“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 1.

Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng tôi cũng nhận được cái "gật đầu" nhận lời phỏng vấn của Nguyễn Trần Duy Nhất vào những ngày cận Tết. Đơn giản, võ sĩ được mệnh danh "độc cô cầu bại" quá bận khi cùng lúc quán xuyến 2 võ đường, chỉ đạo học trò thi đấu One Muay Championship và tham gia biểu diễn tại Liên hoan võ thuật TP.HCM: "Tôi xin lỗi bởi không kịp trả lời lịch hẹn! Sau khi thi đấu giải vô địch Muay Thái thế giới cuối năm 2021 tại Bangkok (Thái Lan) trở về, công việc dồn lại nhiều quá. Tất cả những gì tôi làm đều hướng tới 1 cái đích duy nhất: Làm sao quảng bá Muay Thái và võ thuật cổ truyền Việt Nam, giúp mọi người biết đến nhiều hơn, cảm nhận rõ về truyền thống thượng võ của dân tộc", Nguyễn Trần Duy Nhất mở đầu cuộc trò chuyện cùng Dân Việt.

Có cảm giác rất lạ khi Nguyễn Trần Duy Nhất là hậu duệ đời thứ 4 của Tấn Gia Quyền (Lò Tấn) uy danh trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhưng anh khẳng định tên tuổi trên võ đài Muay Thái?

- Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ngấm vào tôi từ trong huyết quản. Thuở nhỏ, mỗi khi mở mắt ra chào buổi sáng tôi đã thấy ông nội (cố võ sư Nguyễn Trần Diêu ngoại hiệu là Tấn Diêu), ba (võ sư Nguyễn Trần Diệu còn được gọi là Tấn Diệu), mẹ (nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, biệt danh Minh Ánh Ngọc, hậu duệ của cố võ sư Minh Cảnh từng vô địch quyền anh Đông Dương) hướng dẫn cho các anh chị đứng tấn, đi quyền, múa kiếm.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 2.

Mọi thứ thấm dần vào tôi một cách vô cùng tự nhiên như hơi thở vậy. Năm 6 tuổi tôi bắt đầu luyện võ, ban đầu cũng chỉ đứng tấn hoài. Cứ khởi động làm nóng cơ thể xong là đứng tấn cả buổi. Người không đam mê võ thuật sẽ cảm thấy rất nhàm chán bởi mãi mà chẳng được học "chiêu thức" gì như các anh chị đồng môn. Sau này nhìn lại, tôi mới thấy nhờ quãng thời gian chỉ đứng tấn và… đứng tấn như vậy đã giúp tôi có bộ chân vững chắc khi thi đấu, tránh được những chấn thương, giữ thăng bằng tốt khi ra đòn tấn công cũng như phòng thủ. Đó cũng là thói quen, giờ tôi vẫn đứng tấn 20-30 phút mỗi ngày.

Chiêu thức đặc biệt của Lò Tấn giúp có thể phân biệt với các môn phái khác chính là đòn cùi chỏ và đòn gối. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của nó đôi khi không thể diễn tả được bằng lời. Mỗi võ sĩ chỉ có thể lĩnh hội, ngộ ra được nhờ tố chất bẩm sinh, quá trình khổ luyện và thực tiễn thi đấu. Võ cổ truyền Việt Nam có một thời gian dài không sử dụng kỹ thuật chỏ và gối nên năm 2008 khi 19 tuổi từ Lâm Đồng lên TP.HCM học Đại học TDTT chuyên ngành huấn luyện thể thao, tôi đã quyết định chuyển sang Muay Thái.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 3.

Và chỉ mất đúng 1 năm sau khi tập Muay Thái, Nguyễn Trần Duy Nhất đã giành HCB SEA Games 2009 tại Lào…

- Đó là kỳ SEA Games đầu tiên gắn với thất bại đáng nhớ nhất của tôi tính tới lúc này. Ngày ấy mình mới 20 tuổi, vô cùng tự tin và sung mãn bước lên võ đài thi đấu chung kết với võ sĩ Thái Lan Teerawat Wannalee.

Tôi đã thi đấu rất tốt, lấn lướt đối thủ nhưng cuối cùng lại bị các trọng tài chấm thua điểm cay đắng. Từ nhà thi đấu trở về phòng tôi đã bật khóc vì quá buồn, thất vọng. Nhưng suy nghĩ lại, tôi tự hỏi tại sao mình không cố gắng nhiều hơn nữa. Thay vì thắng điểm, hãy cố gắng thắng knock-out tuyệt đối thì trọng tài có muốn ưu ái đối thủ cũng không được.

"Cú ngã" đầu tiên trong sự nghiệp đó giúp tôi phát triển hơn trong sự nghiệp của mình. Tôi lao vào luyện tập chăm chỉ để có những đòn đánh uy lực, dứt điểm tốt hơn.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 4.

Trong 14 năm theo đuổi niềm đam mê Muay Thái và gần 30 năm luyện võ, bên cạnh trận thua kể trên, chiến thắng nào mà Duy Nhất nhớ nhất?

- Tôi thường hay quên những trận thắng để tập trung vào hồi phục thể trạng, tập luyện, chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu tiếp theo. Những thất bại khiến tôi nhớ hơn và tôi muốn kể thêm một trận thua nữa.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 5.

Đó là một giải đấu Thái Lan mời tôi sang thi đấu với võ sĩ của họ. Ban đầu khi thách đấu, họ chỉ đưa ra một đối thủ "đồng cân đồng lạng" với tôi. Nhưng lên võ đài, tôi lại thấy một võ sĩ khác, bự hơn tôi tới 5kg. Tôi không hiểu sao lại kỳ vậy nhưng vẫn chấp nhận, quyết tâm thi đấu.

Trận đó tôi đánh cũng tốt nhưng trên sân nhà người ta nên cũng bị trọng tài chấm thua. Những bài học như vậy giúp tôi mạnh mẽ hơn, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.

Thực tế, người hâm mộ chỉ chứng kiến những giây phút "vỡ oà", ăn mừng của các VĐV, các võ sĩ trên thảm đấu mà không biết những chông gai mà họ phải trải qua mà nếu không có đam mê thì không thể vững vàng đi tiếp.

Giải vô địch Muay Thái thế giới 2011, tôi đã đánh thắng 7 võ sĩ trong 7 đêm liên tục. Đến trận cuối cùng tranh HCV với võ sĩ chủ nhà Thái Lan, tôi tiếp tục thắng và giành HCV. Nhưng sau trận đấu đó trở về, cơ thể ê ẩm, tôi bị đi tiểu ra máu suốt 1 tháng trời mới hồi phục.

Ban đầu cũng cảm thấy lo ngại nhưng sau khi tham khảo ý kiến từ các bác sĩ thể thao, tôi biết là khi thi đấu với cường độ cao như vậy, cơ thể không tránh khỏi tổn thương bên trong, máu bầm tích tụ. Khi mình uống thuốc tan máu bầm thì nó sẽ thải ra ngoài. Đó là giải đấu, chiến thắng ấn tượng nhất của tôi.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 6.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 7.

VĐV thường xuyên phải đối mặt với chấn thương. Vậy đâu là chấn thương ám ảnh nhất đối với Duy Nhất?

- Điều lo lắng nhất với mọi VĐV luôn là chấn thương. Khi được tập luyện, thi đấu, tôi mới là chính mình. Chấn thương khiến mọi hoạt động đảo chiều, tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều với câu hỏi: Liệu bao giờ mình có thể trở lại và trở lại có còn được như trước?

Tôi còn nhớ chấn thương thời điểm năm 2012 trong một trận tranh đai bán chuyên nghiệp với võ sĩ Thái Lan. Hiệp 1 và 2 tôi đã thắng điểm rồi. Hiệp 3 muốn đánh đòn chỏ knock-out đối phương nhưng trên đà ra đòn, đầu đối phương lại cúi xuống, va chạm rất mạnh khiến tay phải của tôi bị gãy. Lúc thi đấu còn nóng chỉ thấy đau. 30 giây cuối tôi chỉ còn 2 chân và 1 tay trái cố gắng duy trì hết trận. Sau về chụp phim mới thấy tay bị gãy.

Chấn thương này khiến tôi mất 6 tháng không thể tập luyện được gì, khi trở lại cũng rất hạn chế ra đòn bằng tay phải. Có lẽ phải hơn 1 năm sau mọi thứ mới hoàn toàn bình thường. Đó là khoảng thời gian thật sự tồi tệ trong sự nghiệp của tôi.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 8.

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trần Duy Nhất được giới truyền thông Việt Nam đặt biệt danh "độc cô cầu bại". Chứng kiến hậu duệ Lò Tấn bước lên võ đài, tất cả luôn cảm nhận được khí phách, đạo võ, tôn trọng bản thân và đối thủ. Bộ pháp di chuyển linh hoạt giúp Duy Nhất tránh được đòn hiểm của đối thủ. Càng nghiên cứu kỹ Duy Nhất để hoá giải đòn chỏ, gối sở trường mang thương hiệu Tấn Gia Quyền thì đối thủ lại dễ phải "trả giá" bởi đòn chân tầm cao với tốc độ cực nhanh và nặng của Duy Nhất. Đòn chân ấy đã giúp Duy Nhất khiến các cao thủ Trung Quốc, Nhật Bản… bị khuất phục, mà minh chứng rõ nhất là cú đá hạ đo ván Yuta Watanabe tại đấu trường ONE Championship 2019. Dũng mãnh trên thảm đấu bao nhiêu, Duy Nhất lại lễ độ bấy nhiêu khi giao tiếp, cung kính khi nói về ông bà, cha mẹ…

7 lần vô địch muay thế giới là một thành tích mà không phải VĐV nào cũng có thể làm được, đặc biệt ở môn võ truyền thống của Thái Lan. Duy Nhất nghĩ sao về biệt danh "độc cô cầu bại"?

- Tôi còn nhớ sau lần thứ 5 giành HCV thế giới năm 2014, trở về Việt Nam, ngủ một giấc sáng hôm sau dậy tôi thấy các bài báo viết mình là "độc cô cầu bại".

Hồi nhỏ, cũng như nhiều bạn bè cùng lứa 8x, tôi có xem phim kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung nên cũng biết nhân vật giả tưởng này và rất bất ngờ khi mình được ví như vậy. Gọi cho vui cũng được, tôi cũng không suy nghĩ nhiều đến biệt danh đó. Tôi luôn tự nhủ mình còn phải học hỏi thêm rất nhiều.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 9.

Ngay trong làng Muay Thái, tôi hâm mộ huyền thoại Buakaw Banchamek của xứ sở chùa vàng. Tôi đã có dịp giao lưu trực tiếp cùng anh Buakaw hồi đầu năm 2018 tại TP.HCM, xem băng hình, clip ghi lại các trận đấu của Buakaw và học hỏi được rất nhiều. Ngoài ra, tôi cũng thích những đòn đánh đẹp mắt trong phim "Truy tìm tượng phật" của ngôi sao võ thuật, diễn viên Thái Lan Tony Jaa. 

Nguyễn Trần Duy Nhất đang là thần tượng võ thuật của giới trẻ. Bản thân anh cũng có thần tượng chứ?

- Như tôi đã nói ở trên, tôi rất mê Lý Tiểu Long, không chỉ ở tài năng võ thuật mà còn cách ông luôn cố gắng giao lưu, học hỏi, kết bạn, quảng bá võ thuật Trung Hoa, trong đó có võ phái Triệt Quyền đạo mà ông sáng lập trên bình diện quốc tế.

Còn ở Việt Nam, thú thực tôi chỉ thần tượng ba mẹ mình. Tôi đã có dịp đi nhiều nơi, gặp gỡ các võ sư tiền bối thấy ai cũng kể về những câu chuyện về ba mẹ tôi thời xưa với sự nể trọng.

Lời dạy nào của ông nội và ba mẹ mà Duy Nhất mãi khắc cốt ghi tâm?

- Đó là điều tâm niệm cuối cùng trong 10 điều tâm niệm của Tấn Gia Quyền "thắng không kiêu, bại không nản". Khi còn sống, ông nội tôi luôn nhắc tôi phải luôn cố gắng hơn nữa, không được hài lòng với bản thân, với những gì mình đạt được. Ông nhắc đi nhắc lại tôi phải luôn tôn trọng bản thân và tôn trọng đối thủ mỗi khi lên võ đài.

Ba mẹ thì luôn dặn dò tôi phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, đó là điều quan trọng nhất mỗi khi thi đấu. Thứ 2, là phải tập trung thể hiện tốt nhất khả năng của mình sao cho khi bước xuống sàn đài không có gì phải hối tiếc.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 10.

Đó cũng là "khẩu quyết tâm pháp" mà Duy Nhất truyền lại cho các đệ tử khi theo học ở võ đường Lò Tấn?

- Hiện tại tôi có 2 võ đường ở quận 1 và quận 5 TP.HCM. Nhà riêng của tôi cũng có một phòng tập. Ước tính, hàng ngày võ sinh ra vào tập luyện võ cổ truyền, boxing, muay thái… ở võ đường cũng khoảng 200 người. Tôi rất muốn làm sống lại võ tự do Việt Nam xưa kia.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 11.

Trong số các võ sinh của tôi, đa phần tới tập luyện để rèn luyện sức khoẻ, có thân hình đẹp, giảm stress sau những giờ làm việc căng thẳng. Không ít nghệ sĩ cũng theo học ở võ đường của tôi như ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, nghệ sĩ kịch Mỹ Uyên… Một số khác là các bạn có năng khiếu, tố chất võ thuật được tôi tuyển sinh. Tôi dạy miễn phí cho họ, những người có khả năng sẽ được đăng ký thi đấu. Khi có kinh nghiệm, tôi sẽ dạy cho họ làm HLV đứng lớp mỗi khi tôi bận tập trung đội tuyển, đi thi đấu nước ngoài.

Nhưng dù là tập võ cho khoẻ hay đi theo con đường chuyên nghiệp đều phải thấm nhuần truyền thống tôn sư trọng đạo, tinh thần chính nghĩa của võ đạo. Võ thuật cổ truyền Việt Nam có câu: "Học văn cho võ bớt phu/Học võ cho văn bớt nhược". Võ thuật nói riêng và thể thao nói chung cuối cùng cũng hướng tới vị nhân sinh, giúp cho cuộc sống của con người thật hạnh phúc, viên mãn.

Tôi được biết, cũng chính võ đường là nơi Duy Nhất tìm thấy "một nửa" của mình…

Năm 2015 tôi sang Thuỵ Điển thi đấu giải vô địch thế giới và để lại phòng tập cho em trai Nguyễn Trần Tự Do quản lý. Vợ tôi đến đăng ký tập luyện cho khoẻ và gặp tôi sau khi giành HCV trở về.

Nghe mọi người nói cô ấy cũng chỉ biết sơ qua tôi là VĐV võ thuật thôi chứ cũng không hiểu gì về Muay Thái do thời điểm đó các giải đấu trong nước và quốc tế chưa được quảng bá trên truyền thông như bây giờ. Gặp nhau, tôi và cô ấy nói chuyện hợp gu, vậy là tiến tới luôn (cười). Đến giờ trong tổ ấm hạnh phúc của chúng tôi đã có 2 bé gái, bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi. Mỗi khi đi thi đấu xa nhà, vợ lại chụp hình 3 mẹ con gửi kèm theo lời nhắn: "Ba ơi cố lên" giúp tôi có thêm quyết tâm, động lực chiến thắng.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 12.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 13.

Trong suốt cuộc trò chuyện cùng Dân Việt, Duy Nhất luôn nở nụ cười thường trực như để cân bằng với những nét rắn rỏi trên gương mặt con nhà võ. Câu chuyện của chúng tôi thi thoảng được điểm xuyết bởi tiếng chim hót líu lo trong khu vườn nhà anh ở Lâm Đồng. Duy Nhất kể gia đình có 4 anh chị em, giờ đều sinh sống, làm việc ở TP.HCM. Ở quê chỉ còn bà nội và ba mẹ nên dù bận đến mấy, các dịp lễ tết Duy Nhất và anh chị em vẫn thường tranh thủ về nhà dùng bữa cơm, thăm hỏi sức khoẻ người thân rồi mới yên tâm trở lại với công việc thường nhật: "SEA Games 31 có lẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của tôi. Đại hội được tổ chức ở Việt Nam nên cũng là cơ hội để ba mẹ và người thân có điều kiện trực tiếp xem tôi thi đấu. Tôi đã không thể bước lên bục cao nhất trong 4 lần dự SEA Games 2009, 2013, 2017, 2019 và sẽ nỗ lực hết mình để giành tấm HCV còn thiếu trong bộ sưu tập của mình", Duy Nhất thể hiện quyết tâm.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 14.

Tưởng như vô lý nhưng sự thật là giành HCV SEA Games ở môn Muay Thái lại khó hơn giành HCV thế giới?

- Muay là môn võ truyền thống của Thái Lan nên họ có rất nhiều võ sĩ giỏi, mức độ cạnh tranh của các trận đấu cũng rất khốc liệt, không thua kém gì giải vô địch thế giới. Một điều cần tính đến nữa chính là cách chấm điểm có phần cảm tính của các trọng tài cùng với những "trục trặc" kỹ thuật khác mà VĐV ở các môn võ đều phải đối mặt chứ không riêng gì VĐV Muay Thái. 

Tôi kể lại một câu chuyện gần nhất là ở giải vô địch Muay Thái thế giới 2021 cuối năm qua ở Thái Lan, tôi đã thua điểm võ sĩ người Pháp Florent Louis Joseph.

Kết quả này cũng rất đáng tiếc và có một chút lý do khách quan. Ít ai biết là đến giữa hiệp 2 mới hiện điểm hiệp 1. Nếu biết kết quả thua điểm ở hiệp 1, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong hiệp 2 để gỡ lại, thay vì lựa chọn phân phối sức, thua luôn hiệp 2 và nỗ lực thắng điểm trong hiệp 3 đã quá muộn.

Sau giải thế giới vừa qua, tôi xác định cần hoàn thiện thêm về mặt thể lực để có thể đối đầu với các võ sĩ trẻ hơn mình tại SEA Games 31. Muốn giành HCV SEA Games, cách tốt nhất, thuyết phục nhất là đánh knock-out đối thủ.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 15.

Duy Nhất đã nghiên cứu về các đối thủ tại SEA Games 31 chưa?

- Đến lúc này tôi vẫn chưa biết đối thủ của mình là ai. Phải tới tháng 3, các nước mới đăng ký danh sách thi đấu. Tuy nhiên, tôi cũng xác định các võ sĩ Thái Lan vẫn là đối thủ lớn nhất. Việc của mình là phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt để có thể bước vào SEA Games với thể trạng tốt nhất.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 16.

Kế hoạch cụ thể của Duy Nhất ra sao?

- Đội tuyển Muay Thái được nghỉ Tết về bên gia đình và sẽ tập trung lại vào ngày mùng 6. Nhưng ngay trong những ngày Tết, tôi vẫn phải duy trì chế độ dinh dưỡng của VĐV. Hàng ngày, kể cả mùng 1 Tết vẫn tập 4 tiếng sáng, chiều để duy trì thể lực.

Sau khi đội tuyển tập trung trở lại, chúng tôi sẽ có chuyến tập huấn Mũi Né. Sau đó, toàn đội sẽ tới Vĩnh Phúc (địa diểm diễn ra môn Muay Thái SEA Games 31) tập huấn trong khoảng 1 tháng trước thềm SEA Games để làm quen điều kiện thời tiết, sàn đấu… Cường độ tập luyện khi đội tuyển tập trung cũng tăng lên 7-8 tiếng/ngày sáng, chiều, tối. Chủ Nhật là ngày nghỉ duy nhất trong tuần, các VĐV chạy bộ khoảng 10km để thả lỏng, hồi phục sẵn sàng cho tuần tập luyện tiếp theo.

Điều tôi cảm thấy mừng là lúc này Việt Nam đang có rất nhiều VĐV trẻ tiềm năng. Các bạn trẻ rất thông minh, tiếp thu bài tập rất nhanh. Thể hình, thể trạng của VĐV bây giờ cũng tốt hơn thế hệ chúng tôi do được ăn uống, dinh dưỡng tốt, trang thiết bị tập luyện lại đầy đủ.

Tôi tin trong những năm tới đây, thể thao Việt Nam sẽ có thêm những võ sĩ tài năng làm rạng danh truyền thống võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 17.

Lời khuyên của Duy Nhất dành cho thế hệ trẻ đam mê võ thuật Việt Nam?

- Yêu thích thể thao hay võ thuật đều rất tốt, giúp mình có sức khoẻ. Khi mới bắt đầu tập luyện, hãy nghĩ tới lợi ích về sức khoẻ trước nhất. Trong quá trình tập luyện, nếu mình thật đam mê thì hãy lựa chọn theo con đường thi đấu chuyên nghiệp như chúng tôi.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 18.

Đã là VĐV chuyên nghiệp thì thật sự phải hy sinh vì nó chứ không thể tập chơi được. Một điều nữa là phải luôn song hành giữa tập luyện thể thao và học văn hoá. Sau này khi càng phát triển trong sự nghiệp, các bạn sẽ thấy sự bổ trợ không thể tách rời giữa văn và võ.

Gia đình tôi có truyền thống võ học nhưng ba mẹ luôn nhắc tôi phải học thật tốt rồi mới được tập võ. Nếu như mọi người học 4 năm là tốt nghiệp Đại học TDTT TP.HCM thì tôi mất 6 năm mới ra trường do vừa học, vừa tập luyện thi đấu. Trong tương lai, nếu có điều kiện tôi muốn học tiếp lấy bằng thạc sĩ và cao hơn nữa… Như vậy, sau khi nghỉ thi đấu, tôi vẫn có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong vai trò võ sư theo truyền thống gia đình; đồng thời nghiên cứu, sáng tạo, quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn Nguyễn Trần Duy Nhất vì đã dành thời gian cho Dân Việt Trò Chuyện. Chúc Duy Nhất hoàn thành mục tiêu giành HCV SEA Games và xa hơn là tấm HCV ASIAD 2022 trong lần đầu tiên dự Á vận hội!

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 19.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 20.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 21.

“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất: “Tôi mang sứ mệnh quảng bá võ thuật Việt Nam” - Ảnh 22.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem