Ngày 29/6, 63 bác sĩ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và 184 chiến sĩ đội công binh số 2 đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và Abyei. Trước giờ lên đường, đã có những nụ cười và nhiều giọt nước mắt…

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" gìn giữ hoà bình: Hành trang lên đường là niềm tự hào dân tộc - Ảnh 1.

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" bên cạnh chuyên cơ đặc biệt trước giờ lên đường

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4) làm nhiệm vụ tại Nam Sudan có 63 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, trong đó có 11 nữ, được lựa chọn từ các Quân khu 5, 7, 9; Quân đoàn 4; Bệnh viện Quân y 175; Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và một số đơn vị khác. Lực lượng tham gia được huấn luyện kỹ lưỡng về mọi mặt, cả chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, chuyên môn y tế, kiến thức gìn giữ hòa bình sát với diễn biến tình hình thực tiễn, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Liên Hợp Quốc và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.

Đội Công binh số 2 thay thế Đội Công binh số 1 tại khu vực Abyei, có 184 chiến sĩ, trong đó có 19 là nữ, được điều động từ nhiều quân khu, binh chủng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các đơn vị trong toàn quân. Các công binh được huấn luyện chuyên ngành như Luật nhân đạo quốc tế, phòng chống bạo lực tình dục, nhận biết vật liệu nổ, trao đổi chuyên môn công binh, ngoại ngữ, y tế, hậu cần kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu của Phái bộ cũng như các yêu cầu của Liên Hợp Quốc.

img
img
img
img
img

Lưu luyến những giây phút chia tay

Cùng với việc được trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ nhiệm vụ, 100% cán bộ, nhân viên của hai đơn vị đều có quyết tâm cao và đã sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan trong môi trường khắc nghiệt, chiến sĩ Nguyễn Phước Tường (26 tuổi), trợ lý hành chính, tài chính của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 chia sẻ, dù có chút lo lắng nhưng luôn vững tâm vì nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhất là người vợ.

"Khi thực hiện nhiệm vụ ở đất nước rất xa xôi, cách Tổ quốc hơn 10.000 km thì phải nỗ lực hơn 200, 300%. Tuổi trẻ mà, phải cống hiến chứ", Nguyễn Phước Tường bày tỏ.

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" gìn giữ hoà bình: Hành trang lên đường là niềm tự hào dân tộc - Ảnh 3.

Tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Chị Phạm Mỹ Linh vợ của chiến sĩ Nguyễn Phước Tường chia sẻ, dù buồn vì phải xa chồng, nhưng vẫn rất tự hào khi thấy chồng tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình đi Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc.

Cũng là lần đầu tiên tham gia, nữ trung uý Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi), điều dưỡng khoa Ngoại, Bệnh viện dã chiến 2.5 không giấu được sự lo lắng và hồi hộp nhưng trên hết cả, là niềm vui và tự hào dân tộc. "Em là quân số của Bệnh viện Quân y 7A, Cục hậu cần Quân khu 7, được điều động tham gia Bệnh viện dã chiến 2.5. Từ khi vào quân ngũ đã xa nhà, nhưng đây là lần đầu tiên đi xa và lâu như vậy. Trong hơn 1 năm tập trung huấn luyện về tiếng Anh, chuyên môn và kỹ năng sinh tồn, em đã đủ tự tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ", Nhung chia sẻ.

img
img
img
img
img

Chỉnh trang và chỉn chu trước giờ lên đường

Chỉ có người mẹ tần tảo từ quê nhà ra tiễn, trung uý Nguyễn Thanh Nhã không giấu được sự xúc động khi mẹ anh cứ ôm chặt con rơi nước mắt. Mặc dù rất tự hào khi con tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc nhưng người mẹ vẫn không giấu được những lo lắng khi con nhận nhiệm vụ ở một nơi rất xa và rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm.

Phát biểu tại lễ ra quân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hành trang mang theo của 63 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và 184 chiến sĩ Đội công binh số 2 là niềm tự hào dân tộc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp cùng những phẩm chất cao đẹp của "anh bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới.

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" gìn giữ hoà bình: Hành trang lên đường là niềm tự hào dân tộc - Ảnh 5.

"Đoàn quân Việt Nam đi..."

"Cùng với sự đồng hành của Liên Hợp Quốc và các quốc gia bạn bè, sự ủng hộ của các đối tác quốc tế, các đồng chí sẽ đóng góp hiệu quả, thiết thực cho hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và có ý thức về nghĩa vụ cao cả, khát vọng mọi người dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng. Chúc các đồng chí "chân cứng đá mềm", "vạn dặm bình an", "ra quân thắng lợi", xứng đáng là những "đại sứ của hòa bình và tình hữu nghị", Chủ tịch nước nói.

img
img
img
img
img

Các chiến sĩ Việt Nam vững vàng gìn giữ hoà bình thế giới

Sau gần 10 năm kể từ khi Bộ Chính trị thông qua "Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc", Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc cử lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cử 533 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao.

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" gìn giữ hoà bình: Hành trang lên đường là niềm tự hào dân tộc - Ảnh 7.

Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" Việt Nam tiếp tục ghi thêm dấu ấn với bạn bè quốc tế

Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam được đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả, chung tay hiện thực hóa các "Mục tiêu phát triển bền vững" và "Mục tiêu thiên niên kỷ" của Liên Hợp Quốc.

Giây phút chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ

Bạch Dương thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem