Quay cuồng khi xăng tăng giá kỷ lục: Nữ tài xế đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội (bài 2)

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 16/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh xăng tăng giá, bà Mai Thị Hường làm nghề lái xe ôm chở những người bệnh chạy thận nghèo ở xóm chạy thận Hà Nội cho biết, không bao giờ dám lấy thêm tiền bởi những vị khách đặc biệt của mình là người tận cùng của khổ cực.
Bình luận 0

Nữ tài xế đặc biệt ở xóm chạy thận loay hoay khi giá xăng tăng kỷ lục

Đều đặn mỗi ngày khi trời còn chưa sáng rõ, bà Mai Thị Hường (56 tuổi, quê Thanh Hoá) ở trọ tại xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vội dậy lo cho chồng là ông Nhữ Đình Mây (67 tuổi). Ông Mây bị suy thận đến nay đã 17 năm. 

Nữ tài xế xóm chạy thận giãi bày khi xăng tăng kỷ lục. Clip: Gia Khiêm

Nhiều năm qua, mỗi tuần 3 lần ông phải đến viện để chạy thận nhân tạo. Sau khi lo cho chồng ăn sáng, uống thuốc xong bà Hường dắt chiếc xe máy cũ ra ngoài chở những vị khách "đặc biệt" đợi mình từ trước đến bệnh viện lọc máu. Cứ thế từng bệnh nhân chạy thận được bà chở trên chiếc xe máy cà tàng len lỏi trên các ngõ phố đến tận cửa Bệnh viện Bạch Mai cách nơi ở khoảng gần 2km.

Quay cuồng khi giá xăng xô đổ kỷ lục: Nữ tài xế đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội (bài 2) - Ảnh 2.

Bà Mai Thị Hường chở những bệnh nhân từ sáng sớm. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hường chia sẻ, đã gắn bó với nghề lái xe ôm gần 2 năm nay. Trước đây, bà Hường đi bán nước ở trong Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, sau dịch bệnh quán nước "di động" của bà phải tạm dừng. Từ đó, bà chuyển sang chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, chăm sóc chồng bệnh tật, già yếu.

Quay cuồng khi giá xăng xô đổ kỷ lục: Nữ tài xế đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội (bài 2) - Ảnh 3.

Bà Hường cho biết, làm nghề lái xe ôm khoảng 2 năm nay, mặc dù giá xăng tăng nhưng bà không dám tăng giá bởi toàn bệnh nhân khó khăn. Ảnh: Gia Khiêm

"Ban đầu tôi chủ yếu chở chồng đến bệnh viện, sau nhận chở thêm mọi người để kiếm thêm thu nhập. Công việc của tôi thường bắt đầu từ 6h sáng mỗi ngày. Những người chạy thận sức khoẻ yếu nên đi lại bị hạn chế. Tôi chở họ đến bệnh viện xong gần trưa họ chạy thận xong mình lại ra đón về. 

Tôi chở mỗi ngày vài khách, đến tháng họ trả cho mình 180.000 đến 200.000 đồng. Còn chở theo lượt thì 10.000 đến 15.000 đồng. Có khách không có tiền thì mình giúp. Tính ra ngày được khoảng 50.000 đồng thì trong đó mất 20.000 tiền xăng rồi", bà Hường cười nói.

Mong ước của xóm nghèo chạy thận sau xăng tăng giá kỷ lục

Trước việc giá xăng tăng cao kỷ lục, bà Hường không khỏi băn khoăn, trăn trở. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt lại thêm bệnh tật phải chạy thận quanh năm, suốt tháng như chồng bà lại thêm gánh nặng.

"Trước xăng chưa lên giá thì thoải mái, mọi người đưa bao nhiêu cũng được nhưng giờ xăng tăng lên tôi cũng không dám lấy thêm tiền công. Mọi người ở đây đều là bệnh nhân nghèo khó. Nhiều chuyến chở khách từ quận Hai Bà Trưng đến bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) khách không có tiền chỉ đưa 20.000-30.000 đồng tôi cũng nhận.

Quay cuồng khi giá xăng xô đổ kỷ lục: Nữ tài xế đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội (bài 2) - Ảnh 4.

Bà Hường mong muốn Nhà nước bình ổn giá, tạo điều kiện để những người điều trị bệnh đỡ tốn kém. Ảnh: Gia Khiêm

Công việc này mỗi tháng tôi được thêm khoảng 1.000.000-2.000.000 đồng đủ trang trải tiền thuê nhà. Còn lại tiền chữa bệnh, thuốc men phần nào được anh em trong gia đình giúp đỡ và tiền trước đây tôi làm tích cóp được", bà Hường thật thà nói.

Theo bà Hường, nếu như chồng không ốm thì bà kiếm công việc khác thu nhập ổn định. Tuy nhiên, việc chính của bà là chăm sóc chồng, lúc rảnh rỗi thì tranh thủ chạy xe ôm miễn sao được đồng hành bên cạnh chăm sóc cho chồng.

Bà Hường kể, không ít đêm chuông điện thoại rung lên, bên kia đầu dây người nhà báo muốn nhờ bà chở đi bệnh viện cấp cứu. Nghe vậy bà lập tức bật dậy đưa đi bệnh viện.

"Ở đây trong ngõ nếu có gọi xe cấp cứu cũng không thể vào trong được. Tôi bế họ lên xe để người nhà ôm phía sau rồi chở đi bệnh viện cấp cứu. Với người chạy thận việc phải đi cấp cứu xảy ra như cơm bữa. Có trường hợp người nhà đi chăm chồng bị ngã gãy xương tôi phải nẹp lại chân, bế lên xe đi viện. Ai gọi tôi cũng chở sau cũng không lấy tiền xe ôm của họ vì biết lấy bao nhiêu cho vừa", bà Hường nói. 

"Xăng tăng giá sẽ kéo theo nhiều mặt hàng hoá, nhu yếu phẩm tăng giá theo. Từ cái bánh mì, chai nước mắm, dầu ăn... cũng leo thang theo. Vợ chồng tôi lâu nay cũng không dám về quê để tiết kiệm chi phí. Tôi mong muốn Nhà nước bình ổn giá, tạo điều kiện để những người điều trị bệnh đỡ tốn kém", bà Hường nói thêm.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Anh Tuấn, Trưởng xóm chạy thận cho biết, việc xăng tăng giá đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của những người chạy thận. 

"Xăng tăng giá kéo theo đồ nhu yếu phẩm như rau, thịt, cá leo thang. Điều này ảnh hưởng tới tài chính bệnh nhân trong khi đa phần họ không làm ra tiền. Chúng tôi mong muốn giá cả bình ổn để cuộc sống những người bệnh đỡ khổ", ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem