Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục "khủng" 8,7 tỷ USD nhờ thiết lập kênh bán hàng mới

Khánh Nguyên (ghi) Thứ ba, ngày 20/07/2021 18:34 PM (GMT+7)
Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vẫn đạt 8,71 tỷ USD. Theo ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), đó là nhờ sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc thiết lập các kênh bán hàng mới.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả này đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang gây ra không ít khó khăn cho giao thương toàn cầu?

- Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Các doanh nghiệp ngành gỗ đã tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường để bứt phá tăng trưởng tốt. 

Từ việc xác định rõ nhu cầu của thị trường tăng cao, thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản đến đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, các hình thức thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến cũng như qua các trang mạng xã hội… đã giúp ngành gỗ tận dụng được rất nhiều cơ hội trong thời gian vừa qua.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,7 tỷ USD: Dấu ấn từ các kênh bán hàng mới  - Ảnh 1.

Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, nhờ sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc thiết lập các kênh bán hàng mới, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã đạt con số ấn tượng. (Ảnh: Vietnamnews).

Các yếu tố giúp ngành gỗ đạt con số xuất khẩu ấn tượng là gì, thưa ông?

- Thời gian qua, dù kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, ngành gỗ nói riêng có sự ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu.

Thứ hai, thị trường đồ gỗ thế giới rất lớn, thị phần của Việt Nam cũng chỉ mới chiếm 6-7% nên còn rất nhiều dư địa phát triển. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam rất cố gắng, có sự sáng tạo, chủ động tìm kiếm mặt hàng, đổi mới phương thức bán hàng.

Nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay đã bắt đầu ổn định. Tỷ trọng nguồn nguyên liệu trong nước đóng góp vào trị giá xuất khẩu từng bước được nâng lên. 

Các doanh nghiệp cũng từng bước tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU rất ấn tượng, tăng trưởng trên 54% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm 2019, 2020, thị trường EU không có sự tăng trưởng cao, có những thời điểm còn tăng trưởng âm, tuy nhiên qua số liệu 6 tháng đầu năm nay cho thấy đã có sự tăng trưởng vượt bậc với giá trị ấn tượng. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam đã tận dụng tốt EVFTA.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,7 tỷ USD: Dấu ấn từ các kênh bán hàng mới  - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Thông (Bình Dương). (Ảnh: P.V).

Ông đánh giá như thế nào về khả năng quản trị, đầu tư và cơ cấu mô hình hoạt động của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trươc sự thay đổi của thị trường thế giới trước tác động của đại dịch Covid-19?

-Quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay đã được quan tâm và đổi mới rất nhiều. Các doanh nghiệp hiện nay cũng rất sáng tạo trong chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu hoạt động; thiết lập được những kênh bán hàng rất mới.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục ở mức cao 2 con số, Việt Nam liên tục nằm trong top đầu thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. 

Định hướng xuất khẩu của ngành chế biến lâm sản thời gian tới là làm sao gia tăng giá trị thặng dư dựa trên nền tảng thiết kế thương hiệu sản phẩm thay vì chỉ là giá trị sản xuất hiện nay. 

Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng tới mục tiêu xuất khẩu khoảng trên 15 tỷ USD trong năm nay, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ những giải pháp nào để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước tìm kiếm được cơ hội xuất khẩu?

- Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT để Bộ tham mưu cho Chính phủ triển khai một số hoạt động.

 Thứ nhất, Tổng cục Lâm nghiệp đang được giao xây dựng nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Trong đó, có xác định một số cơ chế, chính sách cho ngành chế biến gỗ.

Thứ hai, chúng tôi cũng đang xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ tiếp tục nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời, tham mưu Bộ, báo cáo Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ cũng như các doanh nghiệp khác có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Chúng tôi thấy rằng, quá trình kết nối mở cửa thị trường là yếu tố rất quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đứng ở vai trò các cơ quan nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với các quốc gia là những thị trường tiềm năng, ký kết được những biên bản ghi nhớ, hợp tác trong các hoạt động chế biến và thương mại lâm sản.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem