Đại diện WHO tại Việt Nam: "Đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta không được mất cảnh giác"

Diệu Linh Thứ hai, ngày 08/05/2023 17:51 PM (GMT+7)
Ngày 8/5, đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, dù không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang tồn tại và không được mất cảnh giác.
Bình luận 0

Chiều 8/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Bộ Y tế đã gặp gỡ báo chí thông tin về các biện pháp ứng phó với Covid-19. 

Trước đó, WHO đã chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của Covid-19.

Covid-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ và cực kỳ nghiêm trọng

Tại buổi thông tin, bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, tuy chúng ta tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không phải Covid-19 biết mất mà Covid-19 vẫn tồn tại.

Về lý do mà WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, bà Angela Pratt nhắc lại vào cuối năm 2019 đầu năm 2020, chúng ta đã chứng kiến sự kiện chưa từng có tiền lệ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc với số mắc và tử vong lớn. 

Đại diện WHO tại Việt Nam: "Đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta không được mất cảnh giác" - Ảnh 1.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh CTV

Tại thời điểm đó WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

"Hiện nay tình trạng thích ứng với Covid-19 đã trở nên tốt hơn. Chúng ta thấy giảm thiếu các số ca nhập viện, giảm số ca phải chăm sóc tích cực và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh.

Chiều tối 8/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 2.055 ca Covid-19 mắc mới và 84 bệnh nhân đang thở oxy. Trong ngày cũng ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh.

Một điều lớn có thể còn nhờ vào việc chúng ta có được miễn dịch tự nhiên do số lượng mắc trong cộng đồng rất nhiều. Như vậy, WHO đánh giá rằng đây không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ và cực kỳ nghiêm trọng nữa.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nghĩ đến việc cần thay đổi công cụ để ứng phó và phòng ngừa Covid-19. Do đó, tuần qua, WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Nhưng có 1 điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây, khi mà WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa hay là Covid-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Chúng ta không được mất cảnh giác với Covid-19", bà Angela Pratt chia sẻ. 

Đại diện WHO tại Việt Nam: "Đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta không được mất cảnh giác" - Ảnh 2.

Đại diện WHO và đại diện Bộ Y tế tại buổi chia sẻ thông tin. Ảnh CTV

Không thể coi Covid-19 như cúm mùa

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên coi Covid-19 như cúm mà, bà Angela Pratt cũng cho rằng, Covid-19 và cúm mùa không giống nhau. 

"Có thể thấy rằng cúm mùa và Covid-19 có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên vẫn không thể coi Covid-19 như cúm mùa.

Thứ nhất Covid-19 không theo mùa. Cúm mùa thường vào mùa đông nhưng Covid-19 ở nhiều quốc gia không hề theo mùa, có thể lây lan ở bất cứ loại thời tiết nào. 

Thứ 2, Covid-19 vẫn còn là bệnh mới mẻ đối với chúng ta. Chúng ta mới có 4 năm làm quen với Covid-19 trong khi đó các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, về các hành vi của virus, về các loại hình bệnh tật…", bà Angela Pratt phân tích. 

Bà Angela Pratt nhấn mạnh thêm một lần nữa: "WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không phải chúng ta chấm dứt đại dịch Covid-19". 

Đại diện WHO tại Việt Nam: "Đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta không được mất cảnh giác" - Ảnh 3.

GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đánh giá hiện nay virus SARS-CoV-2 vẫn rất khó lường, đánh giá rủi ro vẫn ở mức nguy cơ cao. Ảnh CTV

GS.TS.Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đánh giá hiện nay virus SARS-CoV-2 vẫn rất khó lường, đánh giá rủi ro vẫn ở mức nguy cơ cao. 

Dù rằng số mắc, số tử vong giảm trên phạm vi toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có sự thay đổi khó lường. Theo công bố mới nhất của WHO, virus SARS-CoV-2 có đến hơn 900 biến thể phụ. Do đó, chúng ta vẫn không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh này. 

GS Lân cũng khẳng định, đại dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn đang tồn tại. Chúng ta dù nới lỏng các biện phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn chưa thể công bố hết dịch. 

"Những ngày qua số ca mắc có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày nước ta vẫn ghi nhận hơn 2.000 ca mắc. Ngoài tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị Covid-19 thì khoảng 10% số ca mắc có tình trạng hậu Covid-19. Điều này có khả năng gia tăng gánh nặng với hệ thống y tế nếu như số ca mắc tăng vọt", GS Lân chia sẻ. 

GS Lân cũng cho biết việc công bố dịch sẽ tiếp tục được Bộ Y tế thực hiện hàng ngày để người dân biết và cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. 

Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng kế hoạch quản lý Covid-19 trong tình hình mới; tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 với các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Đồng thời, đa dạng hóa loại hình giám sát vừa giám sát thường xuyên vừa kết hợp giám sát trọng điểm vừa giám sát theo sự kiện, kể cả giám sát khác…. Kịp thời đánh giá dịch đúng với bản chất để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

"Thông điệp phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là: Liên tục, thường xuyên xuyên và luôn cảnh giác xử lý trong mọi tình huống", GS Lân nói. 

Đại diện WHO tại Việt Nam: "Đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta không được mất cảnh giác" - Ảnh 4.

Người dân chủ động đến các cơ sở y tế để đăng ký và được tiêm các mũi vaccine Covid-19 nhắc lại (Ảnh: Bà Dương Thị Hồng Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ thông tin. Ảnh CTV

Liên quan đến việc tiêm chủng vaccine Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian tới, việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ được lồng ghép vào các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng ở các trạm y tế xã, phường (khoảng 3-4 buổi/tháng). 

"Kể cả người đã tiêm vaccine Covid-19 hay người mắc Covid-19 thì miễn dịch sẽ giảm theo thời gian. Do đó, người dân sau khi tiêm mũi cơ bản nên tiêm mũi nhắc lại sau 4 tháng. 

Việc tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung vaccine Covid-19 trong thời gian tới đây là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mọi người và cộng đồng trước dịch Covid-19. 

Chúng tôi khuyến cáo người dân chủ động đến các cơ sở y tế để đăng ký và được tiêm các mũi vaccine Covid-19 nhắc lại", TS Hồng chia sẻ. 

Trước đó, ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của Covid-19 đã kéo dài hơn 3 năm, kể từ ngày 30/1/2020. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đại dịch Covid-19 đã lan rộng đến hầu hết quốc gia trên thế giới và khiến hơn 6,9 triệu người tử vong.

Dù chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng WHO cũng cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.

Theo WHO, hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Châu Âu là khu vực có nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh nhất, trong khi đó, châu Mỹ là khu vực có nhiều trường hợp tử vong được báo cáo nhất.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem