Xuất khẩu nông sản tăng có ý nghĩa gì khi đời sống ND khó khăn

Nguyễn Xuân Định (UVBTV, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế) Thứ năm, ngày 20/04/2017 17:30 PM (GMT+7)
Xuất khẩu nhiều, tăng được giá trị gia tăng của sản phẩm, mà đời sống nông dân không được nâng lên thì xuất khẩu không thực sự có nhiều ý nghĩa. Giải quyết vấn đề này phải bắt đầu từ gốc...Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn phát biểu tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017”.
Bình luận 0

“Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017” do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội hôm nay, 20.4 tại Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các Hiệp hội ngành hàng...

img

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (áo trắng, giữa) trao đổi với các đại biểu nhiều vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn bên lề diễn đàn. Ảnh: Xuân Định. 

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất ra nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới…Xuất khẩu nhiều, tăng được giá trị gia tăng của sản phẩm, mà đời sống nông dân không được nâng lên thì xuất khẩu không có ý nghĩa gì. Bởi vậy, giải quyết bài toán này phải tìm và giải quyết nguyên nhân gốc rễ.

5 nguyên nhân

Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, có 5 nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản phẩm tăng liên tục mà đời sống nông dân tăng chưa tương xứng gồm:

Một là, chính sách nhiều, nhưng không đồng bộ, không liên thông, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nông thôn.

Hai là, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, chưa gắn giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và lưu thông.

Ba là, chưa có được các bộ giống cây, con chủ lực. Nhà nước chưa đặt hàng các viện nghiên cứu để nghiên cứu, chọn, tạo ra các loại giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, chưa quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra.

Năm là, chưa quan tâm đầu tư đứng mức nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh cho người nông dân - chủ thể của quá trình phát triển.

Chủ tịch Lại Xuân Môn nêu một số ví dụ về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… quy hoạch sản xuất được làm rất bài bản, đầu tư đồng bộ từ hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống kho bảo quản, cơ sở chế biến. Thái Lan chỉ có 5-6 giống lúa chủ lực, còn ở Việt Nam có khá quá nhiều loại giống khác nhau.

Nông dân Nhật Bản được vay vốn với lãi suất 1,3%/năm, trong khi lãi suất vay thương mại là 3%/năm; được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư áp dụng công nghệ cao. Hầu hết nông sản đều được bảo quản trong điều kiện tốt. Một số nông sản có thể bảo quản nhiều tháng, thậm chí hàng năm mới đem ra đấu giá. Nông sản được tiêu thụ thông qua đấu giá, để người sản xuất có thể bán trực tiếp sản phẩm cho các doanh nghiệp, giảm được khâu trung gian, tránh được tình trạng tư thương thông đồng ép giá…

Và 5 giải pháp cơ bản

Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, theo người đứng đầu Hội NDVN thì cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, phải tập trung rà soát các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Cần có chính sách bảo đảm nguồn vốn cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi bằng từ 0%-50% so với lãi suất ngân hàng thương mại, thủ tục thuận tiện để nông dân vay phát triển sản xuất, nhất là đầu tưng ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.

Hai là, tập trung quy hoạch vùng sản xuất đồng bộ, bao gồm: cơ sở hạ tầng cho sản xuất như điện, đường, tưới tiêu, đồng nhất trồng các loại giống, cây trồng, vật nuôi, gắn với xây dựng các kho bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

img

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (phải) cùng các thành viên trong đoàn thăm trang trại thông minh tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc).  Ảnh: Xuân Định

Ba là, tăng cường đầu tư và có chính sách khuyến khích phát triển nghiên cứu có chọn lọc, nhất là nghiên cứu giống mới có năng suất, chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo quản, chế biến. Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng với các viện khoa học nghiên cứu sản xuất các loại giống cây trồng chủ lực quốc gia để giúp người nông dân sản xuất với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, tránh tình trạng như hiện nay ai cũng sản xuất giống dẫn đến khó kiểm soát…Các giống cây trồng khác giao cho các viện nghiên cứu sản xuất, các doanh nghiệp và nông dân đến đặt hàng mua, như vậy doanh nghiệp và người nông dân sẽ chủ động được giống cây trồng có chất lượng, giá thành hợp lý.

“Giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, vượt giá trị xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn thấp, điều kiện sống còn nhiều khó khăn...”, Chủ tịch Lại Xuân Môn.

 Bốn là, có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân thông qua xây dựng các mô hình, kết hợp lý thuyết và thực tiễn thương phương thức song hành, nông dân dạy nông dân. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.

Năm là, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản, chợ đấu giá nông sản để giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá, được mùa, mất giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem