Bệnh dại có nguy cơ tăng cao, tỷ lệ chó mèo được tiêm phòng rất thấp

Quang Sung Thứ sáu, ngày 10/03/2023 14:41 PM (GMT+7)
Thông tin trên được TS Phan Văn Minh - Trưởng phòng dịch tễ Cục thú y nêu tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023, diễn ra ngày 10/3 tại TP.HCM.
Bình luận 0

Sáng ngày 10/3, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị Phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023. Phát biểu tại hội nghị, TS Phan Văn Minh - Trưởng phòng dịch tễ Cục thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Theo đó, 4 ca tử vong này xảy ra tại 3 tỉnh, riêng Gia Lai có 2 ca, Lào Cai 1 ca và Quảng Ninh 1 ca.

Bệnh dại có xu hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp - Ảnh 1.

TS Phan Văn Minh cảnh báo về tình trạng bệnh dại có xu hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp. Ảnh: Quang Sung

Đối với bệnh dại trên động vật, theo báo cáo cập nhật của địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 39 ca bệnh dại trên động vật tại 13 tỉnh.

Theo TS Minh, nguyên nhân chủ yếu khiến gia tăng bệnh dại là do tổng đàn chó, mèo của cả nước lên đến gần 7 triệu con. Trong đó, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40% tổng đàn. Chỉ có 13 tỉnh, thành phố (20%) đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.

Bệnh dại có xu hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp - Ảnh 2.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm diễn ra phố biến tại các địa phương. Ảnh: Quang Sung

Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc-xin dại. Đồng thời công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo, hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông.

Ông Minh cho biết thêm, việc người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, những chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng, vắc-xin dại chưa được áp dụng theo quy định.

Nhận định về những chuyển biến xấu của bệnh dại, TS Phan Văn Minh cho hay: “Trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao”.

Bệnh dại có xu hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp - Ảnh 4.

Một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch được hồi sức tích cực, khi xét nghiệm phát hiện bệnh dại. Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ.

Theo TS Minh, để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, trong thời gian tới cần tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y.

Bên cạnh đó cần triển khai hiệu quả các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 881 nghìn liều vắc-xin dại trên động vật; đang bảo quản tại kho của các doanh nghiệp 4,3 triệu liều; dự kiến sản xuất, nhập khẩu quý 2 là 2,5 triệu liều.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca), tăng 5 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 4 ca tử vong trên người tại 3 tỉnh: Lào Cai (1), Quảng Ninh (1), Gia Lai (2).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem