Chuyên gia bày cách chống đói, rét hiệu quả cho đàn gia súc, gia cầm

Trần Quang Thứ ba, ngày 14/12/2021 11:42 AM (GMT+7)
Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) đã triển khai nhiều dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả tại các địa phương.
Bình luận 0
Chuyên gia bày cách chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả  - Ảnh 1.

TS.Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm tại hội nghị trực tuyến "Triển khai công tác phòng chống, đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021 -2022 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ ngày 14/12. Ảnh: TQ

Hỗ trợ người dân trồng, chế biến thức ăn chăm sóc đàn súc, gia cầm

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến "Triển khai công tác phòng chống, đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021 -2022 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, TS.Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bệnh viêm da nổi cục, tổng đàn bò trong cả nước tương đối ổn định, đạt 6,278 triệu con tăng 0,76% so với năm 2019, tổng số đàn trâu đạt 2,38 triệu con, giảm 2,21%.

Theo bà Hương, trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chủ trì và quản lý 27 dự án, trong đó có 9 dự án về đại gia súc. 

Các dự án triển khai ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó các dự án về chăn nuôi đại gia súc được triển khai ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Các dự án triển khai nhằm góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 của Thủ tưởng Chính phủ và Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/05/2014 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Quyết định phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững". 

"Các dự án đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi gia trại, trang trại với quy mô phù hợp và phát huy những lợi thế của từng vùng, miền", bà Hương khẳng định.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ có thế mạnh về điều kiện tự nhiên chăn thả rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò. 

Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt vào mùa rét khi nhiệt độ giảm sâu và thức ăn thô xanh khan hiếm. 

Do đó, khi triển khai các dự án Khuyến nông Trung ương trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc đã lồng ghép các nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền để giảm thiểu tác hại trong mùa đông rét cũng như nhanh chóng khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại. 

"Các kết quả đạt được cho thấy hiệu quả nhất định và chuyển giao cho người chăn nuôi những bài học kinh nghiệm nhằm duy trì và góp phần phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc", đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói.

Cụ thể, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 3 dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò tại các địa phương như Dự án "Xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc" tại địa bàn Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang. 

Dự án đã triển khai trồng 45ha cỏ thâm canh với 127 hộ, năng suất cỏ đạt 204,1-224,7 tấn/ha/4 lứa.

Dự án thứ 2 là "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung tại địa bàn Nghệ An, Hòa Bình; triển khai trồng 9ha cỏ; chế biến 40 tấn thức ăn ủ chua.

Dự án thứ 3 là "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ, thích ứng với biến đổi khí hậu" triển khai ở Ninh Thuận trồng 5 ha cỏ; 30 hộ tham gia chế biến 25 tấn thức ăn.

Chuyên gia bày cách chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả  - Ảnh 2.

TS.Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 3 dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò tại các địa phương. Ảnh: TQ

Các dự án đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật thâm canh cỏ, kỹ thuật chế biến và bảo quan các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô đã thu bắp và dây lang, thân và lá lạc...), đơn giản, dễ kiếm, không cạnh tranh lương thực với con người và vật nuôi khác.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có trên khi kết hợp với các kỹ thuật chế biếnnhư ủ chua, dự trữ cỏ khô, xử lý hóa học (Xử lý bằng urê, xử lý bằng vôi, xử lý kết hợp urê với vôi...) làm tăng khả năng tiêu hóa của vật nuôi, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn. 

Đặc biệt, khi mùa đông ở các tỉnh miền Bắc nước ta thức ăn thô xanh thường khan hiếm thì ủ chua, dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh ngay từ thời điểm thu hoạch chính trước đó đã giúp người chăn nuôi chủ động được trong mùa rét, không cần chăn thả. 

Mặt khác, hàm lượng dinh dưỡng thức ăn thô xanh thông qua ủ chua và chế biến và bảo quản không giảm đi mà còn có thể tăng sau khi lên men yếm khíđặc biệt là hàm lượng protein thô trong khẩu phần.

Các dự án sử dụng giống cỏ mới Voi xanh Đài Loan, VA06 và ứng dụng các kỹ thuật (mật độ trồng, kỹ thuật bón phân, kỹ thuật thu cắt…) đã nâng cao năng suất, chất lượng vườn cỏ. Năng suất đạt > 250 tấn chất xanh/ha, cao hơn năng suất các vườn cỏ của người dân trong vùng > 30%.

Mô hình bảo quản chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua của dự án đảm bảo chất lượng cỏ, giảm hao hụt dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản lên 4-5 tháng.  Kết hợp việc rải vụ thu cắt cỏ vào cuối năm và ủ chua cỏ đã giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô lạnh.

"Các mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ của dự án góp phần phát triển chăn nuôi trâu bò của vùng theo hướng tập trung, thay đổi tập quán thả rông của người dân vùng cao, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân.  Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng thâm canh cỏ của dự án tăng > 20% so với canh tác thông thường của người dân.

Thông qua hoạt động tuyên truyền và đào tạo huấn luyện, các hộ đã nhận thức rõ được hiệu quả của việc chế biến và bảo quản dự trữ thức ăn trong mùa đông, từ đó đã nâng tỷ lệ hộ thường xuyên dự trữ thức ăn vào mùa rét từ 12,29% lên 91,36% vàtỷ lệ hộ hạn chế chăn thả gia súc trong mùa giá rét từ 11,86% lên 91,76%", bà Hương nhấn mạnh. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các dự án, mô hình phòng, chống đói rét cho gia súc gia cầm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua.

"Các dự án của trung tâm đã và đang làm tại các tỉnh,thành rất thiết thực và sáng tạo. Phát huy tinh thân đó, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng hiệu quả các dự án trên", ông Tiến nói.

Kinh nghiệm làm chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho vật nuôi

Bên cạnh việc triển khai các dự án hỗ trợ cung cấp thức ăn cho vật nuôi, bà Hương cho hay: Các dự án khuyến nông Trung ương còn tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng trại bảo đảm quy cách và tập trung cho việc chống rét trong vụ đông. 

Theo đó, các dự án khuyến cáo bà con trước khi nhập giống, 100% các hộ tham gia mô hình đã hoàn thành việc làm chuồng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và được nghiệm thu: Đảm bảo có mái che mưa, che nắng; có văng chuồng; nền chuồng xây bằng gạch, có láng xi măng; các hộ làm máng ăn cố định tại chuồng bằng xi măng hoặc làm máng ăn di động bằng gỗ. 

Hệ thống chứa, ủ phân cũng được xây theo mẫu đảm bảo kỹ thuật, hợp vệ sinh,...  Đây cũng là hình thức ràng buộc giữa đơn vị triển khai và các hộ dân nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm những điều kiện tối thiểu để gia súc sinh trưởng và phát triển. 

Trong xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi đại gia súc, cán bộ kỹ thuật còn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng các bệnh hay gặp và nguy hiểm đối với trâu, bò như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và khuyến cáo các hộ tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên, tập trung vào 2 đợt tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm. Ngoài ra, một số bệnh khác cũng được dự án phổ biến để các hộ chăn nuôi quan tâm như dịch tả, cước chân, chướng hơi dạ cỏ, ký sinh trùng...

Chuyên gia bày cách chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tháng 1/2021. Ảnh: Minh Ngọc

Theo bà Hương, để tính được hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng, thì việc ghi chép sổ sách theo dõi khả năng sinh trưởng, sinh sản, các khoản thu, chi để từ đó tính được hiệu quả kinh tế là một việc làm hết sức quan trọng. 

Trong quá trình triển khai, tất cả các dự án khuyến nông đã xây dựng sổ tay ghi chép hay nhật ký chăn nuôi và hướng dẫn các hộ thực hiện. Do thói quen của người chăn nuôi thường không theo dõi và ghi lại các hoạt động chăn nuôi của gia đình, dẫn đến các hộ không biết hạch toán kinh tế, nguồn gốc con giống, vật tư, thức ăn mua về, thời điểm nào dễ phát bệnh, ngày tháng tiêm phòng, ngày lên giống. 

Trong chăn nuôi trâu, bò thì việc theo dõi phát hiện động dục để xác định thời điểm phối giống thích hợp cho tỷ lệ thụ thai cao là việc làm thường xuyên nhằm góp phần tăng đàn nhanh.

Cung cấp và hướng dẫn sổ ghi chép cho hộ tham gia đã góp phần giải quyết các vấn đề trên, giúp các hộ nắm bắt và kiểm soát tốt hoạt động chăn nuôi thường ngày. 

"Khi mới tham gia, đa phần các hộ gặp khó khăn khi ghi chép, tuy nhiên cán bộ chỉ đạo đã đến hướng dẫn chi tiết, sau các dự án cho thấy 100% các hộ ghi chép, số thường xuyên đạt trên 75%, các hộ đều đánh giá cao hiệu quả từ ghi chép sổ sách mang lại", bà Hương khẳng định.

Số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt

Theo rà soát của Cục Chăn nuôi, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Số lượng đàn gia súc ăn cỏ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm: Đàn trâu: 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triêu con; đàn ngựa 49,58 nghìn con; đàn dê: 2,65 triệu con chiếm tỷ lệ lần lượt là 81,08%; 36,61%; 97,32% và 44,03% tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê của cả nước.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

img

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: TQ

Nguyên nhân gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé non ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương, số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt trong những năm gần đây.

Đơn cử như trong vụ đông - xuân năm 2007-2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc chủ yếu là trâu, bò nhưng đến vụ đông - xuân 2020-2021 số lượng vật nuôi thiệt hại còn 2.271 con và 335 con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem