Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên

Thứ hai, ngày 22/04/2024 08:00 AM (GMT+7)
Đến xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), ai cũng biết tới gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam. Vượt khó vươn lên, ông là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ nghề trồng bưởi Soi Hà nổi tiếng xứ Tuyên.
Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 1.

Nằm bên dòng Lô lịch sử, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) có diện tích khoảng 27,6 km2. Với địa hình đa dạng và vị trí thuận lợi, Xuân Vân đặt nhiều kỳ vọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, nghề trồng bưởi luôn được chú trọng đầu tư và phát triển thành đặc sản vùng.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 2.

Đến xã Xuân Vân chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1947), một cựu chiến vượt lên nỗi đau da cam, làm kinh tế giỏi nổi tiếng trong vùng.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 3.

Đầu năm 1967, cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngày càng ác liệt. Bao lớp thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu. Hòa trong không khí sục sôi ấy, chàng thanh niên Nguyễn Quang Vinh, quê gốc ở Hải Hậu (tỉnh Nam Định) vừa tròn 20 tuổi xung phong nhập ngũ. Nhớ về những năm tháng lăn lộn khắp các chiến trường, trong ánh mắt đầy tự hào, cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh bồi hồi kể: "Tôi nhập ngũ năm 1967, lúc bấy giờ ở dưới quê Hải Hậu, Nam Định. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, tôi đóng quân ở nhiều đơn vị, nhưng đơn vị ra quân cuối cùng của tôi là đoàn Hậu cần 814 đầu đóng ở Long Khánh, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 4.

Chia sẻ về kỷ niệm không thể quên trong đời binh nghiệp, cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh bỗng dưng chậm lại, những ngón tay bắt đầu đan vào nhau và nghẹn ngào nói: "Năm 1970 tôi tham chiến ở mặt trận phía Nam. Lúc bấy giờ tôi ở Trung đoàn 61, đóng quân trên núi Dài - An Giang. Tuy nhiên, căn cứ bị máy bay địch phát hiện, lúc bấy giờ Trung đoàn 61 đang nấu cơm và sinh hoạt, đột nhiên một trái bom rơi thẳng xuống khiến cửa hang bị bịt kín. Sau đợt không kích, chỉ huy kiểm quân, không ai bị thương vong, nhưng tìm đi tìm lại vẫn thấy thiếu 3 đồng chí. Cuối cùng, đơn vị mới phát hiện 3 đồng chí bị mắc kẹt bên trong hang".

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 5.

Chúng tôi không thể giải cứu, bởi nếu đánh bom hang sẽ sập nên chỉ có thể tìm mọi cách để đưa đồ ăn vào cho 3 đồng chí bị mắc kẹt bên trong hang. 3 ngày sau, có lệnh chuyển quân, chính trị viên đã làm lễ truy điệu sống cho 3 đồng chí mắc kẹt trong hang, cả đơn vị đã khóc như mưa, bởi ai nỡ lòng mà bỏ đồng đội, nhất là đang còn sống. Nhưng đơn vị buộc phải chuyển quân theo mệnh lệnh cấp trên vì căn cứ bị lộ. Chỉ tay vào vết thương ở chân, cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: "Vết thương do súng đạn thì có thể lại lành, nhưng khi được đồng đội dìu đi khám, tôi mới phát hiện ra bị nhiễm chất độc da cam loại 3. Nhưng tôi vẫn còn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều đồng chí, vì chỉ bị suy giảm sức lao động, tai phải điếc, tai trái bắt đầu bị ù, rồi bị cả viêm phế quản mãn tính. Hiện nay, tôi được nhà nước hỗ trợ 2.610.000/tháng".

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 6.

Sau khi xuất ngũ năm 1976, cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, chuyển lên xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khai hoang, làm kinh tế. Mặc dù mang trong mình nhiều bệnh tật do di chứng của chất độc da cam, nhưng ông vẫn tích cực tham gia và đảm nhiệm nhiều chức vụ tại địa phương như Chủ tịch hội Nông dân xã, Chủ tịch hội Cựu Chiến binh xã, Chủ tịch hội chất độc da cam, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 7.

Những tấm bằng khen, huân, huy chương cao quý là minh chứng lịch sử cho quá trình cống hiến cả thời bình và thời chiến của cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 8.

BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam cho ông Nguyễn Quang Vinh.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 9.

Trong quá trình tham gia làm kinh tế tại địa phương, điều ông Vinh luôn đau đáu đó là làm thế nào để thực hiện tốt chính sách của Nhà nước cho đồng đội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân, hội viên. Toàn xã hiện có 19 nạn nhân trực tiếp (trong đó người ít tuổi nhất ngoài 60 tuổi, cao tuổi nhất ngoài 80 tuổi) và 2 nạn nhân gián tiếp (thế hệ thứ 2). Năm 2012, sau rà soát, nắm cụ thể 5 hộ hội viên nghèo, ông Vinh đã phối hợp với các đoàn thể, giúp các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa nghèo một cách hiệu quả. Tính đến nay, toàn xã không có hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc diện nghèo.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 10.

Không chỉ làm tốt việc của địa phương, cộng đồng, ông Vinh còn tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông định hướng cho 8 người con của mình trồng cây ăn quả, chủ yếu là cây bưởi để thay thế cho cây màu, cây lúa. Hiện nay, ông cùng con trai út xây dựng mô hình trồng bưởi Soi Hà với gần 10.000 gốc. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Cựu chiến binh vượt lên nỗi đau da cam làm giàu từ loại bưởi nổi tiếng xứ Tuyên- Ảnh 11.

Ông Lê Hồng Việt - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, ông Nguyễn Quang Vinh là một hội viên cựu chiến binh luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các công việc xã hội. Tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt hương ước, các phong trào của thôn, như hiến đất để làm đường bê tông nông thôn, chung tay xử lý rác thải nhựa và vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình.

Phạm Hưng
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem