Xài đệm lót sinh học, lợn gà lớn nhanh như thổi, không mùi hôi thối

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 08/07/2018 13:46 PM (GMT+7)
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), mỗi năm ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay, theo tính toán mỗi năm lượng chất thải rắn tăng thêm khoảng 1,5 triệu tấn, do đó việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải, trong đó có đệm lót sinh học (ĐLSH) sẽ góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm lên môi trường, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Bình luận 0

Mỗi ngày thải gần 85 triệu tấn chất thải

Theo Cục Chăn nuôi, cả nước có khoảng 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20.000 trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Có tới 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

img

  Hiện nay người dân vẫn chưa tận dụng hết các sản phẩm có sẵn như lõi ngô trong chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Ảnh: Tuệ Linh

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, khi áp dụng công nghệ ĐLSH trong chăn nuôi cũng cần có vài điều chỉnh về biện pháp kỹ thuật như thiết kế chuồng nuôi sao cho hợp lý khi nuôi lợn. Đặc biệt là trong mùa hè, quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót thường sinh nhiệt, sẽ làm nhiệt độ chuồng nuôi tăng, luôn ở mức 30 - 40 độ C, có thể đến 45 độ C nên người nuôi lợn cần có cách thiết kế sao cho hợp lý mới đem lại hiệu quả.

Trần Quang (ghi)

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6.2018, ước đàn bò cả nước có khoảng 5,58 triệu con, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017; đàn trâu có 2,48 triệu con; đàn gia cầm khoảng 378 triệu con, tăng 5,2%; đàn lợn có 26,42 triệu con. Trung bình mỗi con lợn sẽ thải ra 1,5kg phân lợn/ngày; 15kg phân trâu, bò/con/ngày…

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm qua, chất thải vật nuôi trong nông hộ được xử lý chủ yếu thông qua các biện pháp như: Ủ làm phân; xử lý bằng công nghệ khí sinh học biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học…

Tuy nhiên, các phương pháp này chưa thể giải quyết được vấn đề về môi trường, trong khi mỗi năm tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải ra tới hơn 85 triệu tấn chất thải rắn, với khoảng 60% số chất thải chưa được xử lý.

Chuồng trại không mùi hôi, gà lợn nhanh lớn

Theo nghiên cứu của Viện Chăn nuôi, nếu ở một xã, số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20 - 30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50 - 60% thì hầm biogas có những hạn chế.

Lượng nước thải từ hầm biogas lại thường đổ vào nguồn nước thải của xã mà không được xử lý, do đó vẫn có nguy cơ gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh.

Trong khi nếu chăn nuôi trên nền ĐLSH, bà con có thể tiết kiệm được 80% lượng nước do không dùng nước để rửa chuồng và tắm rửa cho lợn, nước chỉ dùng để uống và phun tạo độ ẩm cho nền chuồng; giảm được 60% nhân lực trong việc dọn chuồng, tắm rửa cho lợn, giảm 10% chi phí thức ăn. Đặc biệt, trong đệm lót còn chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại đối với gia súc.

Là một trong những hộ áp dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi ở Hà Nam, ông Ngô Văn Thêm ở xóm 7, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân cho biết, trước đây khi nuôi lợn không có biện pháp xử lý chất thải tốt nên thường xuyên có mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sôi nhiều, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình và các hộ xung quanh. Nhưng từ ngày được hướng dẫn đưa công nghệ ĐLSH vào nuôi lợn thấy chuồng trại rất sạch, lợn lớn nhanh, ít bị nhiễm bệnh.

Theo đó, ĐLSH chính là lớp đệm lót chuồng bằng các nguyên liệu như: Trấu, xơ dừa, mùn cưa, rơm rạ, thân cây ngô khô… được cấy chế phẩm sinh học Balasa. Chế phẩm này sẽ giúp phân giải các chất thải động vật (phân và nước tiểu) để chuyển hóa thành các chất vô hại (không có mùi), ức chế vi khuẩn có hại (như nhóm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli. Salmonella…), tạo môi trường sạch, giảm vi sinh vật gây hại, do đó con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng và có sức đề kháng cao.

Tuy nhiên, theo bà con, điểm yếu của ĐLSH là nóng, không thực sự thích hợp với chăn nuôi vào mùa hè.

Ngoài ra, chi phí làm ĐLSH còn cao, các địa phương có phong trào ứng dụng ĐLSH phát triển mạnh là nhờ hỗ trợ của địa phương, số hộ tự bỏ tiền làm mô hình không nhiều.

Do đó bà con mong muốn Nhà nước và ngành nông nghiệp sớm nghiên cứu, xem xét có cơ chế hỗ trợ nhân rộng công nghệ này vào chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem