Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Vẫn "nóng" vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi

Bình Minh Thứ bảy, ngày 18/03/2023 13:27 PM (GMT+7)
Theo Bí thư Huyện uỷ Ba Vì Dương Cao Thanh, vấn đề môi trường trong chăn nuôi hiện nay đang rất cấp thiết. Thời gian qua, TP.Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.
Bình luận 0

Huy động gần 43.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2022 và quý I/2023, Hà Nội đã tập trung công tác thẩm định huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, đến nay thành phố có thêm 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch giao), 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt kế hoạch TP giao).

Năm 2022, Hà Nội có thêm 3 huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới tính đến hết năm 2022 lên 15/18 huyện, thị xã.

Về xây dựng huyện NTM nâng cao, hiện có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. 

Hiện nay, 2 huyện Ứng Hoà và Ba Vì đã đủ điều kiện huyện nông thôn mới. Sở NNPTNT đang tham mưu UBND TP Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia bỏ phiếu để trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, công nhận. Đối với huyện Mỹ Đức đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội để thẩm tra trong tháng 3/2023.

Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội: Vẫn "nóng" vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 1.

Mô hình trồng hoa giấy cho thu nhập cao của nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Cũng theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, bên cạnh kết quả xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân nông thôn cũng không ngừng được cải thiện. Trong năm 2022 và quý I/2023, TP tập trung giải quyết việc làm cho gần 28.000 lao động. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt hơn 56,3 triệu đồng/người/năm. 

Đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%; trong đó, 5 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì. Đa số hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang…

Từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng kinh phí thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (gọi tắt là Chương trình số 04), là 42.903 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước lên tới 2.598 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng nguồn vốn huy động). Trong đó, nguồn vốn do nhân dân đóng góp  gần 655 tỷ đồng. Một số huyện có nguồn lực huy động ngoài ngân sách lớn như: Hoài Đức 141,5 tỷ đồng, Ba Vì 85 tỷ đồng, Sóc Sơn 84 tỷ đồng, Mỹ Đức 84 tỷ đồng…

"Nóng" vấn để xử lý môi trường trong chăn nuôi

Tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội, ngày 17/3, Bí thư Huyện uỷ Ba Vì Dương Cao Thanh cho hay, vấn đề môi trường trong chăn nuôi hiện nay đang rất cấp thiết. Thời gian qua, TP đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.

Tại huyện Ba Vì, việc xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa vẫn rất khó khăn. “Lãnh đạo địa phương đã đi thăm quan mô hình ở TH True Milk, Vinamilk… nhưng vẫn chưa có được giải pháp phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Do đó, huyện kiến nghị TP cần có nghị quyết với cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nội dung này”, ông Thanh nói.

Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội: Vẫn "nóng" vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi - Ảnh 2.

Chăm sóc bò sữa ở một trang trại tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì). Ảnh: H.L

Vấn đề số hoá nông nghiệp cũng được lãnh đạo các huyện quan tâm. Theo đó, Bí thư Huyện uỷ Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất, chuẩn hoá sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết nhằm nâng giá trị cho nông sản, hàng hoá. Địa phương này mong muốn TP có thêm cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các sản phẩm số hoá, nhất là trong lĩnh vực du lịch nông thôn,  phát triển sản phẩm làng nghề…

Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu cũng đề xuất TP cần sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nước sạch nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương, việc kêu gọi xã hội hoá đầu tư nước sạch ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa là rất khó khăn. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ từ TP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem