thọ của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Nhiều người cũng hay than phiền về điều này điều kia như giao thông chẳng hạn, nhưng tôi không thấy chúng là vấn đề quá lớn. Đó chỉ là "mặt trái của đồng xu" - mặt phải của Hà Nội là phong cảnh rất đẹp, đặc biệt là sự phong phú và tinh thần tự do về sinh kế của mọi người.

Hà Nội cũng có rất nhiều quán cà phê, quán ăn và nhiều nơi khác để thăm thú, những địa điểm tôi thường lui tới hàng năm trời thường là vì các bạn nhân viên ở đây rất dễ thương.

Một điều mà tôi rất thích khi làm việc ở đây đó là tôi có những người đồng nghiệp rất tuyệt vời và ấm áp với tôi cho dù vốn tiếng Việt của tôi khá tệ!

Cảnh sắc thiên nhiên ở Việt Nam vô cùng xinh đẹp và đặc biệt nhưng đôi khi cũng cho tôi cảm giác rất buồn. Nhìn ngắm cây cối, côn trùng và động vật tại đây đem lại cho tôi niềm vui nhưng cũng làm tôi nhận ra đã có bao nhiêu bóng cây cổ thụ bị đốn hạ và bao nhiêu động vật đã biến mất trong vòng 50 năm qua. Những thứ bị mất đi của thiên nhiên tạo ra nhiều đứt gãy trong mối liên kết giữa muôn loài.

Cảm giác giống như bạn đi thăm một người bạn mà bạn rất yêu quý nhưng người ấy đang rất ốm yếu. Tuy nhiên, thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn hy vọng phục hồi.

Đây cũng là một phần lý do tôi ở lại Việt Nam. Việt Nam vẫn còn 1% rừng nguyên sinh sót lại và tôi may mắn có cơ hội được góp sức để bảo vệ động vật hoang dã và thiên nhiên ở đây. Với sự chung tay của đồng nghiệp và người yêu thiên nhiên, một khi còn cần tới, tôi chắc chắn sẽ ở lại và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ động vật hoang dã và thiên nhiên.

Harold Browning-‘Người tốt, việc tốt’ Thủ đô: Tôi không muốn rời xa Việt Nam - Ảnh 4.

Con gấu chó sắp được chuyển đi. Harold từng đã huấn luyện con gấu và vì vậy anh đang cố gắng làm nó bình tĩnh lại.

Anh có nhiều bạn bè là người Việt Nam không? Bạn bè, đồng nghiệp đã giúp anh hòa nhập và làm quen với cuộc sống ở Việt Nam như thế nào?

- Tôi quen biết nhiều người Việt Nam và nhiều người nước ngoài. Tôi có rất nhiều bạn và những người đồng nghiệp tốt thường giúp đỡ tôi trong cuộc sống và công việc.

Harold Browning-‘Người tốt, việc tốt’ Thủ đô: Tôi không muốn rời xa Việt Nam - Ảnh 5.

Chuyên gia Anh có sở thích chơi guitar sau những giờ làm việc vất vả. Ảnh NVCC

Sau giờ làm việc anh thường giải trí bằng cách nào?

- Hà Nội còn có một không gian âm nhạc rất thú vị. Tôi đã chơi với nhiều ban nhạc tại đây trong nhiều năm và hiện tại đang chơi trong một nhóm nhạc tên là Git. Khi hết giờ làm việc, tôi chơi nhạc… hoặc lái xe đi đâu đó để tìm ngắm động vật!

Gần 10 năm sống ở Việt Nam, chắc hẳn anh cũng đã đi nhiều nơi thưởng thức nhiều món ăn ngon ở Việt Nam. Anh có thể nấu được món ăn nào của Việt Nam không? Ở Việt Nam, anh có đi chợ hay đi siêu thị để tự nấu ăn không?

- Tôi thường tự nấu ăn ở nhà nhưng nói chung tôi nấu ăn rất đơn giản! Tôi cũng thích ăn ở ngoài và thường đi ăn cơm rang. Cá nhân tôi thích ăn khoai tây! Việt Nam có nhiều món ăn rất ngon nhưng vì tôi ăn chay nên các lựa chọn cũng hơi hạn chế.

Ngoài ra tôi cũng không phải là người quá yêu thích việc ăn uống. Thậm chí, những lúc bận, tôi có thể ăn cùng một món trong nhiều ngày cũng không sao. Tôi thường xuyên ăn bánh mì trứng!

Tôi đại diện cho rất nhiều người đang làm việc chăm chỉ và thầm lặng!

Công việc hàng ngày của anh diễn ra như thế nào ạ? Điều anh cảm thấy thú vị nhất khi làm công việc "phúc lợi động vật" là gì?

- Công việc hàng ngày của tôi là giúp các trung tâm cứu hộ về mảng chuyên môn cứu hộ và chăm sóc động vật, nói chung là làm sao để các cá thể được cứu hộ thích nghi với môi trường mới.

Ví dụ, tuần trước, chúng tôi vừa chuyển 2 cá thể chim hồng hoàng được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội về Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để tập bay trước khi tái thả.

Tôi cũng thiết kế rất nhiều chuồng trại và nội thất cho chuồng cứu hộ động vật, nghiên cứu về chế độ ăn và chăm sóc v.v…

Một giờ trước tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, chúng tôi tiếp nhận 1 cá thể rái cá sơ sinh. Tôi và đồng nghiệp có nhiệm vụ chia sẻ với nhân viên tại Trung tâm cách chăm sóc sao cho hiệu quả. Nhân viên ở đây rất chủ động và chu đáo, tôi là người đưa ra phương pháp khuyến nghị, họ sẽ là người chăm sóc trực tiếp.

Trên thực tế, tôi mong công việc của mình không tồn tại vì tôi nghĩ động vật thuộc về tự nhiên, tôi mong một ngày chúng không còn cần phải được cứu hộ nữa.

img
img
img
img

Anh Harold xây dựng chuồng trại cho động vật hoang dã tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh NVCC

Theo tôi thấy, việc chăm sóc động vật hoang dã là một công việc khá vất vả, chắc hẳn anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi công việc này, anh có thể chia sẻ với tôi về những khó khăn đó được không?

- Phần khó nhất trong công việc của tôi là khi động vật hoang dã mới đến trung tâm cứu hộ. Một khi động vật hoang dã bị tách ra khỏi tự nhiên, sẽ rất khó để đưa chúng quay trở về nhà.

Động vật hoang dã bị bắt ra khỏi nơi sinh sống của chúng sẽ gây tổn hại cho không chỉ chúng mà còn là cả khu vực rừng mà chúng sinh sống, sau đó là rất nhiều thời gian công sức tiền bạc để có thể chăm sóc khi chúng được cứu hộ. Chúng ta đang ở thời điểm mà rất nhiều loài động vật đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (như loài hổ tại Việt Nam chẳng hạn). Nếu rừng ở Việt Nam không được phục hồi, những loài như loài hổ sẽ không có cơ hội quay trở lại tự nhiên nữa, sau đó những loài khác dần dần biến mất.

img

Vào tháng 10 vừa qua, anh được vinh danh "Người tốt việc tốt" của Thủ đô nhờ chăm sóc, xây dựng không gian sống cho động vật hoang dã từng bị buôn bán, cảm xúc của anh ra sao khi những nỗ lực của anh được ghi nhận?

- Có 2 điều mà tôi cảm thấy: Thứ nhất, đây là một vinh dự rất lớn. Tôi rất cảm kích tới những cá nhân và tập thể đã đề cử danh hiệu này cho tôi và tổ chức một buổi lễ vinh danh rất trang trọng.

Tôi vinh hạnh được đứng chung sân khấu với những người có đóng góp rất tích cực cho cộng đồng, một số người còn mạo hiểm cuộc sống của họ để giúp đỡ người khác như các chiến sĩ công an, kiểm lâm hay bác sĩ. Danh hiệu này cũng nói lên một điều đáng mừng là vấn đề bảo tồn thiên nhiên đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm nhiều hơn.

Thứ hai, tôi nghĩ đây không phải là ghi nhận dành riêng cho tôi bởi những thành tựu mà tôi đạt được không phải là kết quả làm việc của riêng tôi mà là của tất cả những người đã và đang làm việc cùng tôi: Những người chăm sóc thú, cho thú ăn, dọn dẹp chuồng trại, bác sĩ thú y, các nhân viên tổ chức, phiên dịch, văn phòng, lãnh đạo của các trung tâm cứu hộ, v.v… Tôi chỉ là một điểm nhấn đại diện cho rất nhiều người đang làm việc chăm chỉ và thầm lặng.

Sau khi nhận được danh hiệu "Người tốt việc tốt", cuộc sống và công việc của anh có gì thay đổi không?

- Không có gì nhiều, hàng xóm có nói với tôi là họ thấy tôi trên TV! Ngoài ra tôi nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ nhiều đơn vị báo chí nhưng ít khi nhận lời vì thời gian có hạn.

Trong gần 10 năm sống và làm việc ở Việt Nam, anh thấy nhận thức của người Việt Nam trong việc bảo vệ động vật hoang dã có thay đổi không?

- Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong 8 năm qua khi tôi đến đây. Bộ luật hình sự đã thay đổi, có những điều luật và chỉ thị mới để bảo vệ động vật hoang dã, thái độ của mọi người đang thay đổi theo hướng quan tâm và ủng hộ nhiều hơn trong vấn đề phúc lợi động vật.

Dù mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, nhưng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước để tìm ra hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất cho việc bảo tồn động vật hoang dã. Hoàn cảnh của Việt Nam là độc nhất và do đó chúng ta cần tìm một giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam.

Tôi mong muốn ở lại Việt Nam!

Harold Browning-‘Người tốt, việc tốt’ Thủ đô: Tôi không muốn rời xa Việt Nam - Ảnh 8.

Phóng viên Dân Việt trò chuyện với anh Harold tại Tòa soạn Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. Ảnh Cao Oanh.

Anh đi xe máy gần 50 km từ trung tâm Hà Nội tới nơi làm việc ở Sóc Sơn, bất kể mưa hay nắng và thường có mặt sớm hơn 30 phút. Anh có thể chia sẻ với tôi về trải nghiệm đi xe máy đi làm của anh được không? Anh đã học cách đi xe máy thế nào?

- Xe gắn máy luôn là một phần cuộc sống của tôi. Tôi thường chạy xe quanh nông trại của gia đình ở Anh từ khi còn rất nhỏ. Chiếc xe máy đầu tiên của tôi tại Việt Nam rất hay hỏng hóc và thường hỏng ở những nơi đồng không mông quạnh nên tôi chỉ còn cách là phải tự học sửa xe.

Với tôi quãng đường 50km đi làm khá bình thường, tôi không bận tâm nhiều về khoảng cách này cho lắm.

Dạo gần đây Việt Nam ngày càng có nhiều ô tô hơn nhưng đường xá vẫn chưa kịp thích ứng nên quãng đường đi làm của tôi trở nên hơi chật chội.

Tôi mong chúng ta sẽ có nhiều phương tiện đi lại công cộng hơn là có quá nhiều ô tô. Như vậy nhiều nơi của Hà Nội có thể trở thành những vùng không khói xe, sẽ dễ chịu hơn cho người dân và đỡ ô nhiễm hơn.

Điều gì giúp anh vượt qua được những khó khăn trong công việc cũng như việc phải sống xa nhà?

- Cả đời tôi là một chuỗi khó khăn luôn (cười)! Tôi nghĩ mình đã quen với khó khăn trong cuộc sống và công việc rồi.

Tôi có quen một số người có tinh thần lao động tuyệt vời và rất ham học hỏi, vậy nên tôi thường tự động viên mình phải cố gắng đặc biệt là trong những tình huống khó khăn.

Tôi hiểu mình rất rõ và khá thành thật với bản thân, 2 đặc điểm này hỗ trợ tôi nhiều trong cuộc sống.

- Thật tuyệt khi hiểu được bản thân mình một cách rõ ràng. Vậy mong muốn của anh là gì? Anh có muốn gắn bó lâu dài với công việc ở Việt Nam không?

Tôi sẽ chỉ rời Việt Nam trong 2 trường hợp: Một là tôi không còn có ích nữa, 2 là tôi không còn được cần đến.

Ngoài 2 trường hợp này ra, tôi mong muốn ở lại Việt Nam và tiếp tục công việc hỗ trợ việc bảo tồn động vật hoang dã ở bất kì mảng nào có thể. Nếu đọc giả nào đã đọc đến đây rồi mà có thể "tài trợ" cho tôi trở thành công dân Việt Nam thì hãy nói cho tôi biết nhé (cười)!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem