Giá điện tăng giữa cao điểm nắng nóng: EVN nói gì?

An Linh Thứ năm, ngày 04/05/2023 17:21 PM (GMT+7)
Trả lời hàng loạt vấn đề nóng về tăng giá điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trấn an dư luận đồng thời bày tỏ việc tăng giá điện ở mức 3% chỉ giảm thiểu khó khăn cho EVN, chưa thể giúp EVN bù đắp số lỗ lớn năm 2022, khoảng 1,1 tỷ USD.
Bình luận 0

Chiều 4/5, tại cuộc họp báo về việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 3% (1.864,44 đồng lên mức 1.920,7 đồng, tương ứng 55,9 đồng) bắt đầu từ ngày 4/5, lãnh đạo EVN cho biết mức tác động của tăng giá điện đối với nền kinh tế là không đáng kể.

Lãnh đạo EVN: "Tác động tăng giá điện đến đời sống là không đáng kể"

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Việc tăng giá điện 3%, ước tính doanh thu 8 tháng cuối năm của EVN tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN.

Giá điện tăng giữa cao điểm nắng nóng: EVN nói gì? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam họp báo về tăng giá điện 3% ngày 4/5 (Ảnh An Linh)

Về tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI, lãnh đạo EVN cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê nếu giá điện bán lẻ tăng bình quân 5%, CPI sẽ tăng 0,17%; thực tế giá điện chỉ tăng 3% thấp hơn nhiều so với mức nghiên cứu tác động đến CPI, do đó tác động đối với nền kinh tế là không nhiều.

Ông Nam khẳng định, việc tăng giá điện 3% góp phần giảm thiểu khó khăn cho EVN, tập đoàn này vẫn có kế hoạch tiết giảm chi phí, nỗ lực giảm chi thường xuyên. Trong đó năm ngoái chi thường xuyên cắt giảm 10%, năm 2023 dự kiến sẽ cắt giảm chi thường xuyên 15%; với các khoản sửa chữa lớn, năm 2022 cắt giảm 10%, với năm 2023 sẽ cắt giảm 13%. Bên cạnh đó cũng cắt giảm chi phí nhân công, tiền lương.

Về đánh giá tác động đối với nhóm khách hàng là hộ tiêu dùng điện trong thời điểm nắng nóng cận kề, ông Vũ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh: Với việc tăng 3% giá điện, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ.

Số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Đối với hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Đối với hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng, số tiền tăng thêm là là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng, số tiền tăng thêm sẽ là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Trước lo ngại EVN có thể tăng giá thêm trong thời điểm cuối năm, ông Nguyễn Xuân Nam nhấn mạnh: Theo Quyết định 24/2017/QĐ-CP, thời gian tăng giá điện tối thiểu giữa 2 lần không quá 6 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem